Sự hiện diện với nhiều mục tiêu

Tuần trước, Ảrập Xêút đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày tại Jeddah nhằm thảo luận về quá trình thúc đẩy hòa bình ở Ukraine. Gần 40 quốc gia đã tham dự, bao gồm Mỹ, Ấn Độ và hàng chục quốc gia trên khắp châu Âu; nhưng sự hiện diện của một quốc gia đã làm dấy lên kỳ vọng về một bước đột phá - Trung Quốc.

Sẵn sàng đóng vai trò tích cực hơn

Sự hiện diện của Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh thảo luận về quá trình thúc đẩy hòa bình ở Ukraine tổ chức tại Jeddah, Ảrập Xêút gây sự chú ý là bởi nước này từng từ chối tham gia một cuộc họp tương tự ở Copenhagen, Đan Mạch vào cuối tháng 6. Theo chuyên gia, sự có mặt của Trung Quốc lần này là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng đóng một vai trò tích cực hơn trong tiến trình hòa bình. Nhưng việc xem xét bối cảnh xung quanh hội nghị thượng đỉnh Jeddah cho thấy còn nhiều mục tiêu khác cho sự tham dự của Trung Quốc.

Phái đoàn Trung Quốc tham dự Hội nghị hòa bình ở Jeddah. Ảnh: AFP

Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Ukraine vào tháng 2.2022, Trung Quốc luôn tránh bất cứ động thái gì có thể làm tổn hại đến tính trung lập của họ hoặc buộc họ phải đứng về một phía một cách rõ ràng. Nguyên tắc trung lập này là lý do khiến Trung Quốc không tham dự cuộc họp tháng 6, vì Đan Mạch là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.

Mặc dù NATO không có chiến tranh trực tiếp với Nga, nhưng sự hỗ trợ quân sự của họ đối với Ukraine đã mang lại cho Điện Kremlin cơ sở để tuyên bố sự tham gia của NATO. Đối với Trung Quốc, tham dự cuộc họp Copenhagen mà không có sự tham gia của Nga sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh khách quan của mình.

Để so sánh, Ảrập Xêút, một trong những cường quốc bậc trung hàng đầu ở Nam bán cầu, là một nước trung gian hòa giải dễ chấp nhận hơn theo quan điểm của Trung Quốc. Mặc dù Riyadh đã bỏ phiếu ủng hộ một số nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) lên án Nga và yêu cầu chấm dứt chiến tranh. Nhưng họ cũng đã bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu năm 2022 để đình chỉ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ, và hai nước gần đây đã phối hợp nhiều hơn trong việc kiểm soát sản xuất dầu và nguồn cung dầu thô toàn cầu. Đây là những lý do khiến vương quốc này trở thành một đối tác tự nhiên hơn đối với Bắc Kinh.

Tầm quan trọng của mối quan hệ song phương

Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng thể, sự hiện diện của Bắc Kinh tại Hội nghị Hòa bình ở Ảrập Xêút mang nhiều mục đích hơn là tìm kiếm một giải pháp hòa bình.

Đầu tiên, tham gia hội nghị thượng đỉnh Jeddah là vì Trung Quốc mong muốn tiếp tục củng cố mối quan hệ với Riyadh, vốn đã có nhiều bước đột phá kể từ chuyến công du của Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 11 năm ngoái.

Trung Quốc đang tìm cách làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ với Ảrập Xêút, vốn được thúc đẩy bởi những lợi ích chính trị, năng lượng và thương mại. Do đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng họ có thể được vương quốc yêu mến hơn bằng cách hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao của Riyadh đối với tiến trình hòa bình ở Ukraine.

Ngay cả khi tính toán đó không thực sự mang lại hiệu quả nào trên thực tế thì việc tham dự các cuộc đàm phán cũng không khiến Trung Quốc bị ảnh hưởng. Một hội nghị hòa bình vào thời điểm này chỉ là một diễn đàn để thảo luận, không phải là một diễn đàn để hành động bởi Nga, một trong hai chủ thể chính trong vấn đề hòa bình ở Ukraine không tham dự. Ngay cả khi đã đạt được sự đồng thuận giữa các quốc gia tham dự, thì cả Ảrập Xêút và các vị khách của họ đều không thể áp đặt ý muốn của họ lên Nga. Theo nghĩa đó, hội nghị thượng đỉnh Jeddah đặt Ảrập Xêút làm trung gian hòa giải nhưng không mang đến ảnh hưởng tiêu cực nào cho lợi ích của Trung Quốc.

Đối với Bắc Kinh, bất kỳ nỗ lực “trung lập” nào nhằm theo đuổi hòa bình và ổn định đều phải được tôn trọng. Hội nghị thượng đỉnh hòa bình vừa qua có thể được coi là một trong những nỗ lực như vậy với sự tham gia và quan điểm đa dạng được đại diện. Giờ đây, Trung Quốc đã ủng hộ nỗ lực của Ảrập Xêút, sẽ không có gì ngạc nhiên khi Bắc Kinh yêu cầu Riyadh có đi có lại cho sáng kiến hòa bình của chính họ trong tương lai.

Thứ hai, sự tham gia của Trung Quốc vào các cuộc đàm phán hòa bình được tạo điều kiện thuận lợi bởi sự tan băng gần đây trong mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ thăm San Francisco vào tháng 11, đây sẽ là một trong những hoạt động chính sách đối ngoại quan trọng nhất của người đứng đầu Trung Quốc trong năm nay. Hai nước đang cố gắng xây dựng lại quan hệ song phương trước sóng gió dự kiến vào năm 2024, khi cuộc bầu cử Tổng thống sẽ được tổ chức ở Mỹ.

Cuối cùng, Trung Quốc gần đây đã có một số động thái được coi là cứng rắn hơn với Nga, điều này có thể nhìn thấy rõ ràng hơn trong lĩnh vực kinh tế. Vào tháng 7, Bắc Kinh đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới đối với máy bay không người lái, các bộ phận và công nghệ của Trung Quốc, những nguồn cung cấp lưỡng dụng mà Nga đã nhận trực tiếp từ Trung Quốc hoặc thông qua các công ty con ở Iran. Trung Quốc cũng kêu gọi nối lại xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine sau khi Moscow rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc biển Đen, thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu lúa mì, lúa mạch và các mặt hàng chủ lực khác.

Câu hỏi then chốt trong tất cả những điều này là liệu Trung Quốc có thay đổi cơ bản lập trường của mình về cuộc chiến hay không. Câu trả lời, cho đến nay là không. Chắc chắn Trung Quốc sẽ vẫn theo đuổi chính sách trung lập của mình.

Trên thực tế, do tính chất cạnh tranh lâu dài giữa Mỹ và Trung Quốc, Bắc Kinh khó có thể quay lưng với Moscow với tư cách là một đối tác chiến lược, ngay cả khi Nga bị suy yếu ở Ukraine. Đối với Trung Quốc, Ukraine và cả Ảrập Xêút - là một phần của "ván cờ" không thể thua ở Trung Đông.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/su-hien-dien-voi-nhieu-muc-tieu-i340011/