Sự kiên định, linh hoạt sách lược ngoại giao 'Cây tre Việt Nam'

Qua 37 năm đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, từng bước phá thế bao vây, cấm vận, tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở; uy tín, vị thế của Đảng, Nhà nước, thế và lực của đất nước không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, trong hoạt động đối ngoại, Việt Nam luôn là mục tiêu chống phá của các thế lực phản động, thù địch. Vì vậy, cần phải kiên định về nguyên tắc và linh hoạt về sách lược trong đường lối ngoại giao “Cây tre Việt Nam” - Một nền đối ngoại, ngoại giao hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam.

Độc đáo sách lược đối ngoại

Nhìn vào lịch sử dân tộc, trong suốt thời kỳ chiến tranh giành độc lập dân tộc, cũng như trong thời kỳ hòa bình, hoạt động đối ngoại luôn là một mặt trận có vai trò vô cùng quan trọng, góp phần tạo nên những thắng lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; tạo lối, mở đường, từng bước phá thế bao vây, cấm vận, khơi thông quan hệ với nhiều đối tác, mở ra cục diện mới cho công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện.

Thắng lợi đó đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc kết tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc năm 2021: “Chúng ta đã xây dựng nên một trường phái Đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”, “Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển””[1].

Những thành tựu qua 93 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng đã khẳng định sự đúng đắn của việc xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao mang đặc sắc văn hóa riêng của Việt Nam đó là: “Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt””[2]. Nét đặc sắc đó, thể hiện sự kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, vừa đảm bảo vai trò, vị thế của đất nước nhưng vẫn xử lý hài hòa được các mối quan hệ với các đối tác, đảm bảo những điều kiện thuận lợi nhất cho đất nước phát triển.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đánh giá: “Quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục mở rộng và đi vào chiều sâu, tạo khung khổ quan hệ ổn định và bền vững với các đối tác. Chủ động tham gia xây dựng các nguyên tắc, chuẩn mực trong các thể chế đa phương khu vực và toàn cầu; xử lý đúng đắn, hiệu quả quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác khác. Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân được triển khai đồng bộ và toàn diện”[3].

Lợi ích Quốc gia, Dân tộc trên hết

Trong thời điểm hiện nay, bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, sự cạnh tranh của các nước lớn, cạnh tranh các nguồn lực để phát triển; các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống nổi lên ngày càng gay gắt; đường lối đối ngoại luôn kiên định mục tiêu chiến lược là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, với những giải pháp mang tính chủ động, linh hoạt, khôn khéo nhằm biến các thách thức thành cơ hội. Đồng thời, tận dụng các xu thế hòa bình, hợp tác đem lại lợi thế cho sự nghiệp phát triển đất nước, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Đó là đường lối đối ngoại đúng đắn, kế thừa những thành tựu đạt được, linh hoạt, sáng tạo đã và đang phát huy những giá trị, bản sắc ngoại giao Việt Nam.

Cũng như các lĩnh vực khác, hoạt động ngoại giao Việt Nam luôn là mục tiêu chống phá của các thế lực phản động, thù địch. Là một quốc gia có vị trí chiến lược rất quan trọng, tiềm năng phát triển lớn, nên Việt Nam là tâm điểm chú ý từ nhiều phương diện, mang lại thời cơ và thách thức, thậm chí cả những áp lực. Tuy nhiên, với đường lối đối ngoại đúng đắn, sáng tạo, Việt Nam đã xử lý hài hòa, hợp lý các mối quan hệ trên nguyên tắc nhất quán độc lập, tự chủ; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.

Kiên định nguyên tắc - Linh hoạt sách lược

Trong đường lối đối ngoại, Việt Nam luôn đứng vững trên đôi chân độc lập, tự chủ; luôn kiên định trong nguyên tắc và linh hoạt trong sách lược. Nguyên tắc là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, còn sách lược là cơ động, linh hoạt điều chỉnh tùy theo từng vấn đề, từng thời điểm và tùy theo đối tượng hay đối tác, tuân thủ tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh là “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, “Thêm bạn bớt thù”, “Sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai”.

Trong hoạt động đối ngoại, Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia. Điều này thể hiện rất rõ trong các nghị quyết, văn kiện đại hội Đảng, thực tiễn sinh động của đất nước qua 37 năm đổi mới và vị thế, uy tín, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao.

Tất cả điều này khác xa những gì mà các thế lực phản động, thù địch đang ra sức rêu rao cho rằng Việt Nam ngả nghiêng phe này, nước kia; rằng Việt Nam “mơ hồ”, “không kiên định”, “lạc lõng”...

Thật phi lý, nếu đường lối đối ngoại không đúng đắn, thì vì sao Việt Nam thiết lập được những mối quan hệ, mà trong đó có sự khác biệt về thể chế được tôn trọng? Vì sao Việt Nam được hầu hết các nước tín nhiệm bầu vào Hội đồng Bảo an, Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc - một cơ chế đa phương lớn nhất hành tinh, bất chấp nhiều thành viên trong đó đã từng va chạm với Việt Nam trong quá khứ?

Bỏ qua những mâu thuẫn trong các luận điệu này, hãy nhìn vào thực tế năm 2019, Việt Nam thu hút sự quan tâm của toàn thế giới khi cả Mỹ và Triều Tiên thống nhất chọn Việt Nam là nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai. Mặc dù, giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn còn nhiều sự khác biệt, nhưng cả hai đều có một điểm chung mà họ tìm thấy lẫn nhau đó là sự tin tưởng vào Việt Nam một chủ nhà cởi mở, thân thiện và là sứ giả mang thông điệp hòa bình. Ngoài ra, Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn và hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế quan trọng... Tất cả những điều đó đã minh chứng cho đường lối đối ngoại đúng đắn của Việt Nam.

Tóm lại, tình hình thế giới hiện nay đang có nhiều chuyển biến nhanh chóng, khó lường. Để hoàn thành các mục tiêu lớn mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, đòi hỏi chúng ta phải kiên định về nguyên tắc và linh hoạt về sách lược trong thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo đảm chủ quyền quốc gia; làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn, xuyên tạc, chống phá của các thế lực phản động, thù địch đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; quyết tâm xây dựng và phát triển một nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc, góp phần xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường và thịnh vượng./.

Nguyễn Thị Ngọc Tuyết Phương

[1] Xem https://baochinhphu.vn/ toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu[1]nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-doi[1]ngoai-toan-quoc-102305526.htm.

[2] Xem https://baochinhphu.vn/ toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu[1]nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-doi[1]ngoai-toan-quoc-102305526.htm.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.69.

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/su-kien-dinh-linh-hoat-sach-luoc-ngoai-giao-cay-tre-viet-nam--a30804.html