Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước trong nông nghiệp

Trong thời điểm khô hạn, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng nguồn nước ngọt phục vụ trong nông nghiệp trên cây ăn trái, cây màu... trở nên khan hiếm. Nhiều khu vực triền giồng, đất gò cao không chủ động nguồn nước từ kênh rạch; nông dân phải cắt vụ hoặc chuyển từ sử dụng nước trực tiếp sang 'trữ ngọt'. Việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước trong nông nghiệp đang được ngành nông nghiệp tập trung triển khai với các mô hình 'trữ ngọt' qua các ao lót bạt ni-lông; mương vườn kết hợp hệ thống tưới nhỏ giọt hay tưới tiết kiệm...

Nhiều nhà vườn ở Cầu Kè thường trữ nước mặt trong mương vườn để phục vụ trồng màu.

Nhiều nhà vườn ở Cầu Kè thường trữ nước mặt trong mương vườn để phục vụ trồng màu.

Tại cánh đồng chuyên canh màu ở khu vực ấp Nhuệ Tứ A, Nhuệ Tứ B, xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, trong vụ màu mùa khô năm 2024, Hiệp hội Cao đẳng Cộng đồng Việt Nam và Trường Đại học Trà Vinh triển khai 10 điểm/10 hộ sử dụng ao lót bạt trữ nước kết hợp sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm cho sản xuất rau màu. Mỗi ao có thể tích trữ khoảng 60m3 nước và đảm nhận tưới cho 1.000m2 đất trồng màu/vụ. Mô hình trữ nước trong ao lót bạt giúp tiết kiệm 70% lượng nước tưới và công suất tưới so với phương pháp tưới truyền thống, giúp giảm áp lực về nước cho nông nghiệp, chi phí nhân công, tiền điện,…

Ông Kiên Hai Bình, ấp Nhuệ Tứ A, xã Hàmg Giang cho biết: với việc tích nước vào ao trữ lót bạt ni-lông đặt ngoài rẫy; giúp cho nông dân chủ động trong sử dụng nguồn nước tưới trồng màu. Gia đình có 0,3ha đất trồng 01 vụ lúa + 02 vụ màu, hiện nay đang chuẩn bị xuống vụ khổ qua. Thể tích ao trữ nước được khoảng 55 - 60m3, nguồn nước được mô-tưa công suất 1,5CV bơm lên trữ trong ao và sử dụng dần, khi nào cạn, sẽ tiếp tục bơm đưa nước vào.

Sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp được nhiều nông dân áp dụng, với nhiều cách ứng dụng thực tiễn tại các vùng có điều kiện khác nhau. Đặc biệt đối với khu vực các huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Càng Long… nông dân sử dụng việc trữ nước trong các ao, mương vườn để tưới cây thông qua bơm tưới trực tiếp hoặc sử dụng hệ thống ống nhựa PVC qua máy bơm nén để tưới phun sương.

Nhà vườn Cao Văn Phụ, ấp Hòa An, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè chia sẻ: sử dụng nguồn nước mặt trữ trong các mương vườn, sau đó, thông qua hệ thống tưới tiết kiệm, các ống dẫn được lắp dưới đất và trải dài trong khu vườn. Việc sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, giúp nhà vườn giảm chi phí thời gian trực tiếp; chu kỳ bật mở mô-tưa và chủ động tích nước trong ao, mương khi có nước ngọt, hạn chế bị mặn.

Theo đồng chí Phạm Văn Kha, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè: trong sử dụng nguồn nước bơm tát cho cây ăn trái và trồng màu trên địa bàn huyện, hiện có khoảng 25 - 30% diện tích trồng trọt được nhà vườn sử dụng nguồn nước mặt tích trữ trong các ao, mương để tưới cho cây trồng qua kết nối với hệ thống tưới tiết kiệm nước.

Đối với các vùng chủ động nguồn nước ngọt, nhà vườn sử dụng các phương tiện (máy bơm đặt trên các xuồng, thùng xốp…) để bơm tưới trực tiếp cho vườn cây có múi, vườn dừa và trồng màu. Ý thức của người dân rất cao trong việc hạn chế sử dụng lượng nước ngầm (đóng giếng khoan) để phục vụ trong sản xuất nông nghiệp.

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/su-dung-tiet-kiem-hieu-qua-nguon-nuoc-trong-nong-nghiep-37123.html