Sửa bất cập nơi vay, nơi chia, nơi trả nợ công

Hai, ba chỗ đi vay, một chỗ chia tiền, một chỗ đi trả nợ. Bất hợp lý là ở đây...

Vấn đề "ba cơ quan cùng quản lý nợ công" vẫn là chủ đề tranh luận chính tại phiên họp Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Quản lý nợ công sửa đổi, chiều 12/9.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên thảo luận

Tại đây, nhiều ý kiến đều thống nhất giao cho một đầu mối, một cơ quan quản lý nợ công thay vì quy định chung chung "Chính phủ thống nhất quản lý nợ công, các bộ và cơ quan ngang bộ thực hiện quản lý nợ công theo phân công của Chính phủ".

Các ý kiến đều cho rằng, quy định như trên là chưa gắn được trách nhiệm quyết định chi ngân sách, vay nợ công với trách nhiệm quản lý ngân sách nhà nước và trả nợ công.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến của các thành viên đều thống nhất giao cho Bộ Tài chính làm cơ quan đầu mối và Chính phủ phân công các bộ, ngành khác (Bộ KH&ĐT, Ngân hàng Nhà nước (NHNN)) phối hợp với Bộ Tài chính trong quản lý nợ công.

Theo ông Hải, việc quy định thống nhất đầu mối quản lý nợ công sẽ khắc phục tình trạng quản lý phân tán, phối hợp chưa chặt chẽ, chuyển sang phương thức quản lý nợ chủ động, xác định rõ trách nhiệm giải trình trong quản lý vay, trả nợ, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay, kiểm soát các chỉ tiêu an toàn nợ công.

Trong trường hợp giao cho một đầu mối quản lý nợ công, ông Hải cho rằng cần có những đổi mới, cải cách bộ máy hành chính trên nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan, một người chủ trì chịu trách nhiệm chính, các cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp thực hiện.

Tham gia phát biểu thêm, Chủ nhiệm Ủy ban An ninh Quốc phòng Võ Trọng Việt thì dè dặt hơn. Theo ông Việt, đề xuất trên cần phải được cân nhắc.

Điều ông Việt lo lắng nhất là vấn đề cơ chế, bộ máy, là những tâm tư, tình cảm của cán bộ nên cần thận trọng.

"Tôi thấy cần phải đánh giá tính ưu nhược của việc nhập lại một đầu mối hay giữ nguyên như hiện nay. Tổ chức mới là cấp gì, biên chế thế nào, có hơn hiện nay không, hiệu quả thế nào…” - ông Việt nói. Ông Việt đề nghị Chính phủ nên đưa hai phương án, báo cáo Bộ Chính trị quyết.

Không đồng tình với quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban An ninh Quốc phòng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hạnh phúc cho rằng, hiện ba cơ quan cùng giải quyết vấn đề nợ công nên rất vướng, rất khó.

"Tôi ví dụ vụ Vinashin, một cơ quan đi vay về, cơ quan khác cho Vinashin vay lại nhưng khi Vinashin không trả được nợ thì cơ quan tài chính lại phải lo đi trả nợ.

Hai, ba chỗ đi vay, một chỗ chia tiền, một chỗ đi trả nợ. Bất hợp lý là ở đây, chúng ta cần sửa chỗ này", ông Phúc nói.

Lại cảnh báo nguy cơ nợ công Việt Nam vượt trần

Theo ông Phúc, việc thu gọn một đầu mối quản lý nợ công có thể động chạm, có thể các cơ quan không vui vẻ nhưng đây không phải là việc của anh, của tôi mà phải vì của chung, vì lợi ích chung.

"Vừa qua, nợ công không cân đối được là do chúng ta cứ cắt khúc về quản lý nợ công, không có đầu mối quản lý. Cứ tới hạn, đụng trần lại phải đảo nợ, đi vay để trả nợ", Tổng thư ký Quốc hội nhấn mạnh.

Thái An (tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/sua-bat-cap-noi-vay-noi-chia-noi-tra-no-cong-3342993/