Sự trở lại chưa trọn vẹn của Kim Hye Soo trong 'Tòa án vị thành niên'

Loạt phim 'Juvenile Justice' gây chú ý vì đề tài mới lạ và sự góp mặt của minh tinh Kim Hye Soo. Song, tác phẩm có lối kể chuyện cũ kỹ.

Thể loại: Chính kịch, pháp lý

Đạo diễn: Hong Jong Chan

Diễn viên: Kim Hye Soo, Kim Mu Yeol, Lee Sung Min

(*) Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim

Juvenile Justice (Tựa Việt: Tòa án vị thành niên) là dự án phim Hàn tiếp theo được Netflix đầu tư sản xuất. Tác phẩm đánh dấu sự trở lại của minh tinh Kim Hye Soo sau hai năm vắng bóng kể từ Hyena (2020).

Chuyện phim bắt đầu khi nhân vật chính Shim Eun Seok (Kim Hye Soo) chuyển công tác đến tòa án quận Yeonhwa. Tại đây, cô nhận vị trí phó thẩm phán phiên tòa chuyên giải quyết những vụ án liên quan đến người vị thành niên.

Hỗ trợ Eun Seok có đồng nghiệp là Cha Tae Joo (Kim Mu Yeol). Cả hai làm việc dưới sự chỉ đạo của thẩm phán trưởng Kang Won Jung (Lee Sung Min). Qua quá trình xử án, người xem hiểu hơn về hệ thống pháp lý Hàn Quốc cũng như những tranh cãi xoay quanh tội phạm vị thành niên.

Kịch bản dễ đoán

Kịch bản đặt vấn đề dựa trên Đạo luật vị thành niên tại Hàn Quốc. Cụ thể, những người dưới 14 tuổi khi phạm tội thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Họ sẽ được hưởng chính sách khoan hồng, chấp hành những biện pháp xử lý khác thay vì ngồi tù.

Lợi dụng kẽ hở của pháp luật, nhiều đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, thậm chí giết người. Họ cho rằng có thể dễ dàng thoát khỏi sự trừng phạt của nhà nước nên không sợ hãi khi phạm tội.

Tác phẩm đánh dấu sự trở lại của Kim Hye Soo sau hai năm vắng bóng.

Loạt phim gồm năm vụ án trải dài 10 tập. Trung bình mỗi vụ được gói gọn trong hai tập. Nội dung được xây dựng đa dạng để hạn chế gây nhàm chán. Có khi các đối tượng vị thành viên là thủ phạm, cũng có khi họ chỉ là nạn nhân, bị người lớn lạm dụng hoặc bạo hành.

Theo Netflix, các vụ án trong phim được lấy cảm hứng từ những sự kiện có thật. Biên kịch Kim Min Seok sáng tạo bằng cách thêm thắt một số tình tiết hư cấu để tạo kịch tính. Tuy nhiên, các vụ án diễn ra trơn tru, cách thức giải quyết tương đối dễ dàng.

Tình huống đặt ra còn ở mức đơn giản, không đòi hỏi người xem phải suy luận nhiều. Ngay từ đầu tập một, kịch bản để cho kẻ thủ ác cầm hung khí đi giữa đường phố đông người. Sau đó, cảnh sát bắt được đối tượng một cách nhanh chóng, không tốn nhiều sức lực.

Dù lấy chủ đề pháp lý, phim lại có hơi hướm melodrama với những cảnh khóc lóc diễn ra xuyên suốt. Trong mỗi tập, các nhân vật không ngừng rơi nước mắt từ phiên tòa đến nơi công cộng như xe buýt, bệnh viện. Ngay cả khi về nhà riêng, tâm trạng của họ cũng không thay đổi. Dường như ai cũng có nỗi niềm cần giãi bày, những uất ức không thể nói thành lời.

Để tạo cảm xúc, nhà làm phim sử dụng các yếu tố quen thuộc trong phim Hàn như tình cảm gia đình, thông điệp về con người, gợi nhớ những series gần đây như Move to Heaven, Hospital Playlist.

Tuy nhiên nhiều chi tiết được lồng ghép quá đà, dễ gây ức chế. Chẳng hạn, phiên tòa trở thành nơi nhân vật cãi vã. Thẩm phán Shim luôn dành thái độ khinh thường với các bạn trẻ chỉ vì họ từng phạm tội.

Góc nhìn tiêu cực về tuổi vị thành niên

Ngồi ghế đạo diễn là Hong Jong Chan – từng làm các phim melodrama như Dear My Friends (2016), The Most Beautiful Goodbye (2017). Anh chọn lối kể chậm rãi, kém thu hút khiến phim trở nên dài dòng.

Nội dung phim xoay quanh hoạt động của một tòa án vị thành niên.

Trọng tâm tác phẩm là phiên tòa vị thành niên. Do đó, kịch bản cố tình giảm nhẹ vai trò của lực lượng cảnh sát và cơ quan công tố. Thẩm phán trong phim không chỉ có nhiệm vụ xét xử. Họ còn quyết tâm đi tìm hung thủ, đối đầu tội phạm không khác điều tra viên. Những màn suy luận, truy bắt hung thủ có thời lượng nhiều, lấn lướt cảnh đấu trí trên phiên tòa – “món ăn” thường thấy trong các phim về pháp lý.

Thông qua quan điểm của thẩm phán Shim, các nhà làm phim xây dựng góc nhìn tiêu cực về tội phạm vị thành niên. Nhân vật được mô tả như người căm ghét những kẻ phạm tội trẻ tuổi. Cô xem họ như "sâu bọ", bản chất phạm pháp đã ngấm vào trong máu.

Chính suy nghĩ này khiến nữ thẩm phán luôn nghi hoặc mọi đối tượng. Cô cho rằng người phạm tội vị thành niên không thể thay đổi lương tri, sớm muộn cũng sẽ tiếp tục tái phạm. Thậm chí, theo nhận xét của đồng nghiệp Tae Joo, thẩm phán Shin là người "nhẫn tâm, không có lòng trắc ẩn".

Các nhân vật là người vị thành niên trong phim được xây dựng theo mô-típ chung. Họ thường có ngoại hình bặm trợn, thích nhuộm tóc và ánh mắt dáo dác của người đang che đậy tội lỗi.

Số phận các nhân vật cũng được cài cắm nhiều tình tiết để tạo bi kịch. Các bạn trẻ đều có vấn đề liên quan đến gia đình. Sự thờ ơ hoặc sức ép của các bậc phụ huynh là một trong những nguyên nhân khiến họ rơi vào vòng xoáy tội ác.

Diễn xuất cường điệu

Hóa thân thẩm phán Shim Eun Seok, Kim Hye Soo tiếp tục chứng tỏ kinh nghiệm và bản lĩnh diễn xuất. Nữ diễn viên sinh năm 1970 gây ấn tượng bởi ánh mắt sắc lạnh và thái độ kiên quyết khi đối diện người phạm tội. Điểm hạn chế của cô là gương mặt còn căng cứng khiến cảm xúc nhân vật có phần sụt giảm.

Hai diễn viên nam đều ở mức tròn vai. Kim Mu Yeol thể hiện hình ảnh thẩm phán hiền hậu, luôn có cái nhìn khoan dung với tội phạm, trái ngược Shim Eun Seok. Trong khi đó, Lee Sung Min đảm nhận dạng vai sở trường. Anh trở thành thẩm phán trưởng tham vọng, có nhiều vấn đề không thể chia sẻ với ai.

Tạo hình của Kim Mu Yeol trong phim.

Phim còn có dàn diễn viên phụ vào vai các nhân vật là người phạm tội vị thành niên. Đặc biệt, nữ diễn viên Lee Yeon – sinh năm 1995 – tạo bất ngờ khi vào vai cậu bé 13 tuổi phạm tội giết người trong hai tập đầu. Song, diễn xuất của các diễn viên chưa thực sự tự nhiên, mà còn mang tính cường điệu để làm tăng kịch tính cho phim.

Bên cạnh yếu tố pháp lý, tác phẩm còn cài cắm nội dung liên quan đến chính trị. Thẩm phán trưởng Kang Won Jung quen biết và thường xuyên liên lạc với người trong Quốc hội. Nhân vật nung nấu ý định tiến vào Quốc hội để sửa đổi Đạo luật Vị thành niên. Nút thắt được giải quyết ở tập bảy nhưng không làm thay đổi mạch phim lẫn câu chuyện.

So với các tác phẩm cùng dòng, Juvenile Justice không tạo được cảm giác gay cấn, hồi hộp. Chất lượng cũng sụt giảm khi đặt cạnh những series do Netflix sản xuất năm ngoái như Squid Game, Hellbound hay D.P. Nội dung và lối kể chuyện vẫn mang nặng màu sắc quen thuộc của phim truyền hình Hàn Quốc.

Càng về cuối, tác phẩm lật mở một số bí mật, lý giải vì sao thẩm phán Shim Eun Seok lại có cảm giác căm ghét những người phạm tội trẻ tuổi. Song, tình tiết còn mang tính sắp đặt. Sau khi các vụ án được giải quyết, series khép lại bằng cái kết dễ đoán, không tạo cho người xem cảm giác háo hức, mong muốn được theo dõi mùa tiếp theo.

Sơn Phước

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-tro-lai-chua-tron-ven-cua-kim-hye-soo-trong-toa-an-vi-thanh-nien-post1299911.html