Sức hút từ thương hiệu phim sinh tồn

Phần tiền truyện 'The Hunger Games: The Ballad of Songbirds and Snakes' (tựa phim chiếu tại Việt Nam: 'Đấu trường sinh tử: Khúc hát của chim ca và rắn độc') mang đến cho khán giả cái nhìn mới mẻ về lịch sử của đấu trường khắc nghiệt này, cũng như những câu chuyện tạo nên ác nhân - Tổng thống Coriolanus Snow. Bộ phim mới này một lần nữa khẳng định thương hiệu phim sinh tồn đình đám 'The Hunger Games' dù vắng bóng hơn 8 năm qua.

Trong “Đấu trường sinh tử: Khúc hát của chim ca và rắn độc”, Tom Blyth tỏa sáng khi hóa thân Snow thời trẻ. Ảnh: Lionsgate

Bộ phim dựa trên bộ tiểu thuyết bán chạy của nữ văn sĩ người Mỹ Suzanne Collins “The Hunger Games” gồm 4 cuốn tiểu thuyết, kể về đất nước giả tưởng mang tên Panem. Đất nước này có 12 quận và thủ đô là khu vực Capitol. Mỗi năm, 2 đại diện trẻ của mỗi quận được chọn để tham gia một trận chiến sinh tử, nơi cuối cùng chỉ còn một người sống sót.

Trong phần tiền truyện “The Hunger Games: The Ballad of Songbirds and Snakes” có bối cảnh 64 năm trước khi diễn ra tuyến truyện chính với câu chuyện hoàn toàn độc lập. Trong phần này tuy không có sự tham gia của những cái tên quen thuộc như Jennifer Lawrence, Liam Hemsworth…, nhưng vẫn quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng như Rachel Zegler, Tom Blyth, Peter Dinklage hay nữ diễn viên gạo cội Viola Davis…

Nhân vật chính là Coriolanus Snow (do Tom Blyth thủ vai) năm 18 tuổi, sau này trở thành Tổng thống của Panem. Phần tiền truyện hé lộ những nguồn cơn trong quá khứ dẫn Snow đến con đường trở thành thủ lĩnh độc tài của Panem.

Xem phim, khán giả được diện kiến người thiết kế ra trò chơi sinh tử, đẩy rất nhiều thiếu niên vào chỗ chết: Hiệu trưởng Casca Highbottom (do Peter Dinklage thủ vai). Casca triệu tập tất cả mọi người cho lễ chiêu quân lần thứ 10, chuẩn bị chọn ra các vật hiến tế từ 12 quận. Coriolanus là niềm hy vọng cuối cùng cho dòng họ Snow đang dần lụi tàn, được chỉ định trở thành cố vấn cho trò chơi, cũng có nghĩa là người sẽ hỗ trợ cho nữ chính Lucy Gray Baird (Rachel Zegler thủ vai).

Từ đó, Coriolanus dần nảy sinh mối quan hệ đặc biệt, gần như tình yêu với Lucy. Dường như Snow rất có duyên với Quận 12, vì Lucy - cũng giống như Katniss Everdeen, người lật đổ ông sau này - là một cô gái xuất thân từ Quận 12.

Với những màn kịch tính, gay cấn không kém gì mạch truyện chính, trò chơi sinh tử trong phần tiền truyện đưa khán giả khám phá một thế giới có sự phân cấp giữa quý tộc và người thường, vì sinh tồn mà con người bất chấp cả đạo đức.

Theo hành trình của Coriolanus thời trẻ, người xem sẽ được chứng kiến nguồn cơn dẫn dắt Snow trở thành vị Tổng thống độc tài của Panem sau này. Đến cuối cùng khán giả mới được biết ai sẽ là chim ca hót lên khúc hát của kẻ chiến thắng và ai là rắn độc thật sự.

Doanh thu mở màn của “The Hunger Games: The Ballad of Songbirds and Snakes” không duy trì được sức hút của loạt phim ban đầu - vốn đã đưa Jennifer Lawerence trở thành ngôi sao toàn cầu và truyền cảm hứng cho 3 phần tiếp theo của thương hiệu “The Hunger Games”, nhưng tác phẩm này vẫn đủ hấp dẫn để vượt qua 3 “tân binh” là “Trolls Band Together”, “Thanksgiving” và “Next Goal Wins” trong mùa lễ Tạ ơn.

Trong tuần đầu tiên công chiếu, bộ phim đã thu về 44 triệu USD tiền bán vé từ 3.776 rạp ở Bắc Mỹ và 98 triệu USD trên toàn cầu. Điều này chứng tỏ bộ tiểu thuyết bán chạy của nữ văn sĩ người Mỹ Suzanne Collins cũng như thương hiệu phim sinh tồn đình đám “The Hunger Games” vẫn còn sức hút mạnh mẽ đối với khán giả trên toàn thế giới.

ĐOÀN GIA HUY

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5433/202312/suc-hut-tu-thuong-hieu-phim-sinh-ton-3961134/