Sửa đổi Nghị định 24: Giải bài toán mất cân đối cung - cầu thị trường vàng

Vì mất cân đối cung cầu, cung thấp, cầu gia tăng nên dẫn đến cách biệt lớn giữa giá vàng trong nước với giá thế giới, đồng thời làm giá trong nước khó giảm sâu.

Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Trương Văn Phước, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia về những biến động của thị trường vàng thời gian gần đây.

Nghị định 24 hoàn thành tốt vai trò lịch sử

Theo vị chuyên gia, nguyên nhân giá vàng trong nước có sự biến động mạnh thời gian qua là do có sự tương thích với biến động mạnh của giá vàng quốc tế. Ông Trương Văn Phước cho biết, giá vàng quốc tế biến động mạnh lại xuất phát từ việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đang phát ra tín hiệu giảm lãi suất trong năm 2024 sau một thời gian đưa lãi suất đồng USD lên cao 5,25%.

“Thông thường, trên thị trường thế giới khi lãi suất của USD giảm thì chứng khoán hoặc giá vàng tăng lên rất mạnh. Việc biến động trên thị trường quốc tế đã kéo theo sự biến động của giá vàng trong nước như chúng ta chứng kiến trong gần 1 tháng qua”, ông Trương Văn Phước cho hay.

Để ổn định thị trường vàng, cần tăng nguồn cung để cân đối cầu

Vị chuyên gia cũng phân tích rõ về việc giá vàng trong nước “bỏ xa” giá vàng thế giới. Theo đó, khuôn khổ pháp lý để điều chỉnh thị trường vàng Việt Nam là Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) ra đời năm 2012.

“Ý tưởng thiết kế và quản lý thị trường vàng thời điểm đó là do Việt Nam đang chịu lạm phát rất cao; biến động tỷ giá hối đoái cũng lớn, dự trữ ngoại hối của chúng ta thời điểm đó còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, biến động của thị trường vàng tác động đến tỷ giá hối đoái, và tỷ giá hối đoái lại tác động đến bất ổn kinh tế vĩ mô. Do vậy, tinh thần của Nghị định 24 là để quản lý thị trường vàng”, ông Trương Văn Phước chia sẻ.

Theo đó, điểm đáng lưu ý là Ngân hàng Nhà nước đã lựa chọn vàng miếng mang nhãn hiệu SJC để quản lý. Việc nhập khẩu hay sản xuất vàng SJC cần phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước.

“Có thể nói, trong 12 năm qua, Nghị định 24 đã đóng rất tốt vai trò lịch sử trong nỗ lực chống “vàng hóa”, “đôla hóa” và nâng dần vị thế của đồng Việt Nam lên. Đó là lý do vì sao, hơn 10 năm qua, lạm phát của Việt Nam ổn định ở mức thấp”, ông Trương Văn Phước nhận định.

Trả vàng lại cho thị trường tự điều tiết

Tuy nhiên vị chuyên gia cũng nêu quan điểm: Không chỉ có vàng mà mọi hàng hóa, nếu mất cân đối về cung cầu thì đương nhiên giá sẽ tăng cao. Điều này thấy rất rõ trong vàng miếng SJC.

“Vì sự mất cân đối cung cầu, cung thấp và cầu gia tăng cho nên dẫn đến độ cách biệt lớn giữa giá vàng trong nước với giá thế giới, lên tới 20-25 triệu đồng/lượng như thời gian vừa qua, đồng thời làm giá vàng trong nước khó giảm sâu. Tôi nghĩ, đây là vấn đề mà Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu để có các chính sách hiệu chỉnh sao cho phù hợp trong tình hình mới”, ông Phước nêu ý kiến.

Để ổn định thị trường vàng, theo ông Trương Văn Phước, vấn đề đầu tiên là cần phải tăng nguồn cung để cân đối cầu của thị trường. “Nếu như chúng ta có một lượng nhập khẩu vàng tương đối khá để từ đó gia công chế biến SJC tạo ra nguồn cung thì chắc chắn khoảng cách chênh lệnh giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới sẽ được kéo thấp xuống”, ông Trương Văn Phước nói.

Trả lại vàng cho thị trường tự điều tiết là nguyên tắc căn bản trong nền kinh tế thị trường

Được biết, Ngân hàng Nhà nước đang trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 24, vị chuyên gia cho rằng, ngay cả Luật Đất đai hay Luật Các tổ chức tín dụng là những luật vô cùng quan trọng nhưng cách một vài năm lại phải chỉnh sửa. Cho nên một nghị định về vàng đã tồn tại trong 12 năm thì nay cho thấy những vấn đề phát sinh phải chỉnh sửa cho phù hợp hơn là điều hoàn toàn hợp lý.

Theo ông Trương Văn Phước, trả vàng lại cho thị trường tự điều tiết là nguyên tắc căn bản trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, đây không phải là điều mới mẻ, vấn đề là điều tiết thị trường sao cho tương thích với thông lệ quốc tế và phù hợp với đặc thù của Việt Nam.

“Suy cho cùng là chúng ta thực thi tinh thần tạo cung và tạo cầu, chúng ta có thể nhập khẩu nhiều mặt hàng thì chúng ta cũng có thể nhập khẩu vàng”, ông Trương Văn Phước nói và cho hay, “theo quy định của pháp luật, vàng miếng là một cấu thành trong dự trữ ngoại hối của Nhà nước, cho nên việc chúng ta cho nhập khẩu vàng chỉ là hoán đổi của dự trữ ngoại hối và đáp ứng được nhu cầu của người dân Việt Nam”.

Người dân thận trọng với giao dịch vàng

Ngày 28/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện số 1426 về các giải pháp quản lý thị trường vàng. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương có các giải pháp nhằm bình ổn thị trường vàng; ổn định kinh tế vĩ mô, dứt khoát không để tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

Cũng tại công điện, Thủ tướng yêu cầu phải khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua. Ngay sau khi có công điện, thị trường vàng trong nước ngày 28/12 đã điều chỉnh giảm mạnh.

Giá vàng miếng SJC tại cửa hàng Bảo Tín Mạnh Hải đầu giờ sáng 28/12 có lúc lên tới 80 triệu đồng/lượng, sau đó bắt đầu giảm dần từ 3 - 4 triệu đồng. Tính riêng ngày 28/12, cửa hàng này đã thay đổi bảng giá niêm yết khoảng trên 20 lần.

“Trong ngày có thông tin về công điện của Thủ tướng về minh bạch thị trường, ngay sau đó thị trường đã ổn định hơn, giá vàng SJC đã giảm về vùng 75 triệu đồng, giảm 4 triệu đồng/lượng. Lượng khách hàng bán nhiều hơn mua từ 10 - 15%”, ông Nguyễn Đức Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bảo Tín Mạnh Hải cho biết.

Trước sự chỉ đạo của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định sẵn sàng can thiệp để bình ổn thị trường vàng và sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 24. “Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường, cần thiết sẽ có phương án can thiệp. Trong tháng 1/2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24 và đề xuất giải pháp quản lý thị trường phù hợp với diễn biến trong tình tình mới”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà thông tin.

Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến cáo người dân nên thận trọng với giao dịch vàng để tránh rủi ro. Đồng thời, cơ quan này cũng sẽ phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan khác để tăng cường quản lý thị trường vàng, tránh những xáo trộn gây ảnh hưởng đến thị trường tài chính, tiền tệ.

Lê Na

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/sua-doi-nghi-dinh-24-giai-bai-toan-mat-can-doi-cung-cau-thi-truong-vang-294833.html