Sửa Luật Thủ đô: Để Hà Nội trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa

Hà Nội đặt ra mục tiêu đến năm 2030, công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác...

Báo Kinh tế & Đô thị vừa tổ chức tọa đàm “Sửa Luật Thủ đô: Tạo cơ chế đặc thù, đột phá trong phát huy giá trị văn hóa”.

Các diễn giả tham dự buổi tọa đàm “Sửa Luật Thủ đô: Tạo cơ chế đặc thù, đột phá trong phát huy giá trị văn hóa”. Ảnh: Phạm Hùng

Các diễn giả tham dự buổi tọa đàm “Sửa Luật Thủ đô: Tạo cơ chế đặc thù, đột phá trong phát huy giá trị văn hóa”. Ảnh: Phạm Hùng

Tham dự buổi tọa đàm có các diễn giả: PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Nguyên Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trương Minh Tiến - Chủ tịch Hiệp hội CLB UNESCO TP Hà Nội; Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở VH&TT Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Xuân Khánh nhấn mạnh: "Qua tọa đàm lần này, Báo Kinh tế & Đô thị kỳ vọng, gợi mở để cùng các chuyên gia, nhà quản lý phân tích, làm rõ hơn về tầm quan trọng của những cơ chế, chính sách vượt trội, làm nổi bật hơn những đặc trưng văn hóa của Thủ đô. Đồng thời, từ thực tiễn, phân tích, đề xuất thêm các ý kiến liên quan đến những quy định, chính sách về phát triển văn hóa được thể chế hóa trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đặc biệt là các chính sách mới, đặc thù. Qua đó, góp phần xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá, phù hợp, cũng như đảm bảo tính khả thi, tạo hiệu quả như mong muốn sau khi Luật được thông qua, đi vào cuộc sống".

Đưa văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII xác định một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020 - 2025 là “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô”. Trong thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều nghị quyết chuyên đề, các chương trình để phát triển và phát huy giá trị văn hóa Hà Nội.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều điểm mới, tiến bộ; trong đó, đã dành riêng Điều 21 cho lĩnh vực văn hóa, thể thao. Đồng thời, ở Điều 39, 41, 43 có những chính sách đặc thù, ưu đãi cho lĩnh vực văn hóa. Điều này thể hiện Hà Nội rất quan tâm đến các vấn đề văn hóa, mong muốn cụ thể hóa các điều khoản, tạo thuận lợi hơn cho sự phát triển trong thực tiễn. Chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng khi Luật được ban hành sẽ có những cơ hội mới, điều kiện mới để phát triển bền vững Thủ đô trong thời gian sắp tới.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Đánh giá về những nội dung trong phát triển và đưa văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh mà Hà Nội đang triển khai, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, phát triển văn hóa là chính sách trọng tâm, điểm nhấn được đề xuất sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này. Hà Nội đặc biệt quan tâm về văn hóa, nên khi xây dựng Dự Luật cần có những cơ chế, chính sách vượt trội để làm nổi bật hơn những đặc trưng này, để văn hóa Thủ đô trở thành ngọn hải đăng dẫn dắt, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước.

Theo Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở VH&TT Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh, mục tiêu của Hà Nội hướng đến phát triển bền vững dựa trên nguồn lực văn hóa mà Hà Nội đã cam kết khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo. Ngoài đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách, Hà Nội tiếp tục đầu tư thỏa đáng cho lĩnh vực văn hóa.

“Năm 2022, Hà Nội đã ban hành Nghị quyết, bổ sung nguồn vốn cho bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, dự kiến trên 14.000 tỷ đồng, trọng tâm là đầu tư cho tu bổ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Với những chủ trương, Nghị quyết và kế hoạch cụ thể sẽ góp phần quan trọng bảo tồn văn hóa di sản nghìn năm của Thăng Long - Hà Nội” - bà Phạm Thị Lan Anh nhấn mạnh.

Quang cảnh cuộc tọa đàm. Ảnh: Phạm Hùng

Quang cảnh cuộc tọa đàm. Ảnh: Phạm Hùng

Trong khi đó, nguyên Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trương Minh Tiến cho hay, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là cơ hội để cho Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TP Hà Nội có thêm các cơ chế chính sách mới. Thậm chí có những kỳ vọng về cơ chế, chính sách vượt trội, để Hà Nội từng bước khai thác được nhiều nguồn lực, đóng góp vào sự nghiệp phát triển đúng với tầm của Thủ đô Hà Nội.

Ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa

Hà Nội đặt ra mục tiêu đến năm 2030, công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Luật Thủ đô (sửa đổi) khi được Quốc hội thông qua sẽ tạo cơ hội cho Thủ đô Hà Nội phát triển toàn diện. Trong đó, các chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội sẽ có thêm những cơ chế chính sách vượt trội, để các cấp, ngành triển khai tốt hơn nữa, từ đó có tác động 2 chiều đến phát triển văn hóa của Thủ đô. Bên cạnh đó, nhiều cơ chế, chính sách sẽ có tác động trực tiếp đến xây dựng văn hóa, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Chủ tịch Hiệp hội CLB UNESCO TP Hà Nội Trương Minh Tiến

Trao đổi về vấn đề này, bà Phạm Thị Lan Anh cho rằng, những quy định mới và điểm ưu đãi, vượt trội dành cho phát triển văn hóa đã được nêu trong một số điều của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chính là sự tháo gỡ bước đầu cho vấn đề trọng tâm của TP Hà Nội trong phát triển công nghiệp văn hóa.

“Ngoài 12 nhóm ngành chung, Hà Nội còn quan tâm nhóm ngành ẩm thực - nhóm ngành đã được UNESCO đưa vào là một lĩnh vực được công nhận và vinh danh trong Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo. Trong đó, trung tâm công nghiệp văn hóa được coi là trung tâm của cả 13 lĩnh vực này, nhưng chưa có tiền lệ đối với Việt Nam, nên TP Hà Nội đã đặt ra vấn đề này đối với các cơ quan Trung ương cũng như các đại biểu Quốc hội. Chỉ cần trong Luật Thủ đô (sửa đổi) có một câu đề cập đến vấn đề này, chúng ta sẽ bàn thảo được cụ thể hơn trong thực hiện trên thực tế” - bà Phạm Thị Lan Anh thông tin

Trong khi đó, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho hay, mong muốn của chúng ta, Hà Nội trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa cả nước là có cơ sở. Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng trở thành 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước. Chính vì thế, chúng ta mong muốn cụ thể hóa nội dung này vào trong Luật Thủ đô.

Con đường chữ thu hút du khách tại Hồ Văn (Văn Miếu - Quốc Tử Giám) dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn

Con đường chữ thu hút du khách tại Hồ Văn (Văn Miếu - Quốc Tử Giám) dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn

Trong Dự thảo Luật lần này, sẽ góp phần tháo gỡ các quy định pháp luật. Ví dụ như phát triển công nghiệp văn hóa, vai trò của thành phần tư nhân vô cùng quan trọng, Nhà nước chỉ giữ vai trò điều tiết, tạo hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi, thông thoáng. Còn tổ chức các hoạt động cụ thể phải do cả thành phần tư nhân tham gia.

“Chúng ta phải đưa ra các chính sách phù hợp, Nhà nước làm gì, làm đến đâu, tư nhân làm gì, làm đến đâu, Nhà nước hỗ trợ gì cho tư nhân phát triển... và các chính sách này phải cụ thể bằng các quy định pháp luật, không thể chỉ dừng lại ở lời nói. Sự tham gia của thành phần tư nhân vào phát triển công nghiệp văn hóa sẽ đảm bảo cho sự phát triển văn hóa trở nên mạnh mẽ, bền vững hơn” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn khẳng định.

Chuẩn bị cho thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được xem xét, thông qua, chúng tôi đã bàn thảo việc sau đây cơ quan, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm tiếp tục tham mưu xây dựng, ban hành Nghị định hay ban hành Nghị quyết của HĐND TP hay các Quyết định của UBND TP - với từng nhóm lĩnh vực cụ thể, TP đã có chỉ đạo tương đối rõ ràng. Chắc chắn trong quá trình tham mưu sẽ có sự vào cuộc của các cơ quan lĩnh vực tư pháp để bảo đảm văn bản ban hành đúng quy định; có sự tham vấn của chuyên gia các ngành, các cấp để bảo đảm văn bản ban hành có ưu đãi, phù hợp thực tiễn và đúng nguyện vọng.

Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở VH&TT Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh

Hồng Thái

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/sua-luat-thu-do-de-ha-noi-tro-thanh-trung-tam-cong-nghiep-van-hoa.html