Suất ăn bán trú 32.000 đồng 'gánh' 7 loại phí, trường THCS Yên Nghĩa nhận 500 suất ăn/ngày không qua đấu thầu, chuyên gia kinh tế nói gì?

Theo chuyên gia kinh tế, so với mức giá 32.000 đồng, suất ăn bán trú của trường THCS Yên Nghĩa đã bị 'xén' đến 2/3 suất ăn. Hơn nữa, việc cung cấp suất ăn không qua đấu thầu là sai nguyên tắc cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho đơn vị sự nghiệp công lập.

Một suất ăn cõng 7 loại phí

Liên quan đến chi phí trong mỗi suất ăn bán trú 32.000 đồng, thông tin tới phóng viên, bà Hoàng Thị Thu Trinh - Hiệu trưởng trường THCS Yên Nghĩa (Hà Đông) cho biết, mỗi ngày, Công ty TNHH Thương mại và chế biến suất ăn Hoa Sữa cung cấp từ 450 – 500 suất ăn cho nhà trường.

Với giá 32.000 đồng/suất/bữa ăn là bao gồm cả thuế giá trị gia tăng (VAT) 8%, nhân công, nhiên liệu, thực phẩm chế biến, khấu hao cơ sở vật chất, phục vụ nấu ăn.

Cụ thể, giá thực phẩm là 24.820 đồng, nhân công 3.300 đồng, điện nước 230 đồng, khấu hao tài sản 500 đồng, thuế VAT 2.560 đồng, vệ sinh 320 đồng, lãi dự kiến 270 đồng.

Bà Hoàng Thị Thu Trinh - Hiệu trưởng trường THCS Yên Nghĩa trình bày 7 loại phí trong mỗi suất ăn bán trú 32.000 đồng.

Bà Trinh khẳng định, thực đơn hàng ngày do nhà trường và phụ huynh học sinh lựa chọn và kiểm duyệt, được công khai. Giá suất ăn năm nay tăng hơn năm ngoái 2.000 đồng là do biến động giá cả nên công ty đã tăng giá lên 32.000 đồng/suất.

Theo bà Trinh, trước nhu cầu của phụ huynh học sinh, đầu năm học 2020 - 2021, nhà trường và công ty Hoa Sữa đã ký kết hợp cung cấp suất ăn, không qua đấu thầu.

Trường Yên Nghĩa nên thử công khai, minh bạch bằng cách mang 15 triệu ra chợ mua đồ và chế biến, chia lại suất ăn

Trước giải trình từ phía nhà trường, nhiều phụ huynh không đồng tình với những danh mục chi phí trong mỗi suất ăn giá 32.000 đồng và cho rằng như vậy là vô lý.

Đồng tình với quan điểm về sự vô lý của các phụ huynh, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú – Nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết, sự việc xảy ra, các bên liên quan có nhiều lý do để bao biện cho vai trò, trách nhiệm của mình, như: Hợp tác xã Đại Áng (đơn vị cung cấp cá cho Cty Hoa Sữa) cung cấp thiếu 3,5kg so với đơn đặt ban đầu; lỗi tại nhân viên chia suất ăn không đều; khấu hao dụng cụ, nhân lực…

Tuy nhiên, ông Phú khẳng định, cốt lõi vấn đề vẫn là trách nhiệm giám sát của nhà trường, hội phụ huynh.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, "tiếng kêu" này có lẽ không riêng trường THCS Yên Nghĩa.

Theo ông Phú, trước khi sự việc này rộ ra, đã có thông tin về hình ảnh con sâu trong khay thực phẩm. Hơn nữa, phụ huynh khẳng định được suất cơm 32.000 đồng hôm nay có 3-4 miếng cá rán, 1 miếng chả, vài cọng giá và nhúm khoai tây, nhưng hôm khác, suất ăn được thay thế chả bằng một miếng thịt lợn mỏng. Điều này càng chứng tỏ sự việc đã diễn ra trong thời gian dài và vai trò giám sát của tổ giám sát trong nhà trường là lỏng lẻo.

Ông Phú nhấn mạnh: "Chia suất ăn không đều cũng không đến nỗi bôi bác như suất ăn 32.000 đồng đã đưa lên truyền thông đại chúng. Hơn nữa, chi phí cho phần thức ăn trong suất ăn đó chỉ rơi vào khoảng 5.000 – 6.000 đồng. Nếu tính tất cả các loại phí, vậy suất ăn 32.000 đồng vẫn bị hao hụt khoảng 3-4%".

Ông Phú cho rằng, không loại trừ sự hao hụt trong mỗi suất ăn và sự lỏng lẻo trong giám sát của nhà trường là có chủ đích. Bởi vậy, để minh bạch cho phía nhà trường, cũng như đơn vị cung cấp thực phẩm, nhà trường - phụ huynh – đơn vị cung cấp suất ăn nên tổ chức nấu ăn thử công khai, minh bạch bằng cách mang 15 triệu ra chợ mua đồ và chế biến, chia suất lại và có sự chứng kiến của nhà trường, các phụ huynh".

Cận cảnh suất ăn bán trú giá 32.000 đồng nhưng chỉ lèo tèo vài món ăn được phụ huynh ghi lại. Ảnh: PHCC

Ông Phú khẳng định, kết quả sẽ bất ngờ bởi hiện nay, thực phẩm xanh rất dồi dào, chưa kể giá thịt lợn chỉ dừng lại ở 110.000 – 130.000 đồng/kg. Với kết quả này, các bên liên quan so sánh giữa 2 suất ăn sẽ biết được những ngày qua, các con đang ở tuổi trưởng thành đã bị hao hụt dinh dưỡng như thế nào.

Sau khi có kết luận nhà trường trả lại phần hao hụt cho học sinh

Cũng theo ông Phú sau khi đưa ra kết luận có sự chênh lệch ra sao để từ đó loại bỏ hoặc có thực đơn khác thay thế, hoặc thay thế đơn vị cung cấp suất ăn. "Nhà trường cần và nên tổ chức nấu ăn thử để từ đó có căn cứ trả lại phần dinh dưỡng cho học sinh đúng với những phần đã bị hao hụt", ông Phú cho hay.

Ông Phú cho biết: "500 suất ăn/ngày với chi phí 15 triệu đồng và chi phí tương đương trong 1 tháng rơi vào khoảng nửa tỷ đồng. Số lượng rất lớn mà nhà trường nhận suất ăn từ Cty Hoa Sữa bằng hình thức ký kết hợp đồng, chẳng khác nào nhà trường đang phó mặc".

"Hơn nữa, việc cung cấp suất ăn không qua hình thức đấu thầu là hoàn toàn sai nguyên tắc cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho đơn vị sự nghiệp công lập. Bởi trường THCS Yên Nghĩa không phải là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ", ông Phú cho biết.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, "tiếng kêu" này có lẽ không riêng trường THCS Yên Nghĩa nên các trường học khác nên lấy đó làm bài học siết chặt từ vấn đề ATTP và chất lượng bữa ăn bán trú.

Trước đó, ngày 11/10, trên các phương tiện thông tin truyền thông lan truyền nhiều hình ảnh về suất ăn bán trú 32.000 đồng nhưng "lèo tèo" chỉ vài món ăn, gồm: Vài cọng giá đỗ, một giếng giò, vài miếng cá rán, một nhúm khoai tây. Hôm khác, thực đơn được thay miếng giò bằng một lát thịt mỏng.

Sự việc đã khiến không ít phụ huynh bức xúc và ngay sau đó, phụ huynh học sinh đã làm việc với nhà trường.

Tại biên bản làm việc của phụ huynh với nhà trường ngày 11/10, tổng số suất ăn là 500 nhưng số lượng thực phẩm sống nhập vào chỉ gồm: Cá rô phi 29kg, giò nạc 12,5kg, nạc mông 0,5kg (dùng để nấu canh).

Như vậy, số thực phẩm nhập vào chia cho các cháu chỉ khoảng 5.000 – 6.000 đồng mỗi suất ăn.

Cộng cả tiền thuế VAT, tiền thuê nhân công, tiền ga, điện, mắm muối, khấu hao đồ dùng hay lợi nhuận doanh nghiệp… cũng không thể lên tới 32.000 đồng.

Ngay sau đó, trường tổ chức cuộc họp 3 bên: Nhà trường - Phụ huynh - đơn vị cung cấp suất ăn.

Đến 18/10, bà Hoàng Thị Thu Trinh - Hiệu trưởng trường này cho biết, trường sẽ thay đổi một số khâu trong quản lý bán trú để hiệu quả công việc được tốt hơn. Tăng cường công tác quản lý, giám sát các khâu bếp ăn nếu tiếp tục thực hiện bếp ăn.

Nhà trường sẽ cho lắp camera trong nhà bếp và tiếp thu ý kiến của phụ huynh phản ánh về bếp để có biện pháp khắc phục, thay đổi kịph thời.

Từ hôm nay đến hết 31/10, nhà trường và ban phụ huynh theo dõi chặt chẽ hoạt động của bếp. Trong trường hợp nhà bếp không đáp ứng được yêu cầu của phụ huynh và nhà trường, sẽ xin dừng hoạt động bán trú của nhà trường.

Hà Nội: Ăn bánh tráng Hoàng Bèo, thực khách kinh hoàng khi phát hiện sâu xanh bò lổm ngổm trên đĩa rau sống

Bảo Loan

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/suat-an-ban-tru-32000-dong-ganh-7-loai-phi-truong-thcs-yen-nghia-nhan-500-suat-an-ngay-khong-qua-dau-thau-chuyen-gia-kinh-te-noi-gi-172231018175331273.htm