Sự vô nghĩa của việc đi làm sáng thứ 7

Với nhiều nhân viên văn phòng, việc đi làm sáng thứ 7 không đem đến hiệu quả, ngược lại khiến họ mất thêm một ngày nghỉ ngơi.

 Nhân viên mệt mỏi khi phải đi làm ngày thứ bảy, cho rằng chính sách giờ làm này chưa được hợp lý. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Nhân viên mệt mỏi khi phải đi làm ngày thứ bảy, cho rằng chính sách giờ làm này chưa được hợp lý. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Sáng thứ 7, Anh Tuấn (28 tuổi, quận 7, TP.HCM) chạy xe máy 11 km đến công ty ở quận Bình Thạnh. Anh không cần mặc sơ mi, quần tây như ngày làm việc trong tuần. Từ 8h đến 11h30, nhân viên này cùng đồng nghiệp uống cà phê, tán gẫu, gửi đi báo cáo rồi ra về.

"Chẳng có gì làm, chúng tôi dành khoảng ít thời gian để kết sổ, làm báo cáo tuần. Vốn dĩ những việc này làm ở nhà cũng được", anh nói với phóng viên.

Tuấn hiện làm việc tại phòng kinh doanh của một doanh nghiệp bất động sản. 2 năm qua, anh quen thuộc với việc đến công ty 5,5 ngày/tuần.

Dù vậy, anh cho rằng sẽ thoải mái, tiết kiệm thời gian, công sức hơn nếu mình không còn phải đến văn phòng vào sáng thứ 7.

Đi làm sáng thứ 7

Trong khi đó, Nguyễn Thắng (26 tuổi, quận 3, TP.HCM) cho rằng quy định chấm công vào 9h30 mỗi sáng thứ 7 của công ty mình là điều vô nghĩa.

Nhân viên truyền thông này cho biết công việc của mình được phép làm linh động về thời gian và địa điểm, miễn là đảm bảo KPI theo ngày.

 Anh Tuấn chấp nhận làm thứ 7, xem đó là một phần công việc.

Anh Tuấn chấp nhận làm thứ 7, xem đó là một phần công việc.

Tuy vậy, dù chọn làm ở văn phòng hay quán cà phê, mỗi ngày anh đều phải đến công sở chấm công 2 lượt lúc 9h30 và 17h30.

Sáng thứ 7, quy định này cũng không thay đổi mặc cho nhân sự chỉ xếp hàng bấm vân tay rồi ra về.

"Nếu không đảm bảo chấm công đầy đủ, chúng tôi sẽ bị trừ hết ngày lương. Tôi chấp nhận bởi đây là quy định của công ty, chỉ mong sếp cho phép không phải check-in vào sáng thứ 7 vì nhà xa, đi lại rất mệt, tốn kém", anh bày tỏ.

Nhiều lần, có việc cá nhân, Nguyễn Thắng chấp nhận không chấm công ngày cuối tuần.

Đến cuối tháng, anh phải gửi email giải trình lý do cho quản lý trực tiếp và bộ phận nhân sự để được xem xét thanh toán lương. Không phải lần nào đơn xin phép của anh cũng được chấp thuận.

 Kim Hà từ chối công việc phải đi làm ngày thứ 7 vì không có thời gian cho bản thân.

Kim Hà từ chối công việc phải đi làm ngày thứ 7 vì không có thời gian cho bản thân.

Kim Hà (27 tuổi, quận 7, TP.HCM) đang tìm kiếm việc làm. Một trong những tiêu chí của cô là không làm việc vào thứ 7.

Gặp mặt nhà tuyển dụng, cô luôn chủ động hỏi về quy định đi làm sáng thứ 7 nói riêng, cuối tuần nói chung.

Một số nhân viên nhân sự (HR) cho biết nếu vào làm việc, Hà chỉ cần "điểm danh cho có vào sáng thứ 7" hoặc "thứ 7 không có nhiều việc đâu".

Hà cho biết sau những năm đi làm, cô nhận thấy mình cần dành trọn 2 ngày cuối tuần để nghỉ ngơi, thăm gia đình, bạn bè và làm một số việc cá nhân.

"Tôi khá tiếc khi phải từ chối offer vì đã vào vòng phỏng vấn cuối cùng, nhưng về lâu về dài tôi nghĩ đây là quyết định hợp lý", cô khẳng định.

Công ty vẫn cần sáng làm việc thứ 7

Chia sẻ với phóng viên, Minh Ngọc (26 tuổi, quận 1, TP.HCM), chuyên viên hành chính nhân sự tại một công ty xuất nhập khẩu, cho biết văn hóa làm việc 5,5 ngày vẫn phổ biến đối với nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam.

Không tính đến những ngành nghề đặc thù như sản xuất hàng hóa, du lịch, nhà hàng, khách sạn…, việc đi làm nửa ngày ngày thứ 7 vẫn là yêu cầu chính đáng từ nhà tuyển dụng, đảm bảo người lao động làm việc dưới 48 giờ/tuần theo luật hiện hành.

Theo Ngọc, nhiều năm qua, cô chứng kiến số lượng lớn người lao động sẵn sàng từ chối đầu quân vào những công ty có quy định làm việc vào ngày cuối tuần. Điều này cũng khiến phòng ban của cô gặp khó khăn trong khâu tuyển dụng nhân sự phù hợp.

Trước nhận định về việc đi làm nửa ngày thứ 7 không đem lại giá trị, hiệu quả cho công việc, Minh Ngọc khẳng định đây chỉ là suy nghĩ chủ quan của một vài người và một phần phụ thuộc vào văn hóa làm việc tại từng doanh nghiệp.

Tại công ty của Ngọc, toàn bộ nhân sự các phòng ban đều phải có mặt nghiêm túc vào sáng thứ 7. Với một số bộ phận, đây là thời điểm họ sử dụng để họp nhóm, báo cáo, tổng kết tuần. Một số phòng ban khác kết toán sổ sách, tiếp nhận thông báo, kế hoạch cho tuần sau.

"Mọi người đều biết mình có những nhiệm vụ gì phải giải quyết trong nửa ngày, từ đó phân bổ chúng hợp lý, hiệu quả. Để tạo sự thoải mái cho nhân sự ngày cuối tuần, công ty chúng tôi không yêu cầu mặc đồng phục, nhưng vẫn phải chấm công đúng giờ, ngồi đúng vị trí trong giờ làm việc và không trò chuyện lớn tiếng", cô nói.

 Theo chuyên viên hành chính nhân sự, làm việc nửa ngày thứ 7 có thật sự hiệu quả hay không phụ thuộc vào thái độ làm việc của từng người và văn hóa làm việc của doanh nghiệp. Ảnh: Phương Lâm.

Theo chuyên viên hành chính nhân sự, làm việc nửa ngày thứ 7 có thật sự hiệu quả hay không phụ thuộc vào thái độ làm việc của từng người và văn hóa làm việc của doanh nghiệp. Ảnh: Phương Lâm.

Trong khi đó, Tuấn Tú (29 tuổi, quận 3, TP.HCM), quản lý nhóm kinh doanh thuộc một công ty sản xuất may mặc, cho biết công ty anh vừa thay đổi chính sách làm cả ngày thứ 7, sang làm nửa ngày. Thời gian làm việc 8h-12h, thay vì 8h-17h như trước đây.

Ở cương vị quản lý, anh hiểu được sự mệt mỏi của nhân sự khi phải đến công ty vào ngày thứ 7, đa phần đều uể oải, thiếu sức sống, không tập trung làm việc, chỉ mong sớm về nhà.

Các cấp quản lý đã nhiều lần họp, đề nghị được thay đổi giờ làm, giúp nhân viên của mình có thêm thời gian nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng, song theo Tú đây không phải là chuyện có thể thay đổi "một sớm một chiều".

Theo Tú, thay đổi giờ làm cũng đòi hỏi mọi người thay đổi thói quen làm việc của mình. Thay vì làm 48 tiếng/tuần, giờ đây, nhân viên của anh phải tập trung nhiều hơn, tăng năng suất để xử lý hết công việc chỉ trong 44 tiếng/tuần.

"Tôi đánh giá quyết định thay đổi này cũng là bước tiến lớn, nhưng nhân viên phải chứng minh được việc làm 5,5 ngày/tuần là hiệu quả, từ đó tiến đến yêu cầu làm chỉ 5 ngày/tuần", anh nói.

Không nên coi sáng làm việc thứ 7 là vô nghĩa

Trao đổi với phóng viên, bà Đinh Hồng Duyên, chuyên gia tư vấn quản trị doanh nghiệp, tác giả cuốn sách Quản trị nhân sự thời Gen Z, cho biết theo luật hiện hành, các công ty vẫn được phép sử dụng người lao động không quá 48 tiếng/tuần.

Như vậy, nếu mỗi ngày làm việc đủ 8 tiếng, nhân sự cần đi làm 6 ngày/tuần, chỉ được nghỉ một ngày duy nhất.

Tuy vậy, đó là luật, còn thị trường lao động lại vận hành khác. Hiện nay, nhiều công ty đã sử dụng linh hoạt chính sách làm việc 40 hoặc 44 tiếng/tuần.

Để rút ngắn số ngày làm việc, nhiều doanh nghiệp còn chia 44 tiếng làm việc vào 5 ngày trong tuần, không yêu cầu nhân viên làm việc nửa ngày thứ 7.

Việc này mang đến nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động nếu xét cả về vật chất và tinh thần, đặc biệt với công ty có KPI rõ ràng.

Với công ty:

Không phải chi trả các chi phí điện nước, cơm trưa, khấu hao máy móc...
Nhân viên làm việc hiệu suất cao hơn vào các ngày trong tuần, thậm chí sẵn sàng tăng ca một cách tự nhiên để hoàn thành công việc.
Nhân viên vui vẻ, hạnh phúc, gắn bó hơn và cũng dễ dàng tuyển dụng nhân sự hơn.
Gia tăng tình gắn kết cho anh em nếu như có thể tổ chức các buổi giao lưu cuối tuần.

Với nhân viên:

Tái tạo năng lượng.
Cân bằng cuộc sống.
Có thể giảm được chi phí nếu dành cả ngày để ngủ và ăn uống đơn giản.
Có thêm thời gian phát triển bản thân.

 Theo chuyên gia, chỉ làm 5 ngày/tuần mang lại lợi ích nhiều hơn cho doanh nghiệp và người lao động. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Theo chuyên gia, chỉ làm 5 ngày/tuần mang lại lợi ích nhiều hơn cho doanh nghiệp và người lao động. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Nếu vẫn đi làm nửa ngày thứ 7 theo quy định của công ty, bà Duyên cho rằng nhân sự không nên bất mãn mà lãng phí nguyên một ngày này. Thay vào đó, họ nên thử nghiệm việc:

Lên kế hoạch cả tuần và kế hoạch cụ thể cho nửa ngày thứ 7, biến đây thành ngày để sắp xếp và bố trí lại công việc cho tuần tiếp theo một cách thật khoa học.
Sắp xếp công việc để dành khoảng thời gian cho sự phát triển bản thân phục vụ cho chính công việc: tham gia hội thảo, tọa đàm hay webinar online, tổ chức các buổi trao đổi, thảo luận hay giao lưu về kiến thức, dự án...
Gặp gỡ khách hàng bên ngoài công ty, hưởng thụ không khí và những buổi trò chuyện chất lượng.

Mỹ Trinh

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/su-vo-nghia-cua-viec-di-lam-sang-thu-7-post1438584.html