Sự vô nghĩa của cơn sốt trắc nghiệm MBTI

Ra đời vào năm 1943, MBTI cho đến ngày nay vẫn phổ biến và được nhiều người tin tưởng. Tuy nhiên, Vox đã chỉ ra bài trắc nghiệm này vô dụng hơn nhiều người vẫn nghĩ.

Khảo sát của Hankook Research thực hiện vào tháng 12/2021 cho thấy hơn một nửa người Hàn Quốc đã làm bài kiểm tra MBTI (Myers-Briggs Type Indicator). Rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn và khoảng hơn 200 cơ quan liên bang Mỹ vẫn tin tưởng sử dụng trắc nghiệm MBTI để sàng lọc nhân viên của mình.

Điều này cho thấy MBTI dù đã có tuổi đời gần trăm năm nhưng vẫn rất được thế giới quan tâm ở thời điểm hiện tại.

Dựa trên 93 câu hỏi, bài trắc nghiệm MBTI chia mọi người trên thế giới thành 16 kiểu khác nhau. Nó được coi là một khuôn khổ mạnh mẽ để xây dựng các mối quan hệ tốt hơn, thúc đẩy sự thay đổi tích cực và đạt được sự xuất sắc. Nhiều người còn xem MBTI là một công cụ lựa chọn nghề nghiệp thích hợp.

Tuy nhiên, một số phân tích đã chỉ ra rằng bài kiểm tra hoàn toàn không hiệu quả trong việc dự đoán thành công của một người và khoảng một nửa số người thực hiện nó 2 lần sẽ nhận được kết quả khác nhau mỗi lần.

MBTI dựa trên những lý thuyết hoàn toàn chưa được chứng minh

Bài viết của Vox vào năm 2015 trích cuốn sách Các loại tâm lý xuất bản năm 1921, theo đó Carl Jung giải thích rằng con người hầu như thuộc 2 loại chính: người nhận thức và người phán đoán. Trong khi người nhận thức gồm 2 nhóm tính cách nhỏ là người thích cảm nhận và người thích khám phá, người phán đoán lại có 2 nhóm là người suy nghĩ và người cảm nhận. 4 nhóm tính cách này có thể dựa trên thái độ mà xác nhận một người là hướng nội hay hướng ngoại.

 Chính Carl Jung cũng cho rằng phân loại của mình chỉ mang tính chất gần đúng. Ảnh: Getty.

Chính Carl Jung cũng cho rằng phân loại của mình chỉ mang tính chất gần đúng. Ảnh: Getty.

Tuy nhiên, chính cha đẻ của nó cho rằng các phân loại này chỉ mang tính chất gần đúng.

"Mỗi cá nhân đều là một ngoại lệ của khuôn khổ", Jung viết.

Adam Grant, một nhà tâm lý học tại Đại học Pennsylvania, người đã viết về những thiếu sót của MBTI cho biết những phân loại trên không xuất phát từ thực nghiệm mà từ kinh nghiệm của Carl Jung. Nhưng vì Jung là người có ảnh hưởng trong giới tâm lý học nên các phân loại của ông được chú ý.

Các phân loại của Jung sau đó được Katherine Briggs và Isabel Briggs Myers, 2 phụ nữ người Mỹ không được đào tạo chính quy về tâm lý học, chuyển thành một bài kiểm tra. Họ sao chép phân loại của Jung, thay đổi một chút thuật ngữ và bảng hỏi trắc nghiệm gồm 2 đáp án. Những người tham gia trắc nghiệm từ đó sẽ được phân loại theo 16 nhóm tính cách được Myers và Briggs đặt tên.

MBTI sử dụng hệ nhị phân đóng khung

MBTI xây dựng hoàn toàn trên cơ sở rằng mọi người đều thuộc một trong 2 loại. Tuy nhiên, dữ liệu thực tế lại chỉ ra con người không có sự phân bố rõ ràng. Ví dụ, theo dõi các tương tác của một nhóm người với những người khác, các nhà tâm lý học phát hiện ra không có người hướng ngoại và người hướng nội hoàn toàn, con người chủ yếu nằm ở khoảng giữa.

 16 kiểu tính cách của bài trắc nghiệm MBTI. Ảnh: 16 personalities.

16 kiểu tính cách của bài trắc nghiệm MBTI. Ảnh: 16 personalities.

Do vậy, các nhà tâm lý học kết luận trắc nghiệm MBTI không hiệu quả khi phân biệt giữa các loại tính cách khác nhau.

Ngay cả dữ liệu từ chính bài kiểm tra MBTI cũng cho thấy rằng hầu hết mọi người đều ở giữa 2 nhóm tính cách và cuối cùng chỉ bị dồn vào một nhóm.

Đây là lý do một số nhà tâm lý học đã ngừng nói về các đặc điểm tính cách cũng như ngừng áp dụng bài trắc nghiệm này đối với bệnh nhân.

Ngoài ra, MBTI không phải là một bài kiểm tra được thiết kế để phân loại chính xác mọi người, mà là một bài kiểm tra được thiết kế để khiến họ cảm thấy hạnh phúc sau khi làm bài. Bất kể thuộc nhóm tính cách nào, người thực hiện đều sẽ nhận được một mô tả tâng bốc về bản thân như một "nhà tư tưởng", "người biểu diễn" hoặc "người nuôi dưỡng".

MBTI cung cấp kết quả không nhất quán và chính xác

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng có tới 50% số người nhận được kết quả trắc nghiệm MBTI khác nhau chỉ sau 5 tuần.

Nguyên nhân của việc này là do bài kiểm tra chỉ đơn giản cho mỗi người biết mình đang "suy nghĩ" hay "cảm thấy" gì dựa trên một số câu hỏi nhị phân, không có khoảng trống ở giữa. Hầu hết câu hỏi bài trắc nghiệm MBTI hướng đến những tính cách không hề bền vững và lệ thuộc tâm trạng người thực hiện.

Ngoài ra, MBTI cũng không hiệu quả trong việc dự đoán thành công của bất kỳ ai.

Dù MBTI không chính xác, nhiều người vẫn cảm thấy phù hợp với các đặc điểm tính cách của bài trắc nghiệm do chúng được mô tả mơ hồ và có nhiều sự trùng lặp lẫn nhau.

MBTI không được các nhà chuyên môn coi trọng

Hầu như không có tạp chí tâm lý học lớn nào công bố kết quả nghiên cứu về MBTI, ngoài một số phân tích cho thấy nó còn nhiều thiếu sót. Các nhà tâm lý học cũng gần như hoàn toàn bỏ qua MBTI trong nghiên cứu đương đại.

Ngoài ra, không ai trong 3 nhà tâm lý học hàng đầu của hội đồng quản trị CPP, công ty mua bản quyền bài trắc nghiệm MBTI, sử dụng MBTI trong nghiên cứu của họ.

"Nó sẽ khiến các đồng nghiệp tôi tranh cãi", Carl Thoresen , một nhà tâm lý học Stanford và thành viên hội đồng quản trị CPP, thừa nhận với Washington Post hồi 2012.

Năm 2015, hàng nghìn nhà tâm lý học đã đánh giá MBTI là không chính xác. Đồng thời, họ cũng đưa ra nhiều bài trắc nghiệm tốt hơn để đánh giá tính cách như mô hình The Big Five.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-vo-nghia-cua-con-sot-trac-nghiem-mbti-post1351800.html