Sứ mệnh khắc phục “thâm hụt niềm tin”

(Toquoc)-Ba sứ mệnh của ông Tập Cận Bình, các hồ sơ nóng của phía Mỹ, bên cạnh tạo dựng mối quan hệ cá nhân. Cả hai phía đều dốc sức chuẩn bị cho chuyến thăm đạt được thành công tốt đẹp. Sự thay đổi lãnh đạo ở Trung Quốc là thời điểm thuận lợi để cài đặt mối quan hệ Mỹ-Trung, làm cho quan hệ ấy nếu không tốt lên thì cũng không xấu đi.

Trong khoảng hai thập kỷ vừa qua, dường như đã trở thành một tập quán, Trung Quốc là sân khấu chính trị-ngoại giao của các tổng thống Mỹ trong năm đầu nhậm chức. Còn Mỹ là sân khấu chính trị-ngoại giao của các nhà lãnh đạo sắp ngồi vào chiếc ghế quyền lực tối cao ở Trung Quốc: Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào. Và lần này – ông Tập Cận Bình.

Từ ngày 13-22/2, Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhân vật được xem là người kế nhiệm Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc 18 cuối năm 2012, sẽ đến thăm chính thức Washington giữa lúc Trung Quốc và Mỹ bộc lộ các bất đồng lớn về các vấn đề Syria và Tây Tạng, đồng thời, đang diễn ra những cuộc tranh luận kịch liệt trên chính trường nước Mỹ về chính sách Trung Quốc.

Sau chặng dừng chân nước Mỹ, ông Tập Cận Bình sẽ thăm Ireland và Thổ Nhĩ Kỳ. Mục đích của chuyến thăm Mỹ là giới thiệu ông với nước Mỹ và phần còn lại của thế giới. Tháng 5/2002, ông Hồ Cẩm Đào thăm Mỹ 5 tháng trước khi lên nắm giữ chức vụ người lãnh đạo tối cao của Trung Quốc. Một câu hỏi thường gặp trên các phương tiện truyền thông Mỹ ngày ấy: “Hồ Cẩm Đào là ai?”

Người Mỹ lần này cũng muốn tìm hiểu “Tập Cận Bình là ai”? Các quan điểm về Trung Quốc, về thế giới và về nước Mỹ là thế nào? Chỉ có điều, lần này, người Mỹ còn phải đặt vào bàn cân chính trị của họ một quốc gia trọng lượng đã vượt xa cái thời Phó Chủ tịch Hồ Cẩm Đào; khi sự hợp tác Mỹ-Trung sâu rộng hơn, nhưng kình địch cũng hết sức sâu sắc. Thế giới đã thay đổi to lớn, còn quan hệ tương tác Mỹ-Trung đang được điều chỉnh đến phần gốc rễ.

Phó Chủ tịch Tập Cận Bình hướng dẫn ông Biden thăm Cố Cung, trong chuyến thăm Trung Quốc của Phó Tổng thống Mỹ năm 2011

Chuyến đi này của ông Tập Cận Bình là nhằm nâng cao hình ảnh quốc tế của ông, thể hiện phong cách của nhà lãnh đạo thế hệ thứ năm của Trung Quốc.

Trong lần tiếp Phó Tổng thống Mỹ Biden thăm Trung Quốc năm ngoái, theo bài bình luận của tạp chí Mỹ Newsweek số ra tuần vừa rồi, hai ông đã giành khá nhiều thời gian đàm đạo. Ông Tập Cận Bình đã không che giấu việc không tán thành Cuộc cách mạng Văn hóa hồi những năm 1960, mà một số nhận xét của ông, người phiên dịch của phía Trung Quốc đã “không dám dịch”.

Tới Mỹ lần nay, ông Tập Cận Bình có ba sứ mệnh. Các nhà lãnh đạo Trung Nam Hải muốn hâm nóng tình cảm Trung-Mỹ, khi chuyến thăm của Phó Chủ tịch Trung Quốc diễn ra vào đúng dịp kỷ niệm 40 năm ngày Tổng thống MỹRichard Nixon thăm Trung Quốc, ký Thông cáo Thượng Hải, dẫn tới việc thiết lập văn phòng liên lạc và năm 1979 thiết lập quan hệ ngoại giao. Năm nay, cả hai nước đều có bầu cử: Trung Quốc tiến hành thay đổi lãnh đạo, Mỹ bầu cử tổng thống. Bắc Kinh còn mong muốn thông qua chuyến thăm tăng cường hiểu biết hơn nữa các vấn đề chiến lược, giữa lúc Mỹ đang chuyển trọng tâm vào châu Á-Thái Bình Dương, với các hồ sơ “nóng”, như hạt nhân Triều Tiên, Biển Đông, biển Hoa Đông, Đài Loan...

Cái danh sách những điều Mỹ muốn nêu vào dịp này không phải là ngắn: Vấn đề hạt nhân Triều Tiên, vấn đề Iran; Mỹ cũng muốn đóng một vai trò trung gian trong vấn đề Biển Đông; vấn đề tỉ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ, về cách hành xử của Trung Quốc trong vấn đề bản quyền, việc Trung Quốc trợ cấp lớn cho các doanh nghiệp nhà nước - điều này được phía Mỹ xem là ngăn chặn xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc và làm giảm cơ hội của các công ty Mỹ.

Điều có thể hình dung được, ông Tập Cận Bình sẽ giữ vững các quan điểm chính sách lâu dài của Trung Quốc, sẽ ít bày tỏ các quan điểm mới khi chưa có được vị trí lãnh đạo một cách vững chắc. Người nói cứ nói, người nghe cứ nghe.

Có lẽ, không nên đặt quá nhiều hy vọng vào kết quả của một chuyến đi. Trên hết, đối với cả hai phía, chuyến thăm lần này của ông Tập Cận Bình nhằm tạo dựng mối quan hệ cá nhân giữa các nhà lãnh đạo hai nước. Điều này rất cần thiết đối với việc xử lý các mối quan hệ song phương quan trọng bậc nhất thế giới trong những thập kỷ tiếp theo của thế kỷ 21. Mối quan hệ này đang trong “tình trạng thâm hụt niềm tin”, như lời Thứ trưởng Ngoại giao Thôi Thiên Khải trong cuộc phỏng vấn trên trang mạng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 7/2.

Trong phát biểu tại bang Florida ngày 6/2, Phó Tổng thống Biden nói rằng trong 20 năm tới, Trung Quốc sẽ không thể duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện nay do sức ép về tỉ lệ sức lao động già ngày càng nghiêm trọng. So với vấn đề dân số già mà Trung Quốc phải đối mặt, vấn đề tài chính Mỹ sẽ ít nghiêm trọng hơn nhiều; Mỹ hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề tài chính này.

Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ hội kiến với ông Tập Cận Bình vào ngày Lễ Tình nhân 14/2, đúng thời điểm ứng viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa đang công kích mạnh mẽ Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình sẽ nhận được một món quà đặc biệt: cuốn album về chuyến thăm Mỹ năm 1980 của ông Tập Trọng Huân, thân phụ của ông. Được biết, hiện con gái ông Tập Cận Bình là Tập Minh Trạch đang du học tại Đại học Harvard, vợ cũ của ông hiện đang định cư tại Anh, chị gái định cư tại Canada…

Cả hai phía đều dốc sức chuẩn bị cho chuyến thăm của Phó Chủ tịch Tập Cận Bình đạt được thành công tốt đẹp. Sự thay đổi lãnh đạo ở Trung Quốc là thời điểm thuận lợi để cài đặt mối quan hệ Mỹ-Trung, làm cho quan hệ ấy nếu không tốt lên thì cũng không xấu đi./.

Nguyễn Ngọc Trường

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/Sites/vi-vn/details/6/y-kien-binh-luan/101721/su-menh-khac-phuc-tham-hut-niem-tin.aspx