Sự nhảm nhí đang lên ngôi?

Sự xúc phạm quá đáng của cô “người đẹp” trên ghế nóng tại một chương trình trò chơi truyền hình đến bậc đàn anh của làng sân khấu đã khiến ông phải bỏ dở sô diễn với nỗi xấu hổ cùng cực và làm dấy lên không ít sự phê phán của dư luận trước sự ứng xử thiếu văn hóa này.

Nghệ sĩ hài Trung Dân tức giận bỏ về vì bị Hương Giang Idol xúc phạm. (Ảnh minh họa)

Đây ắt hẳn là hệ lụy tất yếu khi những showgames, chương trình hài đã đến độ bão hòa và cái cách nói năng thiếu cân nhắc, tán tỉnh hoặc chê bai, “đá xéo” nhau của những “giám khảo”, “thần tượng”, “người của công chúng” cứ thản nhiên diễn ra trước hàng triệu người ngồi tước tivi...

Những người ngồi trên ghế nóng cứ ngỡ mình là thần tượngthực sự với trang phục cầu kỳ, lộng lẫy như ông hoàng, bà chúa thì cứ tưởng nói gì cũng là “khuôn vàng, thước ngọc”, kể cả bảo một người đáng kính “chui đầu vào cầu tiêu” trong một chương trình truyền hình mà vẫn khăng khăng là mình đúng(?!).

Phải thừa nhận một thực trạng là hài trên các chương trình truyền hình của chúng ta đã là quá nhảm mà vẫn chiếm một thời lượng không nhỏ trên sóng.

Có thể có một bộ phận khán giả thích thú với những trò chọc cười này, song sẽ không ít người buộc phải bỏ về như người diễn viên già tự trọng kia hoặc tắt ti vi, không muốn người nhà mình, đặc biệt là trẻ em tiêm nhiễm cái thứ gọi là “nghệ thuật gây cười” đó.

Hãy xem người hề vĩ đại Sác-lô biểu diễn. Cười mà rơi nước mắt, nghĩ lại vẫn cười nhưng đọng mãi trong lòng là sự nhân văn, tình người cao cả. Hoặc, hài kịch Pháp đã lấy tiếng cười, nước mắt và sự say mê của khán giả đến mức nào.

Hãy xem những trích đoạn chèo truyền thống để thấy ông cha ta cười như thế nào trước thế sự đảo điên và thói hư, tật xấu của tầng lớp thống trị.

Chưa xa lắm và ở vào thời đại của chúng ta là những vở hài kịch của Lưu Quang Vũ, giá trị của tiếng cười đắt lắm trong những “Quẫn” hoặc “Bệnh sỹ”.

Rồi xem lại những tiểu phẩm hài hiện tại, xuất hiện nhan nhản trên truyền hình liệu có cười được nữa không và sau cái cười gượng gạo, sinh lý ấy, có làm cho người xem thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, đáng sống hơn hoặc đơn giản có thực sự là giải trí, có vui được không?

Từ hài kịch trên sân khấu với giá trị nghệ thuật đích thực đến các showgames truyền hình là một bước lùi thảm hại. Trở lại với hành vi, cách ứng xử của “người đẹp” trên đây là giọt nước làm tràn ly kiên nhẫn của dư luận, đồng thời, nó cũng phô bày một thực trạng thịnh hành trong giới “showbiz” thường gây các vụ “xì-căng-đan” để đánh bóng, tìm kiếm sự nổi tiếng, kể cả việc hạ nhục người khác.

Dù là cuộc thi tìm kiếm tài năng hay chỉ là một trò chơi trên truyền hình hoặc diễn hài mua vui thì cũng đều thuộc lĩnh vực văn hóa. Văn hóa mà ứng xử không văn hóa, đó vừa là nghịch cảnh, phản cảm và tai họa cho sự giải trí lành mạnh của nền nghệ thuật nước nhà.

Phaly

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/su-nham-nhi-dang-len-ngoi-d43317.html