Sử dụng túi ni-lon - thói quen cần bỏ

Theo số liệu thống kê, có đến 300 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường mỗi năm, tương đương trọng lượng của toàn bộ dân số địa cầu và hơn một nửa số đó là những sản phẩm nhựa dùng 1 lần, phải mất từ 400 đến 1.000 năm mới có thể phân hủy.

Thời gian gần đây, nhiều mô hình, hoạt động tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa đến môi trường và đời sống con người đã được thực hiện, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân. Tuy nhiên trên thực tế, do tính tiện lợi mà các sản phẩm nhựa dùng 1 lần vẫn được nhiều người ưa chuộng và đây thực sự là thói quen tiêu dùng khó bỏ.

Thói quen khó bỏ

Tại các chợ dân sinh, vật dụng được nhìn thấy nhiều nhất vẫn là túi ni-lon. Túi ni-lon có ở mọi nơi, trên tay người bán, người mua, dùng làm túi đựng các mặt hàng, từ thực phẩm tươi sống đến sản phẩm gia dụng. Hiếm hoi lắm mới có một vài người dân sử dụng giỏ nhựa để đi chợ. Chị Nguyễn Ngọc Hà ở phường Long Phước, thị xã Phước Long cho biết: “Dùng giỏ nhựa đi chợ thì xách đồ dễ hơn, người bán không phải cho mình thêm 1 túi ni-lon nữa, tiết kiệm được cho họ. Với lại dùng túi ni-lon nhiều quá mình thấy cũng không tốt. Mỗi lần mình đi chợ ít nhất cũng phải 5, 6 túi, nhiều thì phải đến 10 túi”.

Túi ni-lon có ở khắp mọi nơi tại các chợ dân sinh

Túi ni-lon là chất thải nhựa khó phân hủy. Ở trong môi trường tự nhiên, 1 túi ni-lon cần vài trăm năm đến 1.000 năm mới có thể phân hủy hết. Ngoài ra, nếu không được thu hồi hoặc chôn lấp đúng cách, loại túi này sẽ gây ô nhiễm đất, nước, từ đó ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người. Tuy nhiên, với những ưu điểm gọn nhẹ, tiện lợi, lại có thể sử dụng một cách đa năng, túi ni-lon đang là vật dụng ưa thích của các bà nội trợ. Người bán dù có biết sử dụng túi ni-lon sẽ gây hại đến môi trường nhưng do giá rẻ, nhu cầu sử dụng của khách hàng cao nên vẫn phải dùng. “Hầu như ai đi chợ cũng muốn bỏ hàng vào túi ni-lon cho tiện, bán cho trăm người chắc chỉ một người không dùng. Bản thân mình cũng không muốn sử dụng túi ni-lon đưa cho khách vì lợi cho mình hơn. Nhiều khi mình đưa đồ nói khách bỏ chung vô túi hàng đã mua trước đó, khách còn nói mình keo kiệt, có cái túi ni-lon cũng tiếc” - chị Trần Thị Tuyền, tiểu thương chợ Phước Bình, thị xã Phước Long phân trần.

Chưa tiếp cận được túi sinh học

Để ngăn ngừa ô nhiễm gây ra từ túi ni-lon, nhiều chiến dịch khuyến khích sử dụng túi, bao bì thân thiện với môi trường đã được triển khai. Song thực tế đến thời điểm hiện nay, ở các khu chợ dân sinh, loại túi thân thiện với môi trường gần như vẫn chưa tiếp cận được với người tiêu dùng.

Chị Nguyễn Thị Lan, tiểu thương ở chợ Phước Bình cho biết, mỗi ngày sạp hàng rau củ của chị sử dụng hết khoảng 1kg túi ni-lon. Nhiều người mua hàng còn xin thêm 2, 3 túi để xách cho tiện. Khi được hỏi về việc phân biệt túi ni-lon thông thường với túi sinh học thân thiện với môi trường, chị Lan cho biết có nghe đến loại túi này trong các siêu thị nhưng 2 loại túi này khác biệt ra sao thì chị không phân biệt được.

Chưa tiếp cận được túi sinh học, thậm chí thói quen dùng giỏ nhựa truyền thống còn bị người tiêu dùng thay đổi, chuyển sang dùng các loại túi ni-lon. “Trước đây, mình cũng dùng giỏ nhựa nhưng sau đến đâu mua hàng người ta cũng cho túi ni-lon, lâu dần thành thói quen. Mình dùng giỏ thì phải mua nhiều đồ chứ mua ít thì xách túi ni-lon cho tiện. Giỏ lác, giỏ nhựa giờ dùng để thồ hàng nặng thôi” - bà Đỗ Thị Minh, phường Long Thủy, thị xã Phước Long cho biết.

Thay đổi ngay thói quen sử dụng túi ni-lon là việc khó, đặc biệt khi người dân đã xem nó như một vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Bên cạnh đó, các loại túi tự hủy sinh học, túi thân thiện môi trường chưa được quan tâm đúng mức cũng là một phần nguyên nhân. Song khó nhưng phải làm và phải dần bắt đầu từ những thay đổi nhỏ nhất, hạn chế sử dụng túi ni-lon đến mức tối đa. Có như vậy thì những hình ảnh rác thải nhựa, đặc biệt là rác thải nhựa một lần độc hại mới không còn xuất hiện tràn lan và ảnh hưởng đến môi trường sống của con người.

Thu Thảo

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/134889/su-dung-tui-ni-lon-thoi-quen-can-bo