Sử dụng thực phẩm và gia vị đúng cách

Thực phẩm cũng như gia vị luôn có những giải pháp riêng khi sử dụng chế biến. Nếu sử dụng chúng đúng cách, hương vị món ăn của bạn sẽ càng thêm ngon và có giá trị cao về mặt dinh dưỡng.

Thực phẩm:

- Cá khi mới mua về, cần ướp lạnh càng sớm càng tốt để giữ lại thành phần chất béo không bị mất đi. Thịt và cá cần bảo quản lạnh riêng biệt với rau củ, trái cây. Tránh để nước thịt, cá rơi vãi vào rau củ, trái cây…Nên sử dụng thịt, cá trong vòng hai ngày kể từ khi mua về.

- Tránh để trái cây tươi tiếp xúc với nguồn ánh sáng trực tiếp của mặt trời. Sức nóng sẽ làm mất đi các loại vitamin quí giá có trong trái cây. Để trái cây không bị thối rữa nhanh chóng, nên bảo quản trong tủ lạnh.

- Nên cắt rau xanh chỉ vài phút trước khi chế biến để giữ lại lượng vitamin của rau. Sau mỗi lần vệ sinh, rau xanh đều giảm bớt lượng dinh dưỡng, vì thế nếu chưa cần chế biến ngay, bạn nên gói chặt các bó rau xanh bằng túi nhựa hoặc nylon rồi cất vào tủ lạnh.

- Khi chế biến sinh tố, với trái cây hoặc rau củ có độ ngọt vừa phải, nhẹ mùi như cà rốt, thanh long, hãy sử dụng sữa tươi để có nhiều độ béo, lại không làm mất mùi thơm, vị thanh của hoa quả. Sữa đặc có đường thích hợp với trái cây có vị ngọt đậm và nồng như xoài, sầu riêng…

- Có kế hoạch sử dụng thực phẩm trước khi chọn mua. Chẳng hạn như, các loại rau xanh có nhiều nước như cần, cải… và các loại trái cây vỏ mềm như chuối, xoài, nho… thường bảo quản trong thời gian ngắn. Còn các loại rau xanh có rễ, khoai tây, bí đỏ, bí xanh… và trái cây vỏ dày như cam, táo, chôm chôm… có thể bảo quản lâu hơn.

Gia vị:

- Nên chọn gia vị tùy theo sự thay đổi của thời tiết: Tiết trời mùa lạnh, nên chọn những món ăn chế biến theo hình thức rán, quay, chiên, kèm thêm gia vị đậm đà như ngọt hoặc cay. Nếu tiết trời nắng nóng, chỉ nên chế biến các món ăn nhẹ, mát và dễ chịu như hầm, luộc, nấu canh kèm thêm gia vị hơi chua một chút.

- Chọn gia vị theo từng món ăn khác nhau: Gia vị dùng cho các món thiên về hầm hay nấu sẽ không giống với gia vị dành cho các món chiên hoặc nướng. Vì thế, không thể dùng bột tẩm của các món chiên cho món ăn hầm hoặc luộc.

- Giữ mùi hoặc khử mùi của gia vị tùy theo món ăn: Khi chế biến các món ăn từ nguyên liệu thịt vịt, thịt gà hoặc các loại rau cần, tránh sử dụng quá nhiều gia vị để giữ được hương vị thơm ngon của từng loại thực phẩm. Ngược lại, khi chế biến những món ăn từ nguyên liệu có mùi tanh như cá cần sử dụng nhiều gia vị, đặc biệt là cay để khử bớt mùi khó chịu của thực phẩm.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/su-dung-thuc-pham-va-gia-vi-dung-cach-3903690-b.html