Sửa gì trong Luật Giáo dục đại học?

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, theo kế hoạch tháng 1/2018 Bộ GD&ĐT sẽ trình Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục đại học lên Chính phủ và để trình tiếp Quốc hội vào kỳ họp tháng 5/2018. Dự kiến Luật Giáo dục đại học sửa đổi sẽ thông qua vào kỳ họp tháng 10/2018.

Luật Giáo dục đại học sẽ được chỉnh sửa để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Ảnh internet.

Cần quy định rõ quyền hạn của hội đồng trường

Tại Hội thảo “Góp ý và kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học”, do Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam vừa tổ chức, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, Vụ Giáo dục đại học được Bộ GD&ĐT giao phụ trách chuẩn bị Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục đại học. Việc sửa đổi Luật Giáo dục đại học lần này sẽ chỉ điều chỉnh những vấn đề đang bức xúc nhất từ thực tiễn.

Ông Lê Viết Khuyến, Trưởng Ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết: Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 nêu rõ, việc trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học phải gắn liền với sự hình thành của hội đồng trường và xóa bỏ cơ chế chủ quản. Tuy nhiên, Luật Giáo dục đại học năm 2012 không nhắc đến xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản. “Điều này làm cho hội đồng trường không thể phát huy vai trò của mình và dẫn tới việc không thể trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học”, ông Khuyến nhấn mạnh.

Ông Dương Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng trường trường Đại học Hải Phòng cũng chỉ ra những vướng mắc khi các trường thành lập hội động trường. “Theo Luật Giáo dục đại học, hội đồng trường được quy định là đại diện quyền sở hữu của trường. Tuy nhiên, đại diện quyền sở hữu là gì thì không được quy định rõ trong luật và hiện hiệu trưởng vẫn là người đại diện cho nhà trường trước pháp luật”, ông Hùng cho biết. Do đó, ông Hùng cũng kiến nghị, hội đồng trường cần phải có quyền bầu hiệu trưởng, thậm chí giao cho hội đồng trường quyền bổ nhiệm các phó hiệu trưởng.

Ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường Đại học Dân lập Hải Phòng cũng cho rằng, Luật Giáo dục đại học năm 2012 chưa làm rõ vai trò, quyền hạn của hội đồng trường với cơ quan chủ quản, Đảng ủy nhà trường. Từ đó, hội đồng trường không có thực quyền trong các nhà trường.

Từ ý kiến góp ý của đại diện nhiều trường đại học, Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam kiến nghị sửa Luật Giáo dục đại học theo hướng quy định định rõ hội đồng trường là tổ chức quyền lực cao nhất trong nhà trường. Đồng thời, hội đồng trường được lựa chọn, phế truất hiệu trưởng khi không thực hiện các quyết nghị của hội đồng trường. Việc các trường thành lập hội đồng trường phải đi kèm với việc xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản.

Cấu trúc lại hệ thống giáo dục quốc dân

Đến nay, Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đã được ban hành gần 4 năm. Theo ông Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam, hiện nhiều nội dung của nghị quyết vẫn chưa đi vào cuộc sống, do một số quy định không còn phù hợp với Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học.

Do đó, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, Luật Giáo dục cần phải điều chỉnh và bổ sung một số điều, cụ thể: Cần phải cấu trúc lại hệ thống giáo dục quốc dân cho phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 29 và thông lệ quốc tế (tại ISCED-2011).

Vì vậy, Hiệp hội kiến nghị, khi sửa đổi Luật Giáo dục cần đảm bảo hệ thống giáo dục quốc dân là một hệ thống giáo dục mở, bao gồm: Giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên; các phân hệ và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm giáo dục mầm non có nhà trẻ và mẫu giáo, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học có THCS và trung học toàn phần (trung học toàn phần lại bao gồm hai luồng THPT và trung học hướng nghiệp); giáo dục nghề có dạy nghề sơ cấp, dạy nghề trung cấp và dạy nghề cao cấp; giáo dục đại học đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ cử nhân, trình độ chuyên gia, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/hoi-dong-truong-van-chua-co-quyen-trong-cac-truong.aspx