Sự giằng xé trước cuộc chạm trán Pháp - Morocco

Cuộc chạm trán giữa Sư tử Atlas và Les Bleus vào tối 14/12 sẽ không chỉ là trận đấu bóng đá, mà còn làm sống lại 'vết thương' thuộc địa cũ và thúc đẩy cuộc tranh luận về bản sắc.

Đêm 10/12 vừa phấn khởi, vừa bối rối với Anas Daif. Morocco và Pháp là 2 đội tiến vào bán kết World Cup và sẽ đối đầu vào tối 14/12 (giờ địa phương). Anh Daif không thể quyết định sẽ ủng hộ đội nào: Quê hương hay là nơi anh sinh ra.

Daif - người Pháp gốc Morocco sinh ra gần Paris - cho biết mình tự hào về chiến thắng lịch sử Morocco mang lại cho châu Phi và thế giới Arab. Anh hình dung về tính biểu tượng khi một nước thuộc địa chiến thắng nước thực dân cũ.

“Tôi nhận ra trái tim mình hướng về Morocco”, người đàn ông 27 tuổi nói.

Theo New York Times, cuộc chạm trán giữa Sư tử Atlas và Les Bleus vào tối 14/12 sẽ không chỉ là trận đấu bóng đá. Từ mối quan hệ thuộc địa trong quá khứ cho đến làn sóng nhập cư hiện tại, 2 quốc gia này gắn bó với nhau bởi lịch sử và nền văn hóa chung hàng thế kỷ.

Nhiều người hy vọng mối liên kết này - thông qua cộng đồng người mang 2 quốc tịch - sẽ đem đến cho trận đấu tinh thần hữu nghị.

Tuy vậy, có nhiều lo ngại về mối quan hệ không thoải mái giữa Pháp và cộng đồng Bắc Phi. Vấn đề này càng được chú ý khi nhóm cánh hữu tại Pháp từ lâu cho rằng người Hồi giáo nhập cư đe dọa tới bản sắc nước này. Do đó, có ý kiến lo lắng trận đấu - bất chấp kết quả ra sao - sẽ bị nhuốm màu sắc chính trị.

“Nhiều thập niên lịch sử sẽ va chạm với trận đấu kéo dài 90 phút”, Yvan Gastaut - nhà sử học người Pháp về nhập cư và bóng đá - cho biết.

Giống như lựa chọn giữa "cha và mẹ"

Morocco là thuộc địa của Pháp trong gần nửa thế kỷ, từ năm 1912-1956. So với nước láng giềng Algeria, Morocco được hưởng quyền tự trị lớn hơn và họ giành được độc lập trong hòa bình.

Kể từ đó, hai nước có mối quan hệ khá hữu nghị. Theo Financial Times, nhiều người Morocco làm việc trong các mỏ và nhà máy Pháp, góp phần vào sự bùng nổ kinh tế thời hậu chiến của Pháp.

Những người đến từ Morocco hoặc có cha mẹ là người Morocco hiện là nhóm nhập cư lớn thứ hai ở Pháp, sau người gốc Algeria. Theo báo cáo năm 2015, cộng đồng di cư rộng này lên tới 1,5 triệu người, một nửa trong số này có 2 quốc tịch.

Sự đan xen giữa Morocco và Pháp mạnh đến mức 3 thành viên của đội tuyển hiện tại dự World Cup của Morocco - huấn luyện viên Walid Regragui và hai cầu thủ - mang song tịch. Ngoài ra, 14/26 cầu thủ không sinh ra ở Morocco - tỷ lệ cao nhất tại World Cup 2022.

Huấn luyện viên Walid Regragui ca ngợi giá trị từ đội bóng ông gọi là “sữa lắc”: Sự pha trộn giữa các tài năng Morocco in dấu bởi các nền văn hóa bóng đá khác.

“Tôi nghĩ kể từ bây giờ, cả thế giới đứng sau Morocco”, CNN dẫn lời ông Regragui nói.

 Người hâm mộ Morocco ăn mừng sau khi đội tuyển tiến vào bán kết tại Pháp. Ảnh: Reuters.

Người hâm mộ Morocco ăn mừng sau khi đội tuyển tiến vào bán kết tại Pháp. Ảnh: Reuters.

Mối quan hệ đặc biệt này dễ nhận thấy kể từ khi Morocco vượt qua vòng loại lịch sử và vào bán kết. Video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy người Pháp vẫy và hôn cờ Morocco để vinh danh những người thợ mỏ làm việc ở miền Bắc nước Pháp. Bản phối quốc ca Pháp với nhịp trống Bắc Phi lan truyền khắp TikTok và WhatsApp.

World Cup 2022 đã mang đến cho người gốc Morocco cơ hội hiếm có công khai tôn vinh di sản văn hóa của họ. Đây là trường hợp đặc biệt ở Pháp, nơi các đảng chính trị cực hữu trỗi dậy. Đặc tính của nền cộng hòa Pháp kêu gọi mọi người coi mình là công dân trước tiên và bỏ qua khác biệt về tôn giáo, chủng tộc hoặc văn hóa riêng.

Nhiều người Morocco ở Pháp nói bản sắc kép khiến họ khó chọn ủng hộ đội nào.

Oussama Adref - huấn luyện viên bóng đá trẻ ở khu vực Paris - cho biết mọi người đều “bị giằng xé”. Daif nói thêm một số người quen của anh so sánh quyết định này với việc “lựa chọn giữa cha và mẹ”.

Cách thể hiện địa vị?

Tuy nhiên, trận đấu ngày 14/12 có nhiều vấn đề hơn là việc lựa chọn giữa “cha và mẹ”. Đặc biệt, dư âm thuộc địa sẽ xuất hiện. Nếu Morocco đánh bại Pháp, đây sẽ là cường quốc châu Âu thứ ba từng chiếm đóng Morocco vấp ngã trước đội tuyển này, sau Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

“Về mặt biểu tượng, điều này sẽ khôi phục uy tín quốc gia và các dân tộc bị áp bức bởi các thế lực thực dân”, Daif nói, đồng thời lưu ý châu Phi và thế giới Arab cũng chung vui với chiến thắng của Morocco.

Ông Gastaut cho biết cách Pháp đối xử với người nhập cư Bắc Phi từ các thuộc địa cũ có thể đã nuôi dưỡng tâm lý ủng hộ chiến thắng của Morocco. Họ thường bị gạt ra ngoài lề xã hội Pháp, chịu phân biệt chủng tộc và bạo lực của cảnh sát.

“Đây là cách thể hiện địa vị của họ trong xã hội Pháp”, ông nói về công dân Pháp gốc Bắc Phi.

Trận đấu diễn ra giữa lúc nhập cư và bản sắc dân tộc là vấn đề rất dễ gây tranh cãi ở Pháp. Nhóm cánh hữu của Pháp thổi bùng ngọn lửa tranh luận khi tố cáo việc ủng hộ Morocco là hình thức không trung thành với Pháp.

Damien Rieu, người ủng hộ phe cực hữu có ảnh hưởng trên mạng xã hội của Pháp, cảnh báo bạo loạn sẽ nổ ra khi Pháp đấu với Morocco, gọi đây là “cuộc đụng độ giữa các nền văn minh”.

Hình ảnh người ủng hộ Morocco tập trung tại đại lộ Champs-Élyseés ăn mừng thành công của đội cũng bị một số chính trị gia cánh hữu lợi dụng làm “bằng chứng” cho thuyết “sự thay thế vĩ đại”.

Đây là thuyết âm mưu phân biệt chủng tộc cho rằng nhóm theo đạo Cơ đốc da trắng đang bị thay thế một cách có chủ ý bởi người nhập cư không phải da trắng.

 Cầu thủ Sofiane Boufal ăn mừng cùng mẹ sau trận tứ kết. Ảnh: AP.

Cầu thủ Sofiane Boufal ăn mừng cùng mẹ sau trận tứ kết. Ảnh: AP.

Một số cảnh ăn mừng chiến thắng của Morocco gây ấn tượng đặc biệt tại Pháp. Đoạn video Sofiane Boufal - cầu thủ sinh ra ở Paris - nhảy cùng mẹ, người đội khăn trùm đầu Hồi giáo, trên sân sau trận tứ kết được lan truyền chóng mặt.

Pháp có luật hạn chế đeo các biểu tượng và trang phục tôn giáo. Khăn trùm đầu của người Hồi giáo thường là “mồi lửa” cho các cuộc chiến văn hóa tại nước này.

“Việc những người mẹ ngồi trong sân vận động cầu nguyện cho con trai và các cầu thủ cầu nguyện trên sân là điều tự nhiên với đội Morocco và ở Qatar. Nhưng điều đó không được đón nhận tích cực như vậy nếu World Cup diễn ra ở Pháp”, Sahar Amarir - công dân Pháp và Morocco - nói.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin gần đây bác bỏ ý kiến cho rằng cuộc chạm trán tối 14/12 là “trận chiến về danh tính” và cam kết tăng cường sự hiện diện của 2.000 cảnh sát tại đại lộ Champs-Élyseés. Ông nói điều này để đảm bảo người hâm mộ có thể tận hưởng “khoảnh khắc lễ hội” một cách vui vẻ và có trật tự.

Nhà sử học Daif cho biết ông không vui trước cuộc tranh luận về danh tính trước trận đấu này. Ông cho rằng đây nên là cơ hội để tôn vinh chủ nghĩa đa văn hóa của Pháp.

Ông nói thêm với người Pháp gốc Morocco, kết quả như nào cũng như nhau: “Chúng tôi sẽ lọt vào trận chung kết trong mọi trường hợp”.

Món đồ đang được săn lùng trước những trận đáng chờ đợi nhất ở Qatar Nhiều cổ động viên đến Doha đã tìm những chiếc áo thobe hay mũ ghutra - trang phục truyền thống của người Qatar - nhưng với những họa tiết của đội bóng yêu thích.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-giang-xe-truoc-cuoc-cham-tran-phap-morocco-post1384826.html