Sự vĩ đại của một tấm lòng yêu nước, thương dân

Các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển múa hát ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: MINH NGUYỆT

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, chúng ta cùng nhìn lại sự kiện này để thêm tự hào về sự vĩ đại của một tấm lòng yêu nước, thương dân, qua đó góp phần làm rõ thêm cuộc đời, tư tưởng và sự nghiệp vĩ đại của Người và để thấy những luận cứ quan trọng nhằm chống lại luận điệu của các thế lực thù địch hòng xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chống phá cách mạng Việt Nam.

Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, dưới ách thống trị của chế độ thực dân phong kiến, nhân dân ta chịu nhiều lầm than, cực khổ, bị chà đạp, áp bức, bóc lột tàn bạo. Rất nhiều phong trào yêu nước theo các khuynh hướng khác nhau liên tiếp nổ ra nhưng tất cả đều thất bại. Sự thất bại đó đã làm cho cách mạng Việt Nam khủng hoảng về đường lối như “đêm tối không có đường ra”. Trước bối cảnh ấy, nhiều câu hỏi được đặt ra: Dân tộc đi về đâu? Ai sẽ là người đứng ra giải phóng dân tộc?...

Ra đi tìm đường cứu nước

Trong bối cảnh đó, ngày 5/6/1911, tại Bến cảng Nhà Rồng, TP Sài Gòn - Gia Định, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc), với ý chí cứu nước mãnh liệt và lòng yêu thương dân tộc sâu sắc, bản lĩnh kiên cường, lý tưởng và khát vọng của tuổi trẻ, vượt qua muôn trùng khó khăn, gian khổ đã quyết tâm ra đi tìm bằng được con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam, thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Hành trình của Người đã mở ra những mốc son rực rỡ nhất trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam.

Bến Nhà Rồng - nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, hiện là Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, luôn thu hút khá đông khách tham quan. Ảnh: MINH NGUYỆT

Bến Nhà Rồng - nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, hiện là Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, luôn thu hút khá đông khách tham quan. Ảnh: MINH NGUYỆT

Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rất ngưỡng mộ lòng yêu nước của các bậc tiền bối nhưng không tán thành đường lối cứu nước của họ. Theo Người, con đường cứu nước của Hoàng Hoa Thám còn “mang nặng cốt cách phong kiến” đã không thể dẫn tới thắng lợi, con đường cầu viện Nhật Bản của cụ Phan Bội Châu chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”, còn con đường cải lương của cụ Phan Châu Trinh chẳng khác gì đến “xin giặc rủ lòng thương”.

Với tấm lòng yêu nước sâu sắc, sự trăn trở về vận mệnh dân tộc, bằng sự hiểu biết của bản thân, Nguyễn Tất Thành sớm nhận ra con đường do những người đi trước lựa chọn sẽ không giải phóng được dân tộc mà cần thiết phải có con đường mới phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Người đã chọn một hướng đi mới: sang phương Tây, nơi có những cuộc cách mạng tư sản điển hình, có nền khoa học kỹ thuật phát triển, học tập họ để mưu cầu về “cởi ách” cho dân tộc Việt Nam. Người đau nỗi đau chung của nhân loại và nỗi đau riêng của người dân Việt Nam bị áp bức, bị mất quyền tự do, độc lập. Đây là điểm khác biệt lớn của Hồ Chí Minh so với những nhà yêu nước Việt Nam tiền bối trong việc tìm con đường giải phóng dân tộc.

Trên chuyến hành trình ấy, người thanh niên Nguyễn Tất Thành phải trải qua nhiều gian truân, vất vả, có những lúc hiểm nguy đe dọa tính mạng. Nhưng với chí khí và bản lĩnh kiên cường của tuổi trẻ, với bàn tay lao động và khối óc sáng tạo của mình, Người sẵn sàng “làm bất cứ việc gì để sống và để đi”, để tìm hiểu, học hỏi, xem xét, khảo sát, tìm kiếm và phát hiện... Người đã đi nhiều nơi, khắp cả bốn biển năm châu để tìm chân lý. Người đã sống cuộc sống của những “người cùng khổ” để thấu hiểu nỗi đau của nhân loại. Không thỏa mãn với những tri thức mình đã có, Người luôn tự học với khát khao vươn tới đỉnh cao văn minh và trí tuệ nhân loại. Người đã làm rất nhiều việc, nhiều nghề để phục vụ cho một hoài bão lớn, một quyết tâm cháy bỏng đó là: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn…”.

Bên trong Bến Nhà Rồng được trưng bày hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: MINH NGUYỆT

Bên trong Bến Nhà Rồng được trưng bày hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: MINH NGUYỆT

Phấn đấu đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn

Sau 30 năm kể từ lúc ra đi cho đến khi trở về Tổ quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử cao cả, mang đến cho dân tộc Việt Nam ngọn cờ và khát vọng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Từ chủ nghĩa yêu nước, Người đã tìm thấy ánh sáng khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, trở thành một chiến sĩ cộng sản, nhà hoạt động tích cực, sôi nổi truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào cách mạng Việt Nam. Người đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo cả dân tộc ta vùng lên giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên mới: Độc lập, dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Mỗi bước đi của Người trong hành trình ấy đều gắn liền với những quyết định trọng đại, những mốc son lịch sử trong các chặng đường của cách mạng Việt Nam. Với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, kết thúc 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một trong những trang sử chói lọi nhất của lịch sử dân tộc và có tính chất thời đại sâu sắc, mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử nước ta - kỷ nguyên của một nước Việt Nam độc lập, thống nhất. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử Việt Nam đạt được qua 35 năm đổi mới là minh chứng sinh động, hùng hồn, khẳng định đường lối của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn là phù hợp với thực tiễn nước ta và xu thế phát triển của thời đại.

Nhìn lại hành trình cứu nước 110 năm về trước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi chúng ta đều khắc sâu trong tâm khảm những hy sinh lớn lao mà Bác đã trải qua trong suốt 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước với lòng biết ơn vô hạn đối với công ơn trời biển Bác đã dành cho đất nước ta, dân tộc ta và nhân dân ta. Nhớ về Bác, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân phấn đấu đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Hơn ai hết mỗi cán bộ, đảng viên càng thấy rõ hơn trách nhiệm, nghĩa vụ của mình tích cực đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); tích cực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thể hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực trong công việc và đời sống hàng ngày, noi theo tác phong giản dị, tinh thần cầu tiến, hoài bão cống hiến của Bác Hồ làm kim chỉ nam cho suy nghĩ và hành động để thực hiện khát vọng quyết tâm xây dựng đất nước cường thịnh như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

NGUYỄN THỊ HOA

(Trường Chính trị tỉnh Phú Yên)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/256384/su-vi-dai-cua-mot-tam-long-yeu-nuoc-thuong-dan.html