Sửa đổi Luật Thủ đô: Thêm chính sách trong phát triển văn hóa, giáo dục

Sáng 27/11, thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm đến những cơ chế, chính sách để phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học của Thủ đô và cho rằng nên ưu tiên các lĩnh vực này.

Thể chế hóa quy định về hạ tầng, không gian văn hóa

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Nam Tiến (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) đề nghị, thể chế hóa đầy đủ 12 lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa theo tinh thần Quyết định số 1755 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, thể chế vào Dự thảo Luật các quy định tiên phong, mở đường về hạ tầng, không gian văn hóa để phù hợp với mục tiêu, tầm nhìn trong Chiến lược.

Đại biểu Phạm Nam Tiến (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) - Ảnh: Quochoi.vn

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị đưa nội dung thực hiện quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc giai đoạn 2 vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm để báo chí đồng bộ với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khác. Bởi Thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước, trung tâm chính trị, kinh tế, hành chính, đối ngoại của đất nước, do đó rất cần lực lượng báo chí truyền thông đủ mạnh để tuyên truyền, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phòng chống tham nhũng tiêu cực…

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình) cho rằng, dự thảo Luật đã quy định tương đối đầy đủ 9 nhóm chính sách với nhiều nội dung mang tính đột phá đặc thù, có kế thừa bổ sung và phát triển so với luật hiện hành. Tuy nhiên, theo đại biểu dự thảo Luật chưa thể hiện rõ nét riêng có của văn hóa Thủ đô; chưa làm rõ nội hàm văn hiến, văn minh hiện đại, thành phố di sản sáng tạo và là nguồn lực phát triển của Thủ đô.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận sáng 27/11

Cần làm rõ cơ chế đặc thù trong thu hút nhân tài

Về phát triển giáo dục và đào tạo của Thủ đô quy định tại Điều 24 luật, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho biết, dự thảo chưa có những quy phạm cụ thể để tháo gỡ khó khăn trong bố trí trường lớp, bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất để giáo dục toàn diện cả trí lực, thể lực, tâm lý, tinh thần cho trẻ em - nhất là ở các khu vực đô thị lõi, đô thị mới tập trung đông dân cư hiện nay; chưa khắc phục được sự chênh lệch trong đầu tư phát triển chất lượng giáo dục giữa khu vực nội thành và ngoại thành nông thôn; chưa có sự gắn kết cho quy hoạch giáo dục với quy hoạch tổng thể của Thủ đô.

Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh) bày tỏ tán thành sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết của Trung ương Đảng và Bộ Chính trị để để phát triển bền vững Thủ đô theo hướng văn hiến, văn minh, hiện đại, tạo động lực lan tỏa cho cả nước cùng phát triển.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình)

Về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đại biểu nhấn mạnh hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Do vậy, đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này cần làm rõ một số cơ chế, chính sách đặc thù, thiết thực, áp dụng được ngay để xây dựng Thủ đô trở thành một trung tâm giáo dục chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế.

Góp ý về phát triển y tế Thủ đô và chăm sóc sức khỏe, đại biểu Trần Quốc Quân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An) cho biết, Luật Bảo hiểm y tế hiện hành không quy định dịch vụ khám bệnh chữa bệnh y học gia đình và cấp cứu ngoại viện thuộc phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế. Trong khi đó tại dự thảo Luật lại cho phép sử dụng nguồn kinh phí của quỹ bảo hiểm y tế để chi trả cho hoạt động dịch vụ này trên địa bàn thành phố.

Đại biểu cho rằng quy định như vậy chưa bảo đảm nguyên tắc mọi người dân đều được bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Vì vậy, đại biểu đề nghị nội dung này cần được nghiên cứu cân nhắc và đánh giá kỹ tác động.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh)

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quan trọng quốc gia, trái tim của cả nước, là đô thị đặc biệt quan trọng, là bộ mặt quốc gia, là cửa ngõ giao lưu, hội nhập quốc tế và thường xuyên đón tiếp các Nguyên thủ quốc gia. Do đó, việc phân cấp, ủy quyền cho Hà Nội nhiều hơn nữa là rất cần thiết. Đại biểu mong muốn lãnh đạo Thủ đô nên ưu tiên lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ. Tập trung bảo tồn các di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, các giá trị văn hóa người Hà nội, đặc biệt các vị trị có giá trị lịch sử thiêng liêng tại các quận Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng...

Thịnh An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dbqh-ha-noi-nen-uu-tien-phat-trien-van-hoa-giao-duc-hon-la-kinh-te.html