Sứ mệnh khó khăn

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres vừa có chuyến công du Trung Đông lần đầu kể từ khi nhậm chức. Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới muốn thúc đẩy vai trò trung gian, thổi “làn gió mới”, nhằm khởi động lại tiến trình hòa bình Trung Đông hiện rơi vào bế tắc.

Trong số các điểm dừng chân quan trọng của chuyến công du Trung Đông đầu tiên, Tổng Thư ký LHQ đã tới Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine. Đây là những vùng đất đã chứng kiến cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ qua. Ông Guterres đã gặp cả Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Israel Reuven Rivlin và Thủ tướng Palestine Rami Hamdallah. Tại các cuộc gặp, ông khẳng định, giải pháp hai nhà nước là phương án hợp lý duy nhất cho cuộc xung đột Israel - Palestine và cam kết, LHQ cũng như cá nhân ông sẽ thúc đẩy mạnh mẽ đối với việc hiện thực hóa giải pháp này. Theo ông Guterres, các khu định cư của người Israel là một “vật cản” đối với hòa bình Trung Đông là bất hợp pháp. Tổng Thư ký LHQ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo điều kiện để lãnh đạo các bên bình tĩnh, tránh kích động và bạo lực để tiến tới đàm phán.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine rơi vào bế tắc sau cuộc thương lượng kéo dài chín tháng do Mỹ làm trung gian không tiến triển. Cuộc đàm phán gần đây nhất giữa hai bên đã chấm dứt kể từ tháng 3-2014. Hai bên bất đồng sâu sắc trong nhiều vấn đề như: Đường biên giới, các khu định cư Do thái, tù nhân… Việc Israel tiếp tục theo đuổi chính sách mở rộng khu định cư Do thái trên các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine được cho là một trong những rào cản lớn nhất đối với các cuộc đàm phán. Trong khi đó, ngọn lửa thù hận giữa người Israel và người Palestine vẫn âm ỉ cháy và thỉnh thoảng lại bùng phát thành xung đột tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine.

Tổng Thư ký Guterres mang sứ mệnh không dễ dàng thực hiện trước một “hồ sơ đàm phán” kéo dài và bế tắc. Ngay trước thềm chuyến thăm của ông Guterres tới Israel, các quan chức nước này khẳng định, Tel-Aviv sẽ thẳng thắn đặt câu hỏi về "thành kiến chống Israel" của LHQ. Thứ trưởng Ngoại giao Israel Tzipi Hotovely cảnh báo, nước này có thể sẽ cắt những khoản đóng góp hằng năm cho LHQ nếu tổ chức này không thay đổi cách tiếp cận với Nhà nước Do thái. Hồi tháng 1 vừa qua, Israel đã tuyên bố cắt giảm khoảng sáu triệu USD đóng góp thường niên cho LHQ trong năm 2017, nhằm phản đối nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ lên án các khu định cư của Israel. Tel-Aviv luôn khẳng định lập trường ủng hộ xây dựng các khu định cư Do thái trên các vùng đất chiếm đóng của Palestine. Thủ tướng Israel Netanyahu tuyên bố sẽ không bao giờ phá bỏ bất cứ khu định cư Do thái nào tại khu Bờ Tây. Những phát ngôn này bị Tổng Thư ký Liên đoàn A-rập (AL) coi là “một bằng chứng cho thấy thái độ chống hòa bình của người đứng đầu Chính phủ Israel”. Lập trường cứng rắn của ông Netanyahu được đánh giá là nhằm tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ của các nhà lập pháp Do thái cực hữu, vốn luôn bác bỏ bất cứ sự dàn xếp nào giữa Israel và Palestine dựa trên giải pháp hai nhà nước. Đầu năm nay, Quốc hội Israel đã thông qua dự luật gây tranh cãi nhằm mở đường cho nước này thừa nhận khoảng 3.850 ngôi nhà định cư xây dựng bất hợp pháp trên vùng đất chiếm đóng của người Palestine.

Trong khi đó, dải đất ven biển Gaza của Palestine, vùng lãnh thổ do Phong trào Hồi giáo Hamas kiểm soát và bị Israel áp dụng các biện pháp phong tỏa, đang xảy ra một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất. Sau chuyến thị sát tại Gaza, Tổng Thư ký LHQ Guterres đã kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa vùng đất này. Ông bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước tình hình nhân đạo tại vùng đất vốn đã đông đúc và nghèo đói, nay lại chìm trong tình trạng thiếu điện và nước sạch trầm trọng. Ông Guterres nhấn mạnh, tầm quan trọng của việc chấm dứt các lệnh phong tỏa mà chính quyền Israel đã áp dụng từ nhiều năm nay cũng như việc đóng cửa hầu hết các điểm tiếp xúc biên giới giữa Gaza và Ai Cập.

Nhiều năm qua, bất chấp cản trở từ phía Israel, người Palestine luôn theo đuổi quyết tâm thành lập một nhà nước độc lập với thủ đô là Đông Jerusalem và các đường biên giới từ trước cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967. Trọng tâm của các nỗ lực ngoại giao quốc tế hiện nay là hướng tới đạt giải pháp hai nhà nước cho cả Israel và Palestine. Chuyến thăm Trung Đông của Tổng Thư ký LHQ chứng tỏ cam kết của tổ chức này đối với giải pháp nêu trên.

BẢO ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/33960102-su-menh-kho-khan.html