Sức bật đô thị động lực

Như lò xo đã được nén, các đô thị động lực của Kiên Giang bật lên mạnh mẽ với những đổi thay mang tầm chiến lược. Những đô thị lớn như Rạch Giá, Phú Quốc, Hà Tiên… 'khoác áo mới' với những công trình, dự án tầm cỡ quốc gia, quốc tế.

ĐỊNH HÌNH KHÔNG GIAN ĐÔ THỊ

Năm 2014, Phú Quốc được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II. Đến nay, tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cuộc sống hiện đại. “Không gian tổ chức xây dựng các khu đô thị tại Phú Quốc được xác định tập trung tại 3 phân khu An Thới, Dương Đông, Cửa Cạn và một số khu đô thị nhỏ lẻ khác. Phú Quốc hiện có tỷ lệ nhà ở kiên cố khu vực nội thị đạt trên 70%”, Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP. Phú Quốc Võ Chí Sĩ cho biết.

TP. Phú Quốc đã đầu tư xây dựng công viên Bạch Đằng, trồng mới cây xanh các tuyến đường, lát gạch vỉa hè, chỉnh trang đô thị. Phú Quốc đang triển khai nhanh thủ tục đầu tư các công trình trọng điểm với các giải pháp đồng bộ, giúp cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông, giảm điểm nóng về giao thông.

Một góc đô thị Phú Quốc (Kiên Giang) nhìn từ trên cao. Ảnh: TÂY HỒ

TP. Phú Quốc ưu tiên xây dựng các khu tái định cư, đẩy nhanh tiến độ các dự án, tập trung phát triển nguồn nước, hạn chế sử dụng nước ngầm. Tập trung giải quyết tình trạng ngập úng, nhất là các khu vực Dương Đông, Cửa Dương và Dương Tơ.

Thành phố hiện tập trung phát triển đô thị về An Thới, bởi đây là một trong hai phường trung tâm của thành phố, nơi tập trung nhiều thế mạnh như tài nguyên du lịch, hạ tầng giao thông, dân cư hiện hữu và các thương hiệu quốc tế. Hiện nam đảo Phú Quốc được nhiều tập đoàn lớn như Sun Group đầu tư, phát triển bài bản, hình thành hệ sinh thái du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí hấp dẫn du khách. An Thới còn hình thành khu đại đô thị cao cấp đầu tiên của Phú Quốc.

Việc tăng quy mô dân số cho thấy tầm nhìn thu hút và phát triển đô thị mạnh mẽ về hướng An Thới để nơi đây mang sắc thái đô thị trẻ trung, năng động, thu hút dân cư và nguồn lao động chất lượng cao, làm tiền đề cho việc thúc đẩy An Thới trở thành đại diện tiêu biểu về kinh tế, du lịch của Phú Quốc. Việc điều chỉnh chức năng cảng dầu khí thành cảng du lịch kết hợp hàng hóa, xây dựng khu dịch vụ hậu cần cho cảng du lịch thể hiện sự sang trọng cũng như tính kết nối thuận tiện hơn.

Du lịch nam Phú Quốc có thêm hạng mục hạ tầng giao thông mới khi cảng được đầu tư, cơ hội đưa những siêu du thuyền mang tới dòng khách hạng sang cập cảng. Nhìn vào hình mẫu những điểm đến hàng đầu thế giới với các bến tàu, bến siêu du thuyền sầm uất để thấy sự điều chỉnh này là hoàn toàn hợp lý và tạo ra nhiều cơ hội cho đảo ngọc.

6 ĐÔ THỊ ĐỘNG LỰC

Trong chương trình phát triển các đô thị động lực trên địa bàn Kiên Giang đến năm 2025, TP. Rạch Giá được định hướng xây dựng trở thành một trong 4 đô thị của vùng kinh tế trọng điểm thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đến năm 2025, Kiên Giang phát triển 6 đô thị động lực, trong đó TP. Rạch Giá được nâng lên đô thị loại I.

Một góc đô thị Rạch Giá (Kiên Giang) nhìn từ trên cao. Ảnh: CÔNG NINH

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Rạch Giá Nguyễn Văn Hôn cho biết để thực hiện đạt mục tiêu TP. Rạch Giá nỗ lực huy động các nguồn lực xã hội, phấn đấu giai đoạn 2020-2025 đạt 65.213 tỷ đồng tổng vốn huy động đầu tư toàn xã hội, tăng bình quân 5% so hàng năm. Các công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị của thành phố được cải thiện rõ nét. Nhiều công trình, dự án trọng điểm của thành phố đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Dự kiến năm 2024, TP. Rạch Giá được nâng cấp lên đô thị loại I. Thành phố sẽ trở thành trung tâm tổng hợp, chuyên ngành, trung tâm kinh tế biển, thương mại, dịch vụ xanh tại khu vực ven biển phía tây của vùng.

Ngoài 2 thành phố lớn là Phú Quốc và Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đã và đang xây dựng TP. Hà Tiên trở thành đô thị kinh tế cửa khẩu quốc tế, trung tâm văn hóa, du lịch lớn của tỉnh và khu vực; xây dựng Kiên Lương trở thành thị xã và là đô thị công nghiệp có quy mô lớn và hiện đại, trung tâm du lịch cấp tỉnh.

An Biên là đô thị vùng U Minh Thượng; Giồng Riềng là đô thị vùng Tây sông Hậu. Có thể thấy, kết quả hiển hiện rõ ràng khi các đô thị động lực không những tự thân phát triển mà còn là đòn bẩy thúc đẩy các vùng khác cùng phát triển.

TÂY HỒ - BÍCH TUYỀN

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/kinh-te/suc-bat-do-thi-dong-luc-18855.html