Sử dụng nhiên liệu sinh học: Giải pháp phát triển bền vững

Ngày 17/10/2017 tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức Hội thảo Sử dụng nhiên liệu sinh học: Giải pháp phát triển bền vững.

Toàn cảnh buổi Hội thảo. Ảnh: TL

Toàn cảnh buổi Hội thảo. Ảnh: TL

Xăng sinh học đã được sử dụng rộng rãi tại Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia phát triển khác từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Hiện nay, một số nước đã bắt buộc sử dụng xăng sinh học như Úc, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil…

Ngay tại khu vực Đông Nam Á, Philippines, Thái Lan là các quốc gia đi đầu trong việc sử dụng xăng sinh học trong 10 năm nay. Indonesia hiện bắt đầu buộc sử dụng xăng E3, từ năm 2020 sử dụng xăng E5 và sau 2025 sẽ sử dụng xăng E25.

Xăng sinh học E5 Ron 92 đã được bán từ ngày 1/12/2014 ở nhiều tỉnh, thành phía Nam. Ảnh: Tư liệu

Tại Việt Nam, nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí nhà kính và tạo đầu ra ổn định cho nông sản, ngày 20/11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”; Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22/1/2012 về việc phê duyệt, ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống.

Ngày 6/6/2017, sau khi họp về thực hiện Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học và Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn giữa nhiên liệu sinh học và nhiên liệu truyền thống, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã kết luận và chỉ đạo: Kể từ ngày 1/1/2018, chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95.

Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Quyết định số 1622/QĐ-BTTTT về Chương trình Truyền thông Quốc gia nhằm khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học.

Tại Hội thảo, bên cạnh các tham luận có nội dụng, chủ đề tập trung vào các vấn đề kỹ thuật của xăng E5, vùng nhiên liệu đầu vào, an sinh xã hội cho dân cư vùng nhiên liệu, tác động môi trường được trình bày bởi các nhà khoa học, nhà quản lý… Các đại biểu dành phần lớn thời lượng để phân tích chi tiết về hệ thống phân phối xăng E5 do Tập đoàn Xăng dầu giới thiệu cũng như những chia sẻ từ đại diện địa phương đã thành công trong việc triển khai xăng sinh học E5.

Đánh giá về tiềm năng phát triển nhiên liệu sinh học cũng như đảm bảo sự bền vững và an toàn, đại diện Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: Việt Nam được đánh giá có điều kiện thuận lợi để sản xuất nhiên liệu sinh học, tiềm năng của một số loại cây trồng như ngô, sắn, mía dùng để sản xuất cồn; các cây có dầu như lạc, đậu tương, vừng, hướng dương, dừa để sản xuất diesel. Nguồn cung luôn luôn dồi dào và đáp ứng đủ.

Lần này, băn khoăn của báo giới về xăng sinh học có làm tổn hại đến động cơ hay không, đã được PGS Phạm Hững Tuyến, Viện Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Xăng E5 hoàn toàn tương thích với các vật liệu như máy đã dùng các loại xăng truyền thống. Không dừng lại đó, sử dụng E5 giúp cải thiện công suất động cơ, suất tiêu hao nhiên liệu, giảm đáng kể phát thải HC, CO. Do quá trình cháy E5 được cải thiện nên hàm lượng NOx và CO2 có tăng, tuy nhiên lượng CO2 tính theo chu trình khép kín giảm do nguồn nguyên liệu sử dụng để chế tạo ethanol sẽ hấp thụ một phần.

Khẳng định việc thay thế nhiên liệu truyền thống bằng nhiên liệu sinh học là tất yếu, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, khi triển khai trên diện rộng phạm vi toàn quốc, cần tính kỹ đến việc đẩy mạnh truyền thông, nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng cũng như phân tích đầy đủ lợi ích đem lại cho xã hội, cộng đồng.

Bộ Công thương - với chức năng quản lý Nhà nước về năng lượng nói chung cũng như xăng dầu nói riêng, luôn dùng để chỉ đạo điều hành cho phù hợp với tình hình diễn biến thực tế với phương châm kết hợp hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng là trung tâm của sự phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết: "Bộ Công thương đã thành lập Đoàn Công tác đi đến tất cả các nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu và chúng tôi nhận thấy sự chuẩn bị của các doanh nghiệp là hết sức tích cực. Chúng tôi cho rằng, trong thời gian tới các nhà máy này đưa vào sản xuất sẽ đáp ứng được nguồn cung xăng E5".

Thế Lữ

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/thi-truong/su-dung-nhien-lieu-sinh-hoc-giai-phap-phat-trien-ben-vung_t114c1067n125759