Sự kiện bí ẩn trên bầu trời Oahu

1 năm sau cuộc tấn công của Phát xít Nhật vào Trân Châu Cảng, sáng 8/12/1942 mạng lưới radar cùng một số phi công thuộc Hải quân Mỹ trên đảo Oahu đã chứng kiến một chuyện kỳ lạ mà đến nay, câu hỏi vẫn không lời giải đáp…

1. Lúc ấy là 9 giờ 45 phút sáng 8/12/1942, kíp trực radar ở phía tây đảo Oahu, Trân Châu Cảng gồm trung sĩ Andrew Jackson, trung sĩ Martin Moore và hạ sĩ Williams Blackburn phát hiện trên màn hình một máy bay đang hướng về phía họ. Do trận tập kích của không quân phát xít Nhật xảy ra 1 năm trước vẫn còn in sâu trong tâm trí mà hậu quả là 3.402 lính Mỹ chết, 1.218 người bị thương, 19 tàu bị đánh đắm hoặc hư hỏng nặng, 188 máy bay bị phá hủy nên cả ba một mặt tập trung theo dõi, mặt khác báo cho chỉ huy lực lượng Hải quân Mỹ ở Oahu. Theo trung sĩ Andrew Jackson, thời tiết lúc ấy nhiều mây, gió thổi mạnh, hoàn toàn không phù hợp cho một cuộc tấn công của không quân Nhật nên theo suy luận của họ, chiếc máy bay mà họ nhìn thấy có thể làm nhiệm vụ trinh sát.

Chiếc P-40 số hiệu 397 lúc rơi xuống đảo Oahu, Trân Châu Cảng.

Ngay khi nhận được thông báo, chỉ huy lực lượng không quân thuộc Hải quân Mỹ ở Oahu ra lệnh cho 2 máy bay tiêm kích P-51 Mustang lên đánh chặn nhưng lúc đến gần máy bay lạ, phi công trên 2 chiếc P-51 nhận ra rằng trước mắt họ là chiếc Curtiss P-40 Warhawk số hiệu 397 của Không quân Mỹ. Phi công Ferguson kể: “Trên thân chiếc P-40 có sơn phù hiệu là một vòng tròn màu xanh, bên trong có ngôi sao trắng, giữa có vòng tròn đỏ, cạnh đó là con số 397 nhưng phù hiệu này đã không còn được sử dụng từ khi vụ Trân Châu Cảng nổ ra nên tôi rất ngạc nhiên. Gọi về sân bay để báo cáo, chỉ huy phi đoàn của chúng tôi là đại tá Robert L. Scott. Jr cũng chẳng biết giải thích thế nào nên ông ấy nói “cứ để nó hạ cánh rồi tính”.

Bay gần hơn nữa, phi công Ferguson phát hiện thân chiếc P-40 bị thủng nhiều lỗ do trúng đạn còn bộ bánh xe cất hạ cánh hầu như đã biến mất. Trung úy Bob, phi công trên chiếc P-51 Mustang bay cạnh Ferguson kể: “Tôi thấy phi công ngồi gục đầu trong buồng lái. Áo anh ấy dính đầy máu nhưng thật kỳ lạ, khi tôi bay song song với anh ấy thì bất ngờ anh ấy ngước nhìn tôi rồi đưa tay lên chào. Và trong khi tôi chưa kịp ra dấu cho anh ấy tìm cách hạ cánh thì chiếc P-40 đã lao xuống đất…”.

Khoảng 30 phút, các đội cứu nạn tiếp cận vị trí máy bay rơi. Hình ảnh tại hiện trường cho thấy nó bị gãy mất phần đuôi và một bên cánh phải còn bộ bánh xe biến mất hoàn toàn. Thay vào đó là 3 thanh gỗ ở giữa bụng và hai bên cánh nhưng điều lạ lùng là họ không hề thấy xác phi công mặc dù phạm vi tìm kiếm đã mở rộng với bán kính 25km. Hai vật chứng duy nhất mà họ thu được là một chiếc đồng hồ loại dành riêng cho phi công cùng một cuốn nhật ký hành quân, nội dung ghi chép chứng tỏ chiếc Curtiss P-40 Warhawk số hiệu 397 do thiếu úy W. Sherrill cầm lái, xuất phát từ căn cứ Mindanao, Philippines, cách Trân Châu Cảng 2.300km!

Cũng cần nói thêm rằng máy bay Curtiss P-40 Warhawk nếu đổ đầy xăng thì chỉ có thể bay tối đa trên quãng đường 1.100km. Như vậy, nếu bay từ Mindanao, Philippines đến Oahu thì phi công bắt buộc phải tiếp nhiên liệu 2 lần, một ở sân bay dã chiến trên đảo Palau và hai là sân bay ở quần đảo Marshall nhưng qua xác minh, cả Palau lẫn Marshall đều cho biết trong các ngày từ 4/12 đến 8/12/1942, họ đều không tiếp nhận bất cứ máy bay P-40 nào hạ cánh. Tiếp tục tìm hiểu, họ được biết cũng trong thời gian này, chẳng có tàu sân bay nào của Mỹ hoạt động trên đường bay của chiếc P-40 và nếu có chăng nữa, P-40 cũng không thể đáp xuống vì nó không có móc hãm, là thiết bị hạ cánh xuống tàu sân bay.

Ảnh chụp toàn bộ phi đội 12 nơi Sherrill là thành viên nhưng không hề có mặt ông.

2. Trước sự việc lạ lùng ấy, Hải quân Mỹ mở cuộc điều tra, bắt đầu từ sân bay Mindanao, Philippines. Tại nơi này, họ được hạ sĩ Bill Stout, làm nhiệm vụ sửa chữa những chiếc thuyền tuần tra cho biết khoảng 8 giờ sáng ngày 7/12/1942, nghĩa là đúng thời điểm Trân Châu Cảng bị tấn công 1 năm trước, ông cùng các bạn đồng ngũ nhìn thấy một chiếc máy bay ở độ cao rất thấp. Lúc nó đến gần, mọi người nhận ra nó là chiếc P-40, số hiệu 397. Theo lời Stout, ông còn thấy phi công nghiêng cánh 3 lần - là dấu hiệu chào. Stout nói: “397 mang đầy bom dưới thân. Tất cả chúng tôi đều vẫy tay reo hò vì đó không phải là máy bay Nhật nhưng ai cũng tự hỏi P-40 sẽ làm gì khi mà nó đơn độc giữa trời”.

Vẫn theo hạ sĩ Bill Stout, sau khi nghiêng cánh chào, chiếc 397 bay về hướng Đông, là hướng Trân Châu Cảng. Các nhân viên phụ trách radar cho biết họ cũng ghi nhận sự xuất hiện của 397 trên màn hình nhưng họ không liên lạc với nó còn trạm radar ở quần đảo Marshall và đảo Palau thì nói rằng 397 không bay về hướng này.

Người thứ 2 được các điều tra viên Hải quân tìm gặp là đại tá Robert L. Scott. Jr, chỉ huy phi đoàn P-40 ở Mindanao, Philippines. Ông cho biết sáng ngày 7/12/1942, kỷ niệm 1 năm cuộc tấn công Trân Châu Cảng, ông ra lệnh cho 3 máy bay P-40 thuộc phi đội 12 cất cánh tuần tra, trong đó có chiếc 397. Hơn 1 tiếng sau, bộ phận tác chiến cho ông biết chiếc 397 do thiếu úy Sherrill cầm lái đã tấn công một sân bay Nhật trên vùng biển đảo San Hô, phá hủy ít nhất 3 máy bay. Và do bị máy bay Nhật đánh chặn, bắn hỏng bộ bánh đáp nên Sherrill gọi về cho biết sẽ bay đến địa điểm gần nhất là sân bay Formosa, đảo Đài Loan (Trung Quốc), nơi trú đóng của một bộ phận không quân Quốc Dân đảng Trung Quốc kháng chiến chống Nhật rồi tìm cách hạ cánh. Thiếu tá Cromwell, chỉ huy điều tra vụ P-40 cho biết việc kiểm tra hồ sơ quân ngũ của các phi công ở Mindanao, Philippines lại càng gây ra sự ngạc nhiên: Không hề có bất kỳ một giấy tờ gì của thiếu úy phi công W. Sherrill. Trả lời các điều tra viên, đại tá Robert L. Scott. Jr. nói: “ Tôi biết trong phi đoàn của tôi có phi công Sherrill nhưng tôi không giữ hồ sơ lý lịch của anh ta vì đó là nhiệm vụ của bộ phận nhân sự”.

Làm việc với bộ phận quản lý nhân sự, các điều tra viên được biết Phi đoàn P-40 ở Mindanao có 57 phi công cùng hơn 100 thợ máy, kỹ thuật viên, chuyên viên bom đạn nhưng không ai tên là W. Sherrill mặc dù các phi công đều khẳng định Sherrill đã bay chung, ăn chung, ngủ chung với họ. Kiểm tra giường ngủ và tư trang của Sherrill, các điều tra viên chỉ thấy vài bộ quần áo bay, quần áo ngủ, 4 áo sơ mi, 3 quần dài dân sự, mấy đôi vớ và đồ lót nhưng tuyệt nhiên không hề có thư từ, nhật ký, hình ảnh như thường thấy ở các phi công khác. Thiếu tá Cromwell, chỉ huy đội điều tra nói: “Anh chàng Sherrill này là ai? Chẳng lẽ anh ta là người vô hình? Làm cách nào mà anh ta có thể sống, bay, chiến đấu cùng đồng đội nhưng không hề có một cái gì để chứng tỏ anh ta có thật. Tất cả phi công trong Phi đoàn P-40 có rất nhiều hình ảnh chụp chung với nhau nhưng không một tấm hình nào có mặt Sherrill. Cái quái gì đang xảy ra vậy?”.

Về phía Bộ Chiến tranh và Hải quân Mỹ, những thông tin về Sherrill được phổ biến rộng rãi trên toàn nước Mỹ, đề nghị những ai là thân nhân của thiếu úy phi công Sherrill, hiện đang tham chiến ở mặt trận Thái Bình Dương hãy nhanh chóng liên hệ với bộ phận quân lực của hải quân để cung cấp chi tiết về con người này. Kết quả là họ nhận được hàng nghìn hồi đáp nhưng sau khi xác minh, họ tên W. Sherrill thì đúng nhưng không có ai trong số đó là thiếu úy phi công ở Thái Bình Dương!

Chiếc đồng hồ được cho là của Thiếu úy Sherrill.

3. Song song với việc điều tra ở Mindanao, một đội điều tra khác đến sân bay Formosa, Đài Loan (Trung Quốc). Theo 3 thợ máy là Ching Qian, Wong và Yu Fat thì chiếc P-40 phải hạ cánh bằng bụng nhưng không hư hỏng nặng ngoại trừ cánh quạt bị cong, lớp vỏ nhôm dưới bụng móp méo, một bên cánh bị mất phần đầu. Sau khi xem xét tình trạng máy bay, Sherrill đề nghị sân bay Formosa sửa chữa giúp ông để ông có thể trở về căn cứ Mindanao. Thợ máy Yu Fat nói: “Cánh quạt P-40, vỏ nhôm chúng tôi có sẵn để thay thế nhưng bộ bánh xe thì không, phải yêu cầu Trân Châu Cảng gửi đến”.

Khi biết ít nhất 10 ngày nữa mới có được bộ bánh xe, phi công Sherrill nảy ra ý định: Bằng cách yêu cầu các kỹ thuật viên ở Formosa lắp cho ông 3 bộ ván trượt từ những ống tre, 1 ở dưới bụng còn 2 bộ kia ở 2 bên cánh, Sherrill biến chiếc P-40 thành thủy phi cơ! Vẫn thợ máy Yu Fat kể lại: “Tre là vật liệu có sẵn trên đảo nên chỉ hơn ba ngày, chúng tôi đã làm xong. Tuy nhiên chúng tôi cũng báo cho phi công Sherrill biết việc cố định 3 bộ ván trượt hoàn toàn không chắc chắn, nó có thể rơi ra bất cứ lúc nào nếu gặp gió mạnh nhưng ông ấy vẫn nhất quyết lên đường”.

Và thế là trưa ngày 8/12/1942, sau khi nhờ một cần cẩu đặt chiếc P-40 xuống biển, Sherrill khởi động máy rồi tăng tốc. Chiếc máy bay lướt đi rồi cất cánh một cách khó nhọc. Chứng cứ duy nhất về chiếc P-40 với bộ càng đáp quái dị được phi công George Osborn lái chiếc thủy phi cơ Catalina thuộc phi đội trinh sát số 54 ở Formosa ghi lại bằng máy chụp hình lúc nó cất cánh nhưng trưa hôm sau, trong một phi vụ tuần tra như thường lệ, Osborn đã vô ý làm rơi máy chụp hình xuống biển khi nhoài người ra cửa buồng lái để chụp một bầy cá heo!

Từ đó chẳng ai còn biết gì về chiếc P-40 nữa. Trung úy Cadwell, phụ trách radar ở quần đảo Marshall nói: “Có lẽ do bộ cất hạ cánh không bảo đảm an toàn nếu gặp gió mạnh nên phi công Sherrill phải bay ở độ cao rất thấp, nằm dưới tầm quét của radar nên chúng tôi không thể nhìn thấy”. Các tài liệu từ phía Nhật Bản mà người Mỹ thu được sau chiến tranh xác nhận một tàu khu trục của họ đã nhìn thấy một máy bay Mỹ với bộ bánh xe cất hạ cánh rất kỳ lạ, bay từ hướng Formosa, lướt ngang tàu họ.

Thế chiến II kết thúc, hồ sơ về chiếc P-40 số hiệu 397 và phi công Sherrill được xếp lại với vô số câu hỏi không lời giải đáp, kéo dài đến tận ngày nay: Vì sao ngày 8/12/1942 kíp trực radar ở phía tây đảo Oahu, Trân Châu Cảng gồm trung sĩ Andrew, trung sĩ Martin và hạ sĩ Williams phát hiện chiếc 397 trên màn hình radar, và 2 phi công Ferguson, Bob trên 2 chiếc P-51 đã tận mắt nhìn thấy phi công Sherrill trong lúc ngày 7/12/1942, chiếc P-40 và Sherrill vẫn còn ở Mindanao, cách Oahu 3.200km, chưa kể Sherrill còn phải mất thêm 5 ngày ở sân bay Formosa để sửa chữa máy bay và làm bộ càng đáp? Cả 3 thợ máy là Ching Qian, Wong và Yu Fat ở Formosa đều cùng khẳng định: “Có chém chết chúng tôi vẫn xác nhận rằng chúng tôi là người đã giúp cho phi công Sherrill cất cánh. Ngoại trừ ban đêm và lúc đến nhà ăn, còn thì anh ấy luôn ở cạnh chúng tôi, theo dõi công việc chúng tôi làm. Anh ấy là người thật chứ không phải là hồn ma bóng quế”.

Hiện tại, xác chiếc P-40 số hiệu 397 vẫn được trưng bày ở Bảo tàng Không quân thuộc Hải quân Mỹ ở San Diego, bang California nhưng Sherrill là ai và bằng cách nào ông bay từ Mindanao, rồi Formosa đến Oahu chỉ trong 1 ngày thì không trả lời được. Thiếu tá Cromwell, chỉ huy điều tra vụ P-40 nói: “Có vẻ như Sherrill bước ra từ hư vô và đã trở về với hư vô. Thế giới này còn nhiều điều bí ẩn mà chúng ta chưa thể giải thích mặc dù về khoa học kỹ thuật, nhân loại đã tiến một bước dài…”.

Vũ Cao (Theo War History)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/su-kien-bi-an-tren-bau-troi-oahu-i699657/