Sự thăng tiến của các tỉnh ĐBSCL trong bảng xếp hạng PCI 2023

Trong nhóm đầu bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm nay, ngoài những tỉnh thành quen mặt nhiều năm còn ghi nhận sự bứt phá của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với số tỉnh nằm trong Top 10 PCI tăng gấp đôi so với năm ngoái.

Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023. Ảnh: Truyền hình Long An.

Sáng 9/5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023, với ngôi "quán quân" PCI tiếp tục thuộc về tỉnh Quảng Ninh.

Đáng chú ý trong Top 10 tỉnh thành dẫn đầu về chỉ số PCI, riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có sự góp mặt của 4 tỉnh gồm Long An, Đồng Tháp, Bến Tre và Hậu Giang, tăng gấp đôi so với bảng xếp hạng PCI năm 2022.

Top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2023.

Đặc biệt, tỉnh Long An từ vị trí thứ 10 trong năm 2022 đã bứt phá mạnh mẽ lên vị trí Á quân trong năm 2023 với 70,94 điểm, trong đó một số chỉ số tăng so với năm ngoái như chỉ số gia nhập thị trường đạt 7,18 điểm (tăng 0,2 điểm); chỉ số cạnh tranh bình đẳng đạt 6,54 điểm (tăng 0,19 điểm); chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp tăng mạnh đạt 6,90 điểm (tăng 1,06 điểm); chỉ số thiết chế pháp luật, an ninh trật tự đạt 7,83 điểm (tăng 0,81 điểm).

Một tỉnh khác nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn giữ vững phong độ trên bảng xếp hạng trong nhiều năm qua là Đồng Tháp xếp thứ 5 với 69,66 điểm. Tính đến nay, Đồng Tháp duy trì chuỗi 16 năm liên tiếp nằm trong Top 5 PCI cả nước từ (2008).

Theo báo cáo PCI 2023, tỉnh Đồng Tháp có nhiều chỉ số thành phần tăng so với năm 2022, như chỉ số gia nhập thị trường đạt 7,50 điểm (tăng 0,32 điểm); chỉ số tính minh bạch đạt 7,28 điểm (tăng 0,18 điểm); chỉ số chi phí thời gian đạt 8,39 điểm (tăng 0,28 điểm); chỉ số cạnh tranh bình đẳng đạt 6,72 điểm (tăng 0,39 điểm); chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp đạt 6,21 điểm (tăng 0,71 điểm); chỉ số thiết chế pháp luật, an ninh trật tự đạt 8,31 điểm (tăng 0,35 điểm).

Hai nhân tố mới xuất hiện trong Top 10 PCI năm nay đều đến từ Đồng bằng sông Cửu Long gồm: Bến Tre xếp thứ 7 với 69,20 điểm, tăng 6 bậc so với năm ngoái và Hậu Giang xếp thứ 9 với 69,17 điểm tăng 3 bậc so với năm 2022.

Trong đó, các chỉ số đánh giá của Bến Tre đều tăng như chỉ số gia nhập thị trường đạt 7,52 điểm (tăng 0,26 điểm); chỉ số tính minh bạch đạt 5,70 điểm (tăng 0,45 điểm); chỉ số cạnh tranh bình đẳng đạt 6,88 điểm (tăng 0,23 điểm); chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp đạt 6,95 điểm (tăng 1,52 điểm).

Với tỉnh Hậu Giang, các chỉ số ghi nhận tăng trưởng gồm chỉ số gia nhập thị trường đạt 7,49 điểm (tăng 0,24 điểm); chỉ số tính minh bạch đạt 6,73 (tăng 0,91 điểm); chỉ số cạnh tranh bình đẳng đạt 6,72 điểm (tăng 0,39 điểm); chi phí thời gian đạt 7,64 điểm (tăng 0,01 điểm); chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp đạt 7,10 điểm (tăng 1,25 điểm); chỉ số thiết chế pháp luật, an ninh trật tự đạt 7,90 điểm (tăng 0,35 điểm).

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nằm trong Top 10 PCI năm nay đều được ban tổ chức đánh giá cao về sự cố gắng bứt phá. Trong năm qua, một số tỉnh như Long An được các doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng, hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, tính năng động, tiên phong của bộ máy chính quyền được công nhận với chỉ số thành phần như tính năng động, tiên phong đạt 7,24 điểm, đứng thứ 4 cả nước.

Chỉ số PCI tổng hợp được tính toán từ kết quả các chỉ tiêu thuộc 10 chỉ số thành phần phản ánh các khía cạnh về chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh. Dữ liệu các chỉ tiêu này có được thông qua hoạt động khảo sát gần 10.000 doanh nghiệp tại toàn bộ 63 tỉnh, thành phố kết hợp với hoạt động thu thập dữ liệu sẵn công bố bởi các bộ, ngành.

Các địa phương có điểm số PCI cao hơn phản ánh chất lượng điều hành kinh tế tốt hơn, với mục tiêu tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.

Thảo Ngân

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/su-thang-tien-cua-cac-tinh-dbscl-trong-bang-xep-hang-pci-2023-post34452.html