Sự thật ít người biết về Bao Công (4): Vẫn còn nhiều uẩn khúc quanh cái chết của vị quan thanh liêm

Bao Công mất vì bạo bệnh hay bị đầu độc luôn là thắc mắc của nhiều thế hệ sau này.

Năm 1062, Bao Chửng qua đời đột ngột ở tuổi 64 tại nơi làm việc, chỉ sau khi lâm bệnh 13 ngày. Cái chết của ông đến nay vẫn còn nhiều uẩn khúc bởi nhiều giả thiết cho rằng ông bị đầu độc. Nhiều học giả cho biết trong số thuốc mà Bao Chửng uống khi lâm bệnh là do Ngự y dâng lên, của Hoàng đế ban cho. Sinh thời, ông đã vạch mặt nhiều thái y nên có không ít kẻ thù. Việc các nhà sử học hoài nghi Bao Chửng bị đầu độc là hoàn toàn có lý.

Sự ra đi của ông đã lấy đi nước mắt và để lại niềm xót thương cho vô số người dân. Đích thân Hoàng đế Tống Nhân Tông đã làm lễ truy điệu cho ông. Trong lễ tang, Hoàng đế cũng phong Bao Chửng là Lại bộ Thượng Thư và phái một đoàn ngự lâm quân hộ tống linh cữu ông về mai táng ở quê nhà.

Mộ Bao Công với án thờ ở phía trên

Các nhà khoa học nói gì về cái chết của Bao Công?

Theo nhận định của những người có chuyên môn, giả thiết vua Tống Nhân Tông đầu độc Bao Chửng hoàn toàn không có cơ sở và cũng không hề đáng tin.

Chưa bàn tới việc vua Tống không có động cơ trừ khử Bao Công, chỉ nhìn vào đánh giá của các sử gia là đủ để loại bỏ hiềm nghi đối với vị hoàng đế này.

Bởi lẽ, Tống Nhân Tông được đánh giá là một bậc minh quân hiếm có trong lịch sử Trung Hoa. Một đấng quân vương như vậy sao có thể nhẫn tâm hạ độc trung thần đắc lực bên mình?

Cũng có giả thuyết cho rằng, sự ra đi của ông có liên quan đến thứ "thuốc bổ" mà Hoàng thượng gián tiếp ban cho. Giả thuyết này nghi ngờ rằng, những thái y do ghen ghét Bao Công, nên cố tình cho thêm thành phần độc hại vào trong thuốc, khiến bệnh tình của ông trở nên trầm trọng hơn.

Về những bí ẩn xoay quanh cái chết của Bao Thanh Thiên, kết quả phân tích xương từ di cốt của vị quan này đã phần nào hé mở chân tướng sự việc.

Các nhà khoa học Trung Quốc phối hợp Viện Bảo tàng tỉnh An Huy xét nghiệm những mảnh xương được cho là của Bao Chửng bằng phương pháp đồng bộ bức xạ với máy Electron- Positron Collider.

Lối vào nơi chôn cất Bao Công.

Kết quả cho thấy, hàm lượng các nguyên tố thủy ngân, sắt và canxi trong xương của Bao Thanh Thiên cao hơn nhiều so với xương của người hiện đại. Trong khi đó, hàm lượng chì và thạch tín lại thấp hơn người thường.

Theo chuyên gia Hồ Hân Dân, Viện trưởng Viện bảo tàng tỉnh An Huy khi đó, kết quả này sơ bộ loại trừ khả năng "Bao đại nhân" bị trúng độc cấp tính do uống thuốc có chứa thạch tín.

Về vấn đề hàm lượng thủy ngân cao trong xương của Bao Công, các nhà khoa học đưa ra hai khả năng. Một là khi an táng ông, người ta đã cho vào quan tài nhiều chu sa để ướp giữ thi thể. Chất này xâm thực vào xương dẫn đến hàm lượng thủy ngân tăng cao. Hai là, Bao Chửng từng uống thuốc hay ăn loại thực phẩm có chứa thủy ngân với hàm lượng nhỏ khiến ngộ độc mãn tính.

GS Trình Như Phong, chuyên gia Văn - Sử, Phó hội trưởng Hội nghiên cứu Bao Công ở thành phố Hợp Phì, cho biết qua kết quả xét nghiệm có thể kết luận Bao Công không chết vì trúng độc. Rất có thể, ông bị bệnh tim mạch hoặc đột quỵ nên mới phát bệnh và chết nhanh như vậy.

Tuy nhiên, căn bệnh nào dẫn đến cái chết của vị phán quan nổi tiếng lịch sử này có lẽ vẫn mãi là điều bí ẩn.

Vì sao phải dùng đến 21 chiếc quan để chôn cất di thể Bao Thanh Thiên?

Xung quanh cái chết của Bao Thanh Thiên, hậu thế có lưu truyền nhiều giai thoại. Trong đó, có giai thoại kỳ lạ kể về việc 21 chiếc quan tài cùng lúc được đưa ra 7 cửa thành Lư Châu và an táng tại những vị trí khác nhau.

Bất luận làm quan ở đâu, Bao Thanh Thiên đều xử án công bằng, chưa từng sợ đắc tội cường quyền, cũng chẳng thiên vị hoàng thân quốc thích hay quan gia quyền quý, càng không để việc tư xen vào việc công. Đây cũng là lý do khiến ông từng gây thù chuốc án với không ít kẻ quyền thế.

Để tránh nạn binh lửa và đánh lạc hướng những kẻ trộm mộ, di cốt của Bao Thanh Thiên đã được con cháu trong gia tộc họ Bao di chuyển tới chôn cất ở một nơi bí mật.

Sau khi Bao Công qua đời, người thân sợ kẻ thù sẽ tìm cách trả thù lên di thể, xương cốt của ông nên đã dùng kế sách nhằm "tung hỏa mù" để đánh lạc hướng.

Vì thế, người ta phải sử dụng 21 chiếc quan tài khác nhau, cùng lúc đưa ra khỏi 7 cổng thành và chôn ở những địa điểm khác nhau với hy vọng không kẻ địch nào tìm ra mộ thật của Bao Thanh Thiên.

Sự ra đi của Bao Công cũng khiến dân chúng đau buồn khôn nguôi. Tại vị trí của những ngôi mộ này đều có người dân thường xuyên cúng bái, thay phiên trông coi. Vậy nhưng khi quân Kim tràn vào, Hợp Phì bị xâm chiếm, những ngôi mộ giả của Bao Chửng đều ít nhiều bị hư hại, vật tùy táng cũng bị lấy đi. Phải đợi đến mãi sau này, khi hòa bình lập lại, hậu duệ của nhà họ Bao mới bí mật chuyển quan tài của Bao Công tới an táng gần ngôi mộ của phu nhân Đổng Thị.

Sự thật về mộ Bao Thanh Thiên: Mộ táng một nơi, người chôn một nẻo

Trước kia, hầu hết mọi người đều tin rằng mộ thật của Bao Công nằm tại Tống Lăng (huyện Củng, tỉnh Hà Nam). Nơi đây cũng thường xuyên được nhân dân cúng bái, tu sửa qua các triều đại. Không ai ngờ rằng ngôi mộ nghi ngút khói hương qua hàng thế kỷ ấy thực chất lại chỉ là một ngôi mộ giả để đánh lạc hướng người đời.

Mộ của Bao Công ngày nay nằm tại nghĩa trang Đại Hưng Tập, thuộc ngoại ô thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy. Từ năm 1956, phần mộ của vị quan thanh liêm này đã được liệt vào danh sách văn vật trọng điểm được bảo vệ cấp tỉnh.

Trước đó, để tìm được vị trí chính xác ngôi mộ thật của vị quan thanh liêm nổi tiếng ấy trong quần thể mộ của nhà họ Bao, giới khảo cổ Trung Quốc đã tốn không ít công sức. Chỉ đến khi chính quyền địa phương có chỉ thị di dời mộ thật của Bao Công để phục vụ cho quá trình quy hoạch, hậu thế mới biết được vị trí an táng chính xác của Bao Thanh Thiên.

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/su-that-it-nguoi-biet-ve-bao-cong-4-van-con-nhieu-uan-khuc-quanh-cai-chet-cua-vi-quan-thanh-liem-172211117155615444.htm