Sử dụng kỹ thuật Hybrid điều trị bệnh tim phức tạp

Sáng 7/4/2021, BS.CKII Phạm Thanh Phong - Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ thông tin, trong 1 tuần, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tim của BV thực hiện thành công kỹ thuật Hybrid (phẫu thuật kết hợp với can thiệp đặt stent graft ) điều trị 3 bệnh nhân mắc bệnh lý phình – bóc tách động mạch chủ ngực, với sự hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ phẫu thuật tim Bệnh viện Chợ Rẫy.

2 bệnh nhân bị bóc tách cấp tính động mạch chủ ngực – bụng (bóc tách Standford type B ) có biến chứng chèn ép mạch máu nuôi ruột Võ Thị Thu H. (55 tuổi, huyện Châu Thành A - tỉnh Hậu Giang ) và ông Lê Văn H. (49 tuổi, quận Ô Môn – TP. Cần Thơ ). Cả hai bệnh nhân này nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau ngực - bụng dữ dội kèm chướng bụng.

Được biết cả bà H. và ông H. đều có tiền sử tăng huyết áp nhưng không điều trị liên tục.

Stent sau khi được bung

Stent sau khi được bung

Tại BV, kết quả chụp CT đa lát ngực – bụng – chậu có cản quang ghi nhận cả hai bệnh nhân này bị bóc tách cấp tính động mạch chủ ngực – bụng (bóc tách động mạch chủ Standford type B ) với lỗ vào ngay sau động mạch dưới đòn trái có biến chứng chèn ép động mạch mạc treo tràng trên gây thiếu máu nuôi ruột.

Kết quả xét nghiệm sinh hóa cho thấy các men đường tiêu hóa tăng và diễn biến nặng hơn theo thời gian phản ánh tình trạng chèn ép ngày càng nặng hơn.

Bệnh nhân thứ 3 là ông Phạm Văn T., huyện Kế Sách, Sóc Trăng) bị phình động mạch chủ ngực hình thoi đoạn quai và đầu đoạn xuống có nguy cơ dọa vỡ.

Ông T. cũng có bệnh tăng huyết áp nhiều năm và nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau ngực trái.

Do vị trí tổn thương phức tạp liên quan đến các nhánh động mạch nuôi não nên cả 3 bệnh nhân này đều có nguy cơ rất cao nếu chọn phương pháp phẫu thuật cũ (mổ hở) thay toàn bộ đoạn động mạch bị tổn thương bằng mạch máu nhân tạo kèm làm các cầu nối động mạch nuôi não (đường mổ lớn, hạ nhiệt độ sâu, ngừng tuần hoàn, các biến chứng lên não, gan, thận…).

Phương pháp điều trị khác là đặt Stent graft (giá đỡ) động mạch chủ. Phương pháp này sẽ hạn chế được các nguy cơ so với phẫu thuật kinh điển.

Tuy nhiên bệnh nhân cần phải thực hiện phẫu thuật chuyển vị các nhánh động mạch nuôi não trước khi đặt Stent graft để đảm bảo vùng mô động mạch chủ bình thường ở vị trí bám đầu trên của Stent graft.

Ba bệnh nhân đã ổn định sau phẫu thuật

Ba bệnh nhân đã ổn định sau phẫu thuật

Sau khi hội chẩn các bác sĩ BV ĐKTW CT đã quyết định chọn kỹ thuật Hybrid để điều trị cho các bệnh nhân: Phẫu thuật chuyển vị các nhánh động mạch nuôi não kết hợp cùng lúc với đặt Stent graft tại phòng DSA (2 bệnh nhân chuyển vị 2 nhánh; 1 bệnh nhân chuyển vị hoàn toàn 3 nhánh động mạch nuôi não ).

Từ ngày 25/3/2021 đến ngày 2/4/2021, các thầy thuốc đã thực hiện kỹ thuật Hybrid cho 3 bệnh nhân này. Đặc biệt ngày 25/3/2021 đã thực hiện cho 2 bệnh nhân, trong đó bệnh nhân Lê Văn H. được chuyển vị hoàn toàn các nhánh động mạch nuôi não.

Trong suốt quá trình phẫu thuật chuyển vị: Bệnh nhân được duy trì huyết động tối ưu, đảm bảo độ mê và theo dõi tưới máu não liên tục bằng máy đo độ tưới máu não ( máy Invost) để đảm bảo cung cấp máu đầy đủ cho não bệnh nhân.

Hiện tại cả 3 bệnh nhân hồi phục tốt: huyết động ổn định; vận động, ăn uống tốt; chỉ số các men đường tiêu hóa trở về mức bình thường.

Theo BS.CKII Phạm Thanh Phong: Phình - bóc tách động mạch chủ là tình trạng bệnh lý của thành động mạch chủ khi thành mạch bị giãn hoặc bóc tách, tiến triển dần yếu, mỏng dẫn tới nguy cơ tử vong do vỡ; hoặc do hậu quả của tưới máu sai lòng.

Trước đây, phình - bóc tách động mạch chủ được điều trị bằng phương pháp mổ hở thay đoạn động mạch chủ bị tổn thương bằng một ống ghép mạch máu nhân tạo.

Với phương pháp này, bệnh nhân phải chịu nhiều đau đớn, tỉ lệ tử vong cao do cuộc mổ kéo dài, thời gian nằm viện lâu, nhiều biến chứng phẫu thuật.

Kỹ thuật Stent graft điều trị bệnh lý phình – bóc tách động mạch chủ đã được chứng minh mang lại lợi ích, an toàn cho bệnh nhân so với phẫu thuật kinh điển.

Kỹ thuật đặt Stent graft là một kỹ thuật ngoại khoa tim mạch chuyên sâu, thường được triển khai tại các nước phát triển và những trung tâm tim mạch lớn. Kỹ thuật này đòi hỏi đội ngũ thầy thuốc có kinh nghiệm, được đào tạo tốt và có hệ thống trang thiết bị đầy đủ.

Việc thực hiện thành công kỹ thuật Hybrid điều trị bệnh lý động mạch chủ cho thấy sự đầu tư, cố gắng tiếp cận, nắm bắt các xu hướng điều trị tim mạch hiện đại và là tiền đề triển khai phòng mổ Hybrid tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.

Phạm Phong. Ảnh: BVCC

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/su-dung-ky-thuat-hybrid-dieu-tri-benh-tim-phuc-tap-n189549.html