Sửa Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Việc sửa Luật nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập trong thực hiện, đồng thời phát huy hiệu lực, hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP), góp phần tăng cường quản lý, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Phương Anh

Luật phải theo kịp thực tiễn

Theo Bộ Tài chính, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) đến nay đã qua gần 10 năm thực hiện. Công tác THTK, CLP nhìn chung đã đạt được một số kết quả nhất định, tạo chuyển biến và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân trên các mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Hệ thống văn bản hướng dẫn Luật THTK, CLP đã được ban hành đầy đủ, kịp thời, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện hiệu quả, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, việc thực hiện Luật THTK, CLP cũng bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp tình hình thực tế.

Gần 10 năm qua, hệ thống pháp luật với rất nhiều luật được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới, do đó, đã làm cho một số quy định tại Luật THTK, CLP có những điểm chưa phù hợp, chưa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.

Khen thưởng theo tỷ lệ % số tiền lãng phí được ngăn chặn

Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định khuyến khích các cá nhân cung cấp thông tin phát hiện lãng phí theo hướng: cho phép trích để lại một phần số kinh phí do ngăn chặn được lãng phí khi được phát hiện và ngăn chặn kịp thời cho chính người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí theo tỷ lệ % nhất định tính trên số tiền bị lãng phí đã ngăn chặn kịp thời nhưng có khống chế mức tối đa.

Một điểm đáng chú ý đó là các khái niệm về "tiết kiệm", "lãng phí" quy định tại luật hiện hành chưa thể hiện đầy đủ, bao quát hết các trường hợp, nhất là khi áp dụng cho các đối tượng khu vực doanh nghiệp và trong nhân dân.

Đồng thời, các khái niệm này cũng được cho là khó xác định thế nào là tiết kiệm, lãng phí đối với những lĩnh vực không có định mức, tiêu chuẩn, chế độ.

Bộ Tài chính cho rằng, sửa Luật THTK, CLP để đảm bảo tính bao quát, rõ ràng hơn, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, cũng như những thay đổi của hệ thống pháp luật trong thời gian qua.

Ngoài ra, nhằm mục đích tạo khung khổ pháp lý về THTK, CLP rõ ràng, hiệu quả, đảm bảo các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước nhận thức rõ hơn vai trò, tầm quan trọng của công tác THTK, CLP, thực sự tham gia có trách nhiệm vào công tác này. Từ đó, phát huy hiệu lực và hiệu quả công tác THTK, CLP, góp phần tăng cường quản lý, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế.

Khen thưởng người phát hiện lãng phí

Theo Bộ Tài chính, Luật THTK, CLP năm 2013 có quy định về phát hiện lãng phí và trách nhiệm xử lý thông tin phát hiện lãng phí, đồng thời có quy định liên quan đến khen thưởng đối với những người phát hiện, có thông tin phát hiện, ngăn chặn kịp thời không để lãng phí xảy ra. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy các quy định này là chưa đủ để khuyến khích người dân phát hiện, cung cấp thông tin về các vụ việc gây lãng phí.

Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, việc thực hiện các quy định về khen thưởng đối với người phát hiện lãng phí còn hạn chế, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có trường hợp được khen thưởng về công tác THTK, CLP. Do đó, cần bổ sung các quy định cụ thể hơn về cơ chế, chính sách bảo vệ, khen thưởng những người phát hiện và cung cấp thông tin lãng phí để tạo động lực khuyến khích mọi người dân tham gia.

Trong 5 nhóm chính sách lớn, Bộ Tài chính đề xuất hoàn thiện các quy định để tạo cơ chế khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân THTK, CLP; khuyến khích các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin phát hiện lãng phí. Mục tiêu xây dựng chính sách nhằm khuyến khích các cơ quan, tổ chức, đơn vị và đặc biệt là người lao động tham gia một cách có trách nhiệm vào việc THTK, CLP và cung cấp thông tin phát hiện lãng phí.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật THTK, CLP theo hướng bổ sung quy định khuyến khích cán bộ, công chức, cơ quan tổ chức, đơn vị THTK, CLP như sau: Đối với cá nhân có giải pháp, sáng kiến trong THTK, CLP thì được khen thưởng ngoài các hình thức khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua khen thưởng, mức khen thưởng căn cứ vào số kinh phí tiết kiệm được trong thực tế (có quy định mức tối đa).

Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính theo quy định của pháp luật, được tự chủ trong việc quyết định phương án sử dụng kinh phí tiết kiệm được vào các mục đích sau: Bổ sung thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; Chi khen thưởng và phúc lợi cho cán bộ, công chức, trong đó cho phép việc trích khen thưởng cho các cá nhân, tổ chức, đơn vị có giải pháp, sáng kiến trong THTK, CLP mang lại kết quả cụ thể từ nguồn kinh phí tiết kiệm được.

Ngoài ra, có thể sử dụng kinh phí tiết kiệm được để bổ sung các quỹ theo quy định của pháp luật. Thực chất đây là việc luật hóa các quy định về tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đã được thực hiện ổn định, có hiệu quả theo quy định của Chính phủ trong thời gian qua.

Lãng phí gây ra rất nhiều hệ lụy

Mới đây, Quốc hội tổ chức giám sát tối cao một số cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP). Theo thống kê của Bộ Tài chính, tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn Nhà nước năm 2022 qua báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 53.887 tỷ đồng.

Kết quả tiết kiệm do thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ tài chính của các bộ ngành, địa phương năm 2022 là 3.494 tỷ đồng. Một số đơn vị có kết quả cao như: thành phố Hà Nội là 1.173 tỷ đồng, TP. Hồ Chí Minh là 1.220 tỷ đồng... Con số này thể hiện sự chủ động, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành địa phương.

Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng lãng phí vụn vặt vẫn đang diễn ra hàng ngày ở nhiều cơ quan, đơn vị, cần nhìn nhận đúng về công tác THTK, CLP để có giải pháp hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), lãng phí cũng như tham nhũng, đây là vấn đề rất quan trọng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân. Trong thời gian qua, nhiều đại án về tham nhũng đã bị triệt phá, trong khi đó lại chưa có vụ án nào về lãng phí bị phá. Lãng phí hiện nay đang phổ biến và ở nhiều nơi.

Việc Quốc hội giám sát THTK, CLP đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đa số người dân. Trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước cần phải có các biện pháp xử lý quyết liệt, mạnh mẽ, nghiêm khắc với các hành vi gây lãng phí ở mức độ như việc xử lý các hành vi tham nhũng hiện nay.

Luật THTK, CLP hiện hành đã có một số quy định về việc kiểm tra giám sát, xử lý đối với tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm, trong đó, có quy định về trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra lãng phí tại cơ quan đơn vị mình phụ trách.

Tuy nhiên, qua rà soát các quy định tại Luật THTK, CLP cho thấy vẫn còn tồn tại một số bất cập làm hạn chế hiệu quả, hiệu lực của của việc xử lý các hành vi vi phạm. Do đó, việc sửa luật đặt ra ở thời điểm này là hết sức cần thiết.

Theo chương trình, dự kiến dự luật sẽ được trình Quốc hội xem xét, thảo luận vào kỳ họp tháng 5/2025 và trình thông qua vào tháng 10/2025.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/sua-luat-thuc-hanh-tiet-kiem-chong-lang-phi-su-dung-hieu-qua-cac-nguon-luc-cua-nen-kinh-te-137963-137963.html