Sự tàn nhẫn của phòng thử đồ với người ngoại cỡ

Khi thân hình gầy gò quay trở lại sàn catwalk, nhiều phụ nữ nhận thấy việc mua quần áo ngày càng trở thành trải nghiệm gây tổn thương.

Lúc 19h30 một ngày thứ 7 của mùa xuân, 10 cô gái sốt ruột chờ đợi đến lượt vào phòng thử đồ của cửa hàng thời trang nhanh nổi tiếng ở trung tâm thành phố Madrid (Tây Ban Nha). Họ chịu đựng cái nóng ngột ngạt khi xếp hàng vào thời gian mua sắm cuối tuần cao điểm, trên tay ôm nhiều bộ quần áo.

“Tôi không biết vì sao mình đứng đây. Tôi nghĩ không có đồ gì hợp với mình”, một người trong số này nói. Cô xin lời khuyên từ mẹ thay vì tin tưởng vào hình ảnh nhìn thấy trong gương.

Ánh sáng chói lóa ở phòng thay đồ cho thấy trang phục vừa vặn đến từng cm trên cơ thể của cô một cách tàn nhẫn. Cuối cùng, cô ra về mà không mua được gì.

Dù chọn theo kích cỡ bình thường của mình, cô cho biết chiếc áo XL hợp thời trang không che được phần ngực. Trong khi đó, chiếc quần jeans ôm sát phần hông, nhưng lại rộng thùng thình ở đùi.

Có rất nhiều lý do khiến quá trình mua sắm quần áo trở thành trải nghiệm tồi tệ đối với nhiều người, đặc biệt là phụ nữ ngoại cỡ, theo EL PÁIS.

 Mua sắm trang phục vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều người có thân hình ngoại cỡ. Ảnh minh họa: Sports Illustrated.

Mua sắm trang phục vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều người có thân hình ngoại cỡ. Ảnh minh họa: Sports Illustrated.

Mốt gầy gò trở lại

Cảnh tượng kể trên được lặp lại ở nhiều cửa hàng. Cửa sổ của các shop đều trưng bày ma-nơ-canh dáng mảnh khảnh, không có thân hình ngoại cỡ. Thiết kế sặc sỡ, kiểu dáng năng động gợi nhớ đến phong cách đầu những năm 2000: quần jeans, váy cạp trễ, áo ngắn, váy ngắn bó sát, quần dài.

Rời xa sự hối hả và nhộn nhịp của các địa điểm mua sắm, một lần nữa, những người mẫu gầy trơ xương lại xuất hiện trên sàn catwalk, giống như những năm 1990.

Tính thẩm mỹ của thân hình mỏng manh cực độ đã trở lại. Nhiều người nổi tiếng và nhân vật có ảnh hưởng trên mạng, bao gồm biểu tượng ngoại cỡ một thời Kim Kardashian, đang giảm cân.

Giữa tất cả xu hướng này, hàng trăm người trẻ chỉ trích thực tế rằng mua sắm và đối mặt với phòng thử đồ là thử thách ngày càng khó khăn.

Ester Silva, nhà tâm lý học chuyên về chứng rối loạn ăn uống và có quan điểm về giới, giải thích: “Việc có mặt tại một cửa hàng, đặc biệt là shop thời trang nhanh, đã là quá trình gây lo lắng”.

 Người mẫu ngoại cỡ vắng bóng trên các sàn diễn thời trang. Ảnh: Brendan Mcdermid/Reuters.

Người mẫu ngoại cỡ vắng bóng trên các sàn diễn thời trang. Ảnh: Brendan Mcdermid/Reuters.

Bà giải thích một số yếu tố dẫn đến căng thẳng ở cửa hàng quần áo bao gồm xếp hàng dài, chuyển động liên tục và rèm phòng thử đồ đôi khi không kín.

Bên trong phòng thử đồ, trải nghiệm càng được khuếch đại. Ánh sáng trắng chiếu rõ từng tấc da, gương tập trung vào các bộ phận trên cơ thể từ những góc nhìn mà mọi người không quen nhìn thấy.

“Đó là không gian nhấn mạnh sự phơi bày. Sự khuếch đại này kích hoạt hiệu ứng kính lúp trong tâm trí, khiến chúng ta soi xét kỹ lưỡng cơ thể của mình”, nhà tâm lý học cho biết.

Việc kiểm tra tỉ mỉ cơ thể có thể dẫn đến các vấn đề về hình ảnh bản thân, mà Silva định nghĩa là mối quan tâm ám ảnh hoặc quá mức về bộ phận nào đó trên cơ thể, mặc dù thực tế không thể nhận thấy. Khi chiếm nhiều không gian và thời gian trong tâm trí, điều này có có thể tạo ra lo lắng, trầm cảm và cô lập xã hội.

Marta Camín, nhà tạo mẫu kiêm người mẫu ngoại cỡ, cho biết: “Khi mua sắm trực tiếp ở cửa hàng, rất khó để tìm thấy đồ cỡ 44 trở lên. Tuy nhiên, cũng có shop quảng cáo quần áo cỡ lớn trên trang web hoặc ứng dụng mua sắm. Một số thương hiệu chuyên về đồ ngoại cỡ lại có giá cao hơn. Thực tế, nhiều cửa hàng không đáp ứng mục tiêu đa dạng”.

Trên sân thượng của quán bar ở quận Lavapíes của Madrid, Mar Gadea (25 tuổi) trò chuyện với vài người bạn về cảm giác khó chịu khi đi mua sắm. Cô thích mua quần áo online hơn để tránh nỗi ám ảnh phòng thử đồ.

“Chúng ta có kích cỡ cơ thể khác nhau mà thử đồ ở cửa hàng đều không vừa, thì kích cỡ được bày ra đó dành cho ai?”, Alba del Campo, (30 tuổi, đến từ Bilbao) bức xúc.

Cô nói thêm: “Những tấm gương thật kinh khủng, hình ảnh hoàn toàn bị bóp méo. Đôi khi, điều đó có thể dẫn đến việc mua những thứ không thực sự vừa với mình hoặc ngược lại”.

Đẩy mạnh sự đa dạng

Tìm kiếm từ khóa “Zara và các kích cỡ” trên TikTok, kết quả trả về hàng chục video phụ nữ trong phòng thử đồ, cho thấy cỡ nhỏ nhất quá rộng hoặc cỡ lớn nhất cũng không vừa.

Công ty thời trang đa quốc gia này cam kết về sự đa dạng: “Chúng tôi cung cấp nhiều loại kích cỡ và kiểu dáng trong các sản phẩm của mình (ví dụ, dòng sản phẩm denim của hãng cung cấp các kích cỡ từ 32 đến 46). Mục tiêu là tiếp tục không ngừng cải thiện về mặt này. Chúng tôi rất chú ý đến phản hồi từ khách hàng”.

Một lời giải thích khả dĩ cho hiện tượng này là sự chuyển hướng của các công ty sang việc chuẩn hóa dần quy mô.

“Trước đây, chúng ta thường chọn size từ 32 đến 46 trong một cửa hàng. Bây giờ, xu hướng ngày càng hướng tới S, M, L và XL”. Camín giải thích, nhấn mạnh quần áo chuyển từ 8 xuống còn 4 cỡ.

Camín giải thích lý do chính để làm điều này là các thương hiệu thời trang nhanh tiết kiệm tiền bằng cách giảm số lượng cỡ. Việc thiết kế quần áo kích thước nhỏ cũng dễ dàng hơn nhiều so với cỡ lớn hơn.

Ảnh hưởng của mạng xã hội cũng đóng vai trò quan trọng. Cuối năm 2022, đoạn ghi âm của siêu mẫu Bella Hadid, nhân vật được nhiều bạn trẻ coi là người mẫu hàng đầu, lan truyền trên TikTok. Nhiều người dùng chia sẻ để nói về chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt và khen ngợi thân hình mình hạc xương mai một cách kín đáo.

Trong khi đó, những người nổi tiếng lại khoe thân hình thon gọn hơn bao giờ hết trên phần story của Instagram.

Những người mẫu như Bella Hadid đang thu hút sự chú ý trở lại vào thân hình gầy gò nghiện ngập” (heroin chick), gây nên nỗi lo lắng về hình ảnh cơ thể. Ảnh: Luca Tombolini/The New York Times.

Silva nói rằng điều này tạo ra hiệu ứng phản chiếu: “Việc liên tục nhìn thấy những hình ảnh 'hoàn hảo', không thực tế này khiến chúng ta bị ám ảnh về việc đáp ứng các tiêu chuẩn mà chúng ta phải tuân theo”.

Một số cửa hàng quảng cáo bộ sưu tập với hình ảnh của người mẫu ngoại cỡ. Tuy nhiên, quần áo thực tế không vừa với các loại cơ thể khác nhau.

“Họ chỉ đặt nó lên trang bìa để trông đẹp mắt”, Camín giải thích. Cô lưu ý rằng tại Tuần lễ thời trang New York 2023, trong số hơn 2.500 người mẫu, chỉ có 200 người ngoại cỡ.

Tuy nhiên, trong thực tế, mọi chuyện phức tạp hơn. Việc tăng kích cỡ hoặc lượng hàng dự trữ không mang lại lợi nhuận cho ngành thời trang. Mọi thứ thể hiện trên sàn catwalk cũng là điều diễn ra tại các cửa hàng, bao gồm sự lý tưởng hóa về độ gầy gò.

“Thời trang phản ánh xã hội ngày nay và những gì nó sẽ trở thành. Mọi người bị ám ảnh bởi việc phải gầy”, Camín lưu ý.

Một giải pháp khả thi là yêu cầu các thương hiệu lớn sử dụng bảng định cỡ chung cho tất cả cửa hàng và cung cấp các mẫu gần với cơ thể thật của phụ nữ.

Camín giải thích rằng rất khó để tiêu chuẩn hóa các tiêu chí tạo mẫu, cũng không có thương hiệu nào tạo kích cỡ cho tất cả vì họ không sẵn sàng chi tiền làm điều này.

“Những gì chúng ta có thể làm là nâng cao nhận thức rằng mặc đồ cỡ 44 cũng không sao. Béo không xấu, gầy không xấu, vừa cũng không xấu”, cô tiếp tục.

Nhà tạo mẫu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có thêm các cửa hàng chỉ dành cho người ngoại cỡ.

Thiết kế phòng thử đồ đã thay đổi ở một số cửa hàng nhận ra tầm quan trọng của việc cải thiện trải nghiệm của khách hàng. Họ đang bắt đầu lắp đặt hệ thống chiếu sáng có thể điều chỉnh và gương di động.

Trong khi đó, Del Campo, người chuyên về tư vấn hình ảnh cá nhân và doanh nghiệp, ủng hộ việc sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm.

“Chúng ta nên xem nội dung một cách đa dạng, như chủ động tìm kiếm những người mẫu ngoại cỡ mà mình thích. Nếu chỉ xem video hoặc hình ảnh của những người siêu gầy, thuật toán sẽ chỉ cho chúng ta thấy nội dung tương tự”, ông nói.

Tất nhiên, mọi người cũng phải tách cơ thể khỏi tính thẩm mỹ thuần túy và hiểu rằng nó có những chức năng khác quan trọng hơn.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-tan-nhan-cua-phong-thu-do-voi-nguoi-ngoai-co-post1422656.html