Sự trung thực của cán bộ

Nhân dân TP Hồ Chí Minh trong buổi gặp gỡ với Bí thư Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ nguyện vọng và yêu cầu là 'cán bộ phải trung thực'. Rõ ràng, hiện tượng cán bộ nói không đi đôi với làm, hứa rồi bỏ đó, 'chém gió' hùng hồn và rồi chẳng thực hiện gì cả,... là những biểu hiện thiếu trung thực nên người dân mới có yêu cầu trên.

Thêm nữa, sự gian dối khi kê khai tài sản, bao biện cái sai cho nhau hoặc đổ lỗi cho người khác, phủi trách nhiệm của mình, vòng vo trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, thậm chí lừa dân,... với nhiều dẫn chứng trong thực tế về cách ứng xử của cán bộ khiến người dân bất bình. Vì vậy, phẩm chất cần có tạo nên nhân cách con người mà cán bộ lại thiếu khiến người dân phải đề xuất một cách tế nhị với người đứng đầu thành phố, điều này khẳng định một thực trạng không ít người trong đội ngũ cán bộ, công chức thiếu trung thực. Khi sự dối trá trở nên phổ biến, không còn là một hiện tượng hy hữu nữa thì tất yếu dẫn đến sự nghi ngờ và lòng tin bị đổ vỡ. Đó là một sự nguy hiểm cho việc xây dựng một xã hội mà trong đó, đồng thuận là chủ đạo.

Dư luận vừa qua tập trung chú ý vào cuộc họp báo “có một không hai” của một công dân – cán bộ. Nội dung thì chẳng có gì mới và thái độ vẫn thế, tuy nhiên sự khẳng định “không xin lỗi vì làm đúng” của ông này chí ít cũng biểu lộ một thái độ trung thực với bản thân, cho dù mọi người còn nghi ngờ sự trung thực đó. Nhưng, như thế còn hơn là sự xin lỗi mồm mà thực tâm không muốn xin lỗi, bắt buộc thì phải xin lỗi thôi, xin lỗi rồi vẫn hành xử theo “vết xe đổ” thì kiểu xin lỗi đó là sự báng bổ, theo kiểu nhạo báng “Xin lỗi ông đi, ông xin lỗi làm gì!”. Hoặc, cái cúi đầu chào của ông chủ xăng dầu người Nhật sẽ không được coi ra gì nếu như ông ta trộn dung môi vào xăng, đong thiếu, gắn chíp gian lận và cái cam kết sai số 0,01% chỉ là chiêu câu khách, nhưng cái cúi đầu đó trở nên đáng trọng khi ông là người bán hàng trung thực. Ở một chiều hướng ngược lại hoàn toàn, khi một địa phương báo cáo Trung ương những con số “khống” thiệt hại do bão lũ nhằm mục đích được cứu trợ nhiều hơn và có khi dân ở địa phương đó được hưởng lợi từ điều đó nhưng dứt khoát đó là một sự thiếu trung thực và dân không tin vào chính quyền đó nữa.

Dù có nói gì đi nữa thì một khi dân yêu cầu “cán bộ phải trung thực” thì đó là nỗi xấu hổ cho một đội ngũ lấy phương châm “vì dân” là chuẩn mực ứng xử. Và, nếu như không biết xấu hổ thì làm sao mà trung thực được?

Phaly

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn//ban-doc/su-trung-thuc-cua-can-bo-361115.html