Sư sãi và phật tử người Khmer ở Thạnh Phú tạo nên sự khởi sắc cho vùng quê

Xã Thạnh Phú là một 'điểm sáng' về xây dựng nông thôn mới tại huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng). Trong đó, có sự chung sức tích cực của sư sãi và phật tử người Khmer trong việc làm đường giao thông nông thôn, xây dựng trường học, phát triển kinh tế hợp tác, luôn phát huy những giá trị tích cực của tôn giáo…, đã tạo nên sự khởi sắc cho vùng quê này.

Về với vùng quê Thạnh Phú trong tháng 5 này sẽ thấy sự thay da đổi thịt với những ngôi nhà, trường học khang trang cho đến các tuyến đường giao thông đều được nhựa hóa, bê tông hóa. Cùng với đó là những cầu bê tông kiên cố đã được thay thế cho các cây cầu khỉ, cầu tre ọp ẹp thuở nào.

Nhiệt thành xây dựng nông thôn mới

Có thể nói, sau 4 năm đạt chuẩn xã nông thôn mới, bộ mặt vùng quê này càng thêm khởi sắc từ sự chung tay của chính quyền địa phương, người dân và các tổ chức, đoàn thể. Trong đó không thể không kể đến sự chung sức tích cực của các sư sãi và phật tử người dân tộc Khmer trong xã Thạnh Phú.

Một con đường giao thông nông thôn khang trang ở xã Thạnh Phú.

Điển hình là Ban quản trị chùa Prếk On Đơk ở ấp Cần Đước (xã Thạnh Phú) nhiều năm qua luôn phát huy những giá trị tích cực của tôn giáo, góp phần tích cực đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.

Ban quản trị chùa đã có một vị trí vô cùng quan trọng trong việc chung tay cùng chính quyền các cấp vận động phật tử thuộc đồng bào dân tộc Khmer trong xã xây dựng nông thôn mới.

Như Đại đức Lâm Chanh Sầm Nang, với vai trò là Phó trụ trì chùa Prếk On Đơk, đã đứng ra tổ chức cho các sư sãi và bà con phật tử trong bổn đạo chung sức xây dựng nông thôn mới bằng nhiều việc làm, hành động cụ thể.

Đặc biệt là vận động phật tử đóng góp ngày công làm đường giao thông nông thôn với chiều ngang 1m và dài hơn 1.000m, xây dựng 1 cây cầu bê tông ở trong xóm thuộc ấp Phú Hưng (Thạnh Phú), với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng (không kể ngày công lao động).

Đại đức Lâm Chanh Sầm Nang chân tình chia sẻ: “Sư làm “cầu nối” vận động mạnh thường quân bắt tay mua vật liệu làm đường giao thông nông thôn. Ban đầu có từ 20 - 30 vị sư sãi trong chùa và bà con phật tử tham gia làm đường. Hiểu được ý nghĩa trong việc làm cầu - đường, không chỉ sư sãi mà bà con phật tử ở đây ai cũng cảm thấy vui mừng và rất hạnh phúc cùng nhau góp công sức”.

Là người dân địa phương, bà Lý Thị Hương cho biết khi thấy sư sãi của chùa Prếk On Đơk góp sức cùng chính quyền địa phương làm đường nông thôn, người dân ai cũng vui mừng. Người có sức thì góp ngày công lao động, còn chị em phụ nữ thì lo chuyện cơm nước. Giờ con đường bê tông và cây cầu trước nhà được đưa vào sử dụng, người dân đi lại thuận tiện, con cháu đi học cũng dễ dàng hơn.

Ngoài việc tham gia xây dựng cầu đường nông thôn, Ban Quản trị chùa Prếk On Đơk còn nguyện hiến 5.000m2 đất để xây dựng Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục Thường xuyên của huyện Mỹ Xuyên.

Sau đó Ban quản trị chùa còn tiếp tục tiếp tục hiến hơn 12.000m2 đất để xây dựng Trường THCS và THPT Dân tộc Nội trú Thạnh Phú, góp phần tích cực cho con em đồng bào dân tộc Khmer và sư sãi được học tập, nâng cao trình độ.

Từ đóng góp của Ban quản trị và phật tử người Khmer ở Prếk On Đơk, ông Sơn Thái Phe, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú, cho biết qua đó đã góp phần tạo ra sự đổi thay lớn trên quê hương trong xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Phe, xã đã có những đổi thay lớn về hạ tầng giao thông nông thôn, giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo xã chỉ còn 2,09%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 55 triệu đồng/người/năm.

Phát huy giá trị tôn giáo

Trong việc phát huy giá trị tôn giáo, chùa Prếk On Đơk luôn được nhắc đến là một trong những ngôi chùa tiêu biểu của Phật giáo Nam tông Khmer ở tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Chùa Prếk On Đơk là một trong những ngôi chùa tiêu biểu của Phật giáo Nam tông Khmerở miền Tây Nam Bộ.

Từ những ngày lễ thuần túy của Phật giáo đến những ngày lễ, hội đặc biệt của người Khmer như: Chôl Chnăm Thmây, Sêne Đôlta, Ok om bok, Lễ dâng y Ka thy nak… đều được diễn ra tại chùa, thu hút đông đảo cộng đồng tham gia.

Thông qua các hoạt động văn hóa truyền thống này giúp cho đồng bào địa phương ở xã Thạnh Phú sống gần gũi và thân thiện, đoàn kết và thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Đây cũng chính là một trong những nét đẹp đoàn kết trong lối sống, văn hóa của người Khmer và là ý nghĩa quan trọng của ngôi chùa Khmer như Prếk On Đơk.

Ngoài ra, ở xã Thạnh Phú còn có chùa Ompuyear là nơi lưu giữ nhiều văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn gắn kết 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa sống hòa thuận cùng chung tay xây dựng quê hương.

Ông Cao Đồ Ra - Trưởng Ban quản trị chùa Ompuyear cho biết: Chùa Ompuyear không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo, gìn giữ văn hóa của dân tộc mà còn được các cấp ủy, chính quyền đánh giá là nơi phát huy tốt vai trò tuyên truyền cho đồng bào Khmer về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động bà con phật tử sống đoàn kết, giúp đỡ nhau và chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Theo Thượng tọa Lâm Sương, Trụ trì chùa Ompuyear: Chùa luôn là trung tâm sinh hoạt văn hóa tôn giáo; là nơi để sư sãi tu học, phật tử thờ phụng, tôn kính theo giáo lý của Đức Phật; là chỗ dựa tinh thần của đồng bào phật tử tìm đến làm từ thiện, cầu mong những điều tốt đẹp. Với sự chung sống hòa thuận, đoàn kết, bà con phật tử 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa đã chung tay xây dựng ngôi chùa khang trang và giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn.

Một HTX tạo việc làm cho 1.200 người

Bên cạnh với phát huy giá trị tôn giáo, trong xây dựng nông thôn mới ở xã Thạnh Phú còn sự chung sức chung lòng của các phật tử người Khmer trong việc tham gia kinh tế hợp tác. Nhất là việc phát triển HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong xã đang phát huy lợi thế và tiềm năng của mình, khi ký kết được hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với giá cao, ổn định.

HTX Tiểu thủ công nghiệp Thanh Phú ở xã Thạnh Phú tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương (trong đó có các phật tử người Khmer).

HTX Tiểu thủ công nghiệp Thanh Phú ở xã Thạnh Phú tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương (trong đó có các phật tử người Khmer).

Điển hình như HTX Tiểu thủ công nghiệp Thanh Phú có trụ sở tại ấp Cần Đước (xã Thạnh Phú), dù mới được thành lập vào năm 2020, nhưng sau hơn 3 năm thành lập đã hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn (trong đó có các phật tử người Khmer).

Điểm đáng nể ở HTX này khi có những thời điểm có nhiều khó khăn (như hồi năm 2021 chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19) nhưng Ban Giám đốc HTX đã năng động nhạy bén, tìm kiếm đối tác, khách hàng để duy trì hoạt động tốt và hiệu quả, sản xuất trên 100.000 sản phẩm lớn, nhỏ xuất bán cho công ty ở các tỉnh Bến Tre, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Tp.HCM đạt doanh thu khoảng 3 tỷ đồng, lợi nhuận đem về khoảng 500 triệu đồng.

Giám đốc HTX Tiểu thủ công nghiệp Thanh Phú - Trần Vũ Phương cho biết: Khi tham gia vào HTX, các thành viên được tập huấn, hướng dẫn và được tạo điều kiện để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, đặc biệt sẽ có cơ hội liên kết nhiều doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, từ đó thu nhập của các thành viên ổn định hơn.

Vào giữa tháng 5/2023, ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã có chuyến khảo sát tại HTX Tiểu thủ công nghiệp Thanh Phú. Ông đánh giá sự nỗ lực của HTX dù gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 nhưng vẫn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho khoảng 1.200 lao động nông thôn.

Ông Lâu cũng đề nghị HTX chủ động, sáng tạo hơn nữa trong sản xuất, kinh doanh, liên kết mở rộng sản xuất, đào tạo nghề cho lao động, góp phần tạo công ăn việc làm, thu nhập cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/su-sai-va-phat-tu-nguoi-khmer-o-thanh-phu-tao-nen-su-khoi-sac-cho-vung-que-1092623.html