Sửa đổi quy trình xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân

Theo đó, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với cá nhân là một trong những quy trình đề nghị xét tặng danh hiệu.

Mới đây, Bộ GD&ĐT vừa ban hành Quyết định số 1302 công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực GD&ĐT thuộc hệ thống giáo dục quốc dân gồm thủ tục xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân và Nhà giáo ưu tú.

Cụ thể, đối với thủ tục xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân sẽ được thực hiện theo trình tự:

Người đứng đầu, Giám đốc đại học, học viện, Hiệu trưởng và tương đương của đơn vị cơ sở tổ chức triển khai văn bản hướng dẫn về việc xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị; tổng hợp danh sách và hồ sơ của cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú;

Tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú;

Người đứng đầu, Giám đốc đại học, học viện, Hiệu trưởng và tương đương triệu tập cuộc họp toàn thể công chức, viên chức, người lao động làm việc hợp đồng có thời hạn từ 12 tháng trở lên trong đơn vị. Cuộc họp được coi là hợp lệ khi có ít nhất 3/4 tổng số công chức, viên chức, người lao động dự họp. Người đứng đầu đơn vị thông báo thành tích của từng cá nhân đề nghị xét tặng, tổ chức việc thảo luận, lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố công khai;

Đối với đơn vị có số công chức, viên chức và người lao động từ 500 người trở lên, người đứng đầu, giám đốc đại học, học viện, hiệu trưởng và tương đương tổ chức cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm. Cuộc họp được coi là hợp lệ khi có ít nhất 300 công chức, viên chức, người lao động dự họp. Người đứng đầu, giám đốc đại học, học viện, hiệu trưởng và tương đương quyết định hình thức lấy phiếu tín nhiệm đối với số công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức, đơn vị không tham dự cuộc họp;

Danh hiệu "Nhà giáo Nhân dân" được xét tặng 3 năm một lần và công bố vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam.

Cá nhân đạt số phiếu tín nhiệm từ 80% trở lên được đưa vào danh sách xét chọn của Hội đồng cơ sở của các đơn vị thuộc, trực thuộc bộ, ban, ngành, tỉnh, Công đoàn Giáo dục Việt Nam và đại học quốc gia, cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục hoặc Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của các đơn vị, cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý cấp huyện, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của các đơn vị, cơ sở giáo dục trực thuộc các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.

Quyết định nêu rõ, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân được xét tặng 3 năm một lần và công bố vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính là: Danh hiệu Nhà giáo nhân dân để tặng cho cá nhân trung thành với Tổ quốc, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có phẩm chất đạo đức tốt thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 35, đã được phong tặng danh hiệu "Nhà giáo ưu tú" và đạt được các tiêu chuẩn sau:

Nhà giáo có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy từ 20 năm trở lên; đối với cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý tại cơ quan quản lý giáo dục, cán bộ nghiên cứu giáo dục phải có thời gian công tác trong ngành từ 25 năm trở lên, trong đó có từ 15 năm trở lên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy.

Tâm huyết, tận tụy với nghề, thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách người học; có uy tín về chuyên môn, ảnh hưởng rộng rãi trong ngành và trong xã hội, là tấm gương sáng, nhà giáo mẫu mực, xuất sắc tiêu biểu trong đổi mới quản lý, nuôi dạy, giảng dạy,…

Nhà giáo phải có tài năng sư phạm xuất sắc, có công lao và thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo

.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/sua-doi-quy-trinh-xet-tang-danh-hieu-nha-giao-nhan-dan-a662660.html