Sử dụng nước ngọt hiệu quả để thích ứng

Tùy theo độ mạnh, yếu của El Nino, lượng mưa giảm tương ứng. Khi nguồn nước ngọt giảm, vựa lúa miền Tây sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hiện tượng El Nino đã được chính thức công bố ngày 8-6-2023 và dự báo sẽ còn kéo dài sang mùa khô 2024. Đối với ĐBSCL và các quốc gia trong lưu vực sông Mê Công, năm nào có El Nino thì lượng mưa giảm. Tùy theo độ mạnh, yếu của El Nino, lượng mưa giảm tương ứng. Khi nguồn nước ngọt giảm, vựa lúa miền Tây sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo các nhà khoa học, dự báo độ gay gắt của El Nino 2023-2024 có khả năng cao hơn El Nino 2015-2016. Khi đó, mùa lũ ở ĐBSCL đạt đỉnh vào khoảng tháng 10 và chỉ ở mức báo động 1, tức là mùa nước nổi không về. Lũ không về sẽ kéo theo nhiều hệ lụy: ít tôm cá, phù sa và cát trôi về ĐBSCL sẽ ít vì dòng chảy không đủ mạnh. Chưa kể, khi hạn gay gắt, mực nước sông xuống thấp, các đập thủy điện Mê Công sẽ đóng đập tích nước, chờ cho đủ độ sâu mới xả ra phát điện càng làm tình hình hạn, mặn tồi tệ thêm.

Thông thường, ĐBSCL ứng phó bằng cách dùng công trình ngăn mặn. Tuy nhiên, cách này chỉ hiệu quả trong những năm bình thường. Khi El Nino diễn ra quá mạnh, nước bên trong các công trình ngăn mặn không có nhiều, ngăn mặn chỉ cầm cự được vào đầu mùa khô. Sang tháng 2-3, khi nước mặn từ biển vào thì bên trong không có nước, đất vùng ven biển ĐBSCL bắt đầu bị khô, dễ dẫn đến sụt lún.

Theo GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL và Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, để ứng phó hiệu quả trước những diễn biến của khí hậu cực đoan, đảm bảo an ninh lương thực, cần nhiều giải pháp tích cực. Những giải pháp này phải dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học nghiêm túc, có hệ thống, mang tính hợp tác liên ngành, nhất là trong bối cảnh giá lúa gạo trên thế giới đang tăng cao, nhiều nơi ở miền Tây nông dân đang tranh thủ sản xuất lúa vụ 3, làm mất không gian chứa nước ngọt.

Lâu nay, vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười được xem là “2 túi chứa nước ngọt” trong mùa lũ, điều phối nước trong mùa khô nhưng cũng đang khô cạn vì các địa phương tận dụng đê bao khép kín sản xuất lúa vụ 3. Mùa lũ, nước không vào được, tràn xuống hạ lưu Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng… khiến nơi đây ngập nghiêm trọng khi cộng hưởng với các đợt triều cường. Hơn 20 năm trước, lũ đầu nguồn vượt báo động 2, báo động 3 nhưng vùng hạ nguồn chỉ vượt báo động 1. Nay điều đó thay đổi, khi đỉnh lũ vùng đầu nguồn chỉ vượt báo động 1 mà vùng hạ lưu vượt báo động 2, báo động 3. Đây là điều mà Bộ NN-PTNT cần tính đến.

Về lâu dài, ĐBSCL cần thay đổi theo quy hoạch tích hợp mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Đây là quy hoạch tích hợp theo tinh thần thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu bằng cách thay đổi hệ thống canh tác cho phù hợp, không đương đầu chống lại thiên nhiên.

CAO PHONG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/su-dung-nuoc-ngot-hieu-qua-de-thich-ung-post704213.html