Sửa đổi Luật Thủ đô: Tạo vị thế mới cho nông nghiệp, nông thôn

Trong xu hướng đô thị hóa ngày một mạnh mẽ, phát triển nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội cần tạo dựng một vị thế khác biệt, đóng vai trò là động lực thúc đẩy cho các tỉnh, TP xung quanh, nhất là trên khía cạnh khoa học - công nghệ.

TS Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã nhấn mạnh như trên khi trao đổi với Kinh tế và Đô thị về một số nội dung góp ý vào dự án Luật Thủ đô sửa đổi đang xin ý kiến của Quốc hội.

TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Vẫn còn những trăn trở

Trong lần sửa đổi này, Luật Thủ đô đã đề cập khá chi tiết về vấn đề nông nghiệp, nông thôn. Theo ông, nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội nên được nhìn nhận thế nào trong thời gian tới?

- Theo tôi, mục tiêu quan trọng nhất của nông nghiệp, nông thôn Hà Nội phải là hỗ trợ cho quá trình phát triển “đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn”. Hà Nội cũng nên xác định tài nguyên quan trọng nhất của nông nghiệp, nông thôn là con người có kỹ năng và trí tuệ, chứ không còn là sức lao động giản đơn.

Quỹ đất cần được điều chỉnh mạnh mẽ để phục vụ cho việc phát triển tài nguyên con người và phục vụ đô thị hóa, chứ không đơn thuần chỉ là tư liệu sản xuất ra nông sản thực phẩm cho Thủ đô. Ngoài ra, nông nghiệp Hà Nội phải đóng vai trò động lực cho các tỉnh, TP xung quanh về khía cạnh khoa học công nghệ (vốn là thế mạnh của Thủ đô).

Trong dự án Luật Thủ đô sửa đổi, “xây dựng và phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung” là một trong những định hướng quan trọng. Ông đánh giá thế nào về định hướng này?

- Tôi nghĩ không nên đặt lên hàng đầu việc “xây dựng và phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung”; thay vào đó, cần tập trung vào sản xuất giá trị cao, ứng dụng công nghệ cao, tập trung sản xuất cây, con giống năng suất, chất lượng, giá trị cao cho cả nước.

Cá nhân tôi cho rằng, nông nghiệp Hà Nội phải gắn với các viện nghiên cứu, trường đại học, hình thành những vùng nông nghiệp công nghệ cao, cung cấp giống, vật liệu; đào tạo cán bộ kỹ thuật, trước hết cho các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và lan tỏa ra các tỉnh trung du phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Các vùng sản xuất của Hà Nội phải là nơi trình diễn, giới thiệu thành quả và cung cấp nguyên vật liệu nông nghiệp với giá trị gia tăng và hàm lượng kỹ thuật cao.

Phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, giá trị cao và bền vững là định hướng chung của Hà Nội.

Việc đề cao vai trò của “nông nghiệp sinh thái, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu” hiển nhiên là khía cạnh đúng đắn, phù hợp với xu thế hiện nay, thưa ông?

- Đó là cách nhìn nhận rất đúng đắn. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, ngoài việc đề cao vai trò của nông nghiệp sinh thái, cần đi kèm với các đề xuất chính sách cụ thể. Đơn cử như: ưu tiên chuyển đổi quỹ đất để thu hút đầu tư tái tạo và cải thiện, bảo vệ môi trường, hỗ trợ nhân dân tham gia đóng góp dịch vụ môi trường, dịch vụ sinh thái.

Những vấn đề như phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, cải thiện môi trường không khí, xử lý chất thải, đề phòng thiên tai; đặc biệt là vấn đề nguồn nước và lũ lụt, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thủ đô cũng là những khía cạnh cần được quan tâm để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chú trọng xây dựng cư dân nông thôn

Xây dựng nông thôn mới là vấn đề rất quan trọng trong dự án Luật Thủ đô sửa đổi. Theo ông, vấn đề này đã được đề cập đầy đủ hay chưa?

- Cá nhân tôi cho rằng xây dựng nông thôn mới cần được thể hiện rõ hơn trong dự án Luật Thủ đô sửa đổi. Nông thôn vừa là địa bàn sản xuất, cung ứng nông sản cho nội đô, vừa là nơi nghỉ dưỡng cho cư dân đô thị, coi họ là khách hàng mua nông sản, là khách hàng mua dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng vừa là nhà đầu tư trực tiếp cho sản xuất, chế biến, đầu tư nhà vườn, trang trại.

Phát triển nông thôn ở Hà Nội có thể chia thành hai địa bàn chính: Một là, nông thôn văn hóa - môi trường ở các vùng phát huy yếu tố tổng hợp về văn hóa cổ truyền, về kiến trúc, quy hoạch không gian, tổ chức cộng đồng, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, gắn với văn hóa phi vật thể và cảnh quan môi trường để tạo thành sản phẩm dịch vụ đa dạng.

Hai là các vùng phát triển đô thị: đây là các vùng tập trung quanh 5 đô thị vệ tinh và những vùng thuộc các huyện ven đô sẽ chuyển sang quận trong tương lai. Phải xây dựng quy hoạch tổng thể cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông và môi trường cảnh quan, quy hoạch và đầu tư xây dựng các dịch vụ phục vụ đời sống; từ đó thu hút được cư dân hiện đại từ trong lõi thành phố ra sinh sống.

Tôi cũng cho rằng Hà Nội cần có chính sách phát triển mô hình thành phố vườn, thành phố xanh, thành phố gắn với môi trường, tạo sinh kế ổn định cho đông đảo cư dân nông thôn hiện nay chuyển sang các ngành nghề phi nông nghiệp một cách chính thức. Cần dành quỹ đất cảnh quan môi trường, cảnh quan tự nhiên, kết hợp với cơ sở vật chất đô thị hiện đại. Tiêu chí phát triển nông thôn mới ở đây phải là đô thị hóa.

Một góc nông thôn mới huyện Ba Vì (TP Hà Nội).

người rất quan tâm đến phát triển nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội, theo ông, trong dự án Luật Thủ đô sửa đổi đang trình Quốc hội, nên (hoặc cần) bổ sung thêm nội dung nào không?

- Xây dựng cư dân nông thôn Thủ đô là nội dung mà tôi đánh giá là ít được đề cập đến trong Luật Thủ đô sửa đổi. Trong dự thảo có đề cập đến một nội dung là: “Việc hỗ trợ đất sản xuất cho hộ dân tộc thiểu số nghèo sinh sống ở xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi”, “giao đất để làm nhà ở cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống tại xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi”.

Cách tiếp cận xóa đói giảm nghèo như vậy vừa không khuyến khích được sự chủ động của người dân, vừa không đảm bảo cho họ vươn lên bằng với mức sống đô thị. Dân số nông thôn hiện chiếm hơn một nửa dân cư Hà Nội, nếu không thực hiện tốt nhiệm vụ này, Hà Nội chắc chắn không phát triển được cả về kinh tế lẫn xã hội và môi trường.

Hà Nội nên áp dụng các chính sách không chỉ cấp phát hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn mà quan trọng hơn là phải kết nối tiếp cận tài nguyên, thị trường, điều kiện học hành, điều kiện phát triển sinh kế. Đồng thời theo chiều ngược lại, đưa cơ sở hạ tầng và dịch vụ cao cấp đến các địa bàn này để tạo điều kiện đưa cư dân cao cấp, khách du lịch nhà đầu tư từ nội đô đến sinh sống và hoạt động, gắn kết kinh tế - xã hội giữa nội đô với các vùng sâu vùng xa trong thành phố.

Bên cạnh đó, cần có chính sách chuyển nguồn lực lao động thành tài nguyên con người cung cấp cho phát triển Thủ đô chức năng cao, nhất là kinh tế dịch vụ; có chính sách phát triển, huy động sức mạnh cộng đồng trong xây dựng làng xã truyền thống, phát triển hợp tác xã đảm nhiệm chức năng hiện đại (đầu vào, đầu ra và dịch vụ), gắn nông thôn với đô thị trên các khía cạnh: đầu tư, thị trường, sinh kế, không gian sống…

Xin cảm ơn ông!

“Hà Nội cần phải có chính sách rất rõ nét và mạnh mẽ. Trong nông nghiệp, phải phát triển khoa học - công nghệ tạo ra hệ thống sản phẩm có giá trị đặc biệt cao phục vụ cho nhu cầu cả nước và quốc tế, đồng thời đảm bảo môi trường sinh thái xanh, sạch, đẹp, an toàn. Trong phát triển nông thôn, cần đảm bảo thu hẹp khoảng cách thu nhập nông thôn - thành thị, tạo môi trường phát triển nông thôn hài hòa, lấy đô thị hóa làm trọng tâm. Đặc biệt, cần chú trọng nhiều hơn đến phát triển con người ở nông thôn”

TS Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lượng phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT)

Trọng Tùng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/sua-doi-luat-thu-do-tao-vi-the-moi-cho-nong-nghiep-nong-thon.html