Sự thiệt thòi của các VĐV nữ

Bình đẳng giới trong thể thao chuyên nghiệp được coi là yếu tố quan trọng để thúc đẩy bình đẳng giới toàn diện. Thực tế, nữ VĐV chưa nhận được sự ủng hộ đúng với thành tích của họ.

Tuyển bóng đá nữ Việt Nam lần đầu giành vé dự World Cup. HCB đầu tiên của Việt Nam tại một kỳ thế vận hội Olympic thuộc về nữ VĐV taekwondo Trần Hiếu Ngân. Nữ xạ thủ Đặng Thị Đông đem về HCV đầu tiên cho nước nhà tại kỳ SEA Games 1989.

Hầu hết thành tích cao nhất của thể thao Việt Nam đến nay là do các nữ VĐV mang về.

Tuyển bóng đá nữ quốc gia làm nên lịch sử khi giành vé tham dự World Cup 2023. Ảnh: Thuận Thắng.

Xét trên khía cạnh bình đẳng giới, phụ nữ Việt Nam được tự do tham gia các môn thể thao hơn nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á và châu Á, nhất là với các nước theo đạo Hồi.

Tuy nhiên, trên thực tế, khoảng cách giữa bình đẳng trong thể thao nam và thể thao nữ vẫn tồn tại nhiều khác biệt, cũng như câu chuyện về sự quan tâm của dư luận, truyền thông dành cho cả hai giới tham gia thi đấu chuyên nghiệp.

VĐV nữ ít được quan tâm

"Khi đi đá bóng, bản thân tôi nhiều lần nhận được những câu hỏi tại sao lương của chúng tôi không cao bằng cầu thủ nam hoặc khi thi đấu, rất ít khán giả đến cổ vũ.

Tham gia thể thao chuyên nghiệp, tôi cùng các đồng đội hiểu rằng sẽ phải đối diện với rất nhiều khó khăn và dần quen với những gì số đông nghĩ. Dù không khỏi chạnh lòng, chúng tôi chọn cách nỗ lực, cố làm nhiều thứ hơn nữa để mọi người thấy không còn quá nhiều sự khác biệt giữa bóng đá nam và bóng đá nữ”, Huỳnh Như - đội trưởng của đội tuyển bóng đá nữ quốc gia - chia sẻ trong tọa đàm "Vị trí của phụ nữ trong thể thao".

Huỳnh Như là tiền đạo chủ lực, thủ lĩnh tinh thần của tuyển nữ Việt Nam. Ảnh: AFC.

Huỳnh Như nói thêm với các cầu thủ nữ, suy nghĩ tìm thêm một “nghề tay trái” dường như mặc định sẵn. Dạy học, bán hàng online là các công việc họ làm để có thêm thu nhập.

Tương tự, bà Laurence Fischer - Đại sứ Thể thao, Bộ Ngoại giao Pháp, cựu nữ võ sỹ karate - cho biết ở Pháp, nhiều nữ VĐV cũng phải đi làm bán thời gian để kiếm sống.

“Thực tế này làm cho các cầu thủ nữ chưa thể toàn tâm toàn sức cho sự nghiệp thể thao. Tôi hy vọng khi bóng đá nữ tại Việt Nam càng nhận được nhiều quan tâm, sẽ có những phương án, chính sách hỗ trợ giúp cầu thủ có thể yên tâm về thu nhập lẫn tập trung thi đấu”, Huỳnh Như bày tỏ.

Theo bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), về tổng thể vai trò, các VĐV nữ ở Việt Nam được đảm bảo chế độ, chính sách ngang với nam giới.

"Tuy nhiên, sự yêu thích dành cho thể thao nam vẫn lớn hơn và là tình trạng chung trên thế giới, ở nhiều môn khác nhau. Điều này ảnh hưởng đến vấn đề xã hội hóa hay nguồn tài trợ. Sự thiệt thòi và khó khăn cho các VĐV nữ là có", bà Yến nói.

Bà Yến nhấn mạnh điều các VĐV nữ cần là sự công bằng, không phải ưu ái về đối xử hay chính sách. Có vậy, họ mới yên tâm thi đấu và có cuộc sống đầy đủ.

Nữ giới vẫn đang đấu tranh để có thêm sự bình đẳng trong thi đấu thể thao chuyên nghiệp. Ảnh: CNBC.

Bình đẳng giới trong thể thao

Đồng quan điểm, bà Elisa Fernandez - Trưởng đại diện UN Women Việt Nam - đánh giá bình đẳng giới trong thể thao chuyên nghiệp là yếu tố quan trọng trong công cuộc thúc đẩy bình đẳng giới toàn diện.

Tuy nhiên, để làm được điều này, cần phải giải quyết bài toán “làm thế nào nữ VĐV sống được bằng nghề của chính họ”. Nói cách khác, phụ nữ tham gia thể thao chuyên nghiệp cần được hỗ trợ để tự chủ và độc lập, ít nhất là về mặt tài chính.

Bà Elisa Fernandez cũng chỉ ra 6 nguyên tắc cốt lõi để tạo ra sự bình đẳng giới trong thể thao.

Thứ nhất, thúc đẩy vai trò lãnh đạo của nữ giới, đặc biệt là trong quản trị và quản lý thể thao. Nắm giữ vị trí quản lý, phụ nữ sẽ thể hiện hiệu suất và hiệu quả làm việc tốt hơn.

Thứ hai, đấu tranh chống lại hành vi bạo lực, các hành động quấy rối dưới bất kỳ hình thức nào nhằm vào VĐV nữ.

Thứ ba, tăng cường sự độc lập về kinh tế cho phụ nữ. Sự chênh lệch về mức lương, đãi ngộ giữa hai giới trong thể thao chuyên nghiệp vẫn còn phổ biến.

Thứ tư, chấm dứt sử dụng, chia sẻ các hình ảnh mang tính định kiến, phân biệt giới về nữ giới trên các phương tiện truyền thông. Trong thể thao, các tranh cãi xoay quanh trang phục khi VĐV nữ thi đấu phản ánh rõ vấn đề này.

Thứ năm, khuyến khích, trao thêm cơ hội cho trẻ em gái trong giáo dục về thể chất cũng như tham gia thi đấu thể thao.

Thứ sáu, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng hoàn toàn.

Vấn đề trang phục khi thi đấu của các nữ VĐV từng là chủ đề bàn cãi tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Reuters.

Từ góc độ cơ quan bình đẳng giới của Liên Hợp Quốc, bà Elisa Fernandez cho rằng mức độ quan tâm của công chúng dành cho thể thao nữ là câu chuyện của con gà và quả trứng.

"Số đông thường có ý kiến là thể thao nữ phải thú vị, hay ho mới lôi kéo được truyền thông và khán giả theo dõi. Song, truyền thông cũng cần phải dành một thời lượng thích đáng cho thể thao nữ để công chúng biết tới nhiều hơn. Từ đó, vai trò, vị thế của nữ giới với sự phát triển của thể thao được củng cố", bà Elisa Fernandez bày tỏ.

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-thiet-thoi-cua-cac-vdv-nu-post1307100.html