Sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng trong hệ thống Tòa án Nhân dân

Ngày 23/8/2023, TAND TC ban hành Quyết định số 309/QĐ-TANDTC về việc ban hành hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng trong hệ thống Tòa án Nhân dân.

Giải đáp chính sách

Một phiên tòa dân sự của TAND TP Hà Nội. Ảnh minh họa: Nhật Nam

Một phiên tòa dân sự của TAND TP Hà Nội. Ảnh minh họa: Nhật Nam

Hỏi: Tôi được biết, vừa có hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng trong hệ thống Tòa án Nhân dân. Xin quý báo cho biết một số nội dung liên quan?

(Phạm Anh Thư, huyện Sóc Sơn, Hà Nội)

Trả lời: Về câu hỏi của bạn, xin trả lời như sau:

Ngày 23/8/2023, TAND TC ban hành Quyết định số 309/QĐ-TANDTC về việc ban hành hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng trong hệ thống Tòa án Nhân dân. Theo đó, Điều 3 nêu về nguyên tắc sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức:

a) Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CBCC được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên hàng năm cho CBCC thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng được cấp có thẩm quyền phê duyệt (bao gồm đào tạo, bồi dưỡng trực tiếp tại cơ sở và cử đi đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo khác) các nội dung: Lý luận chính trị; kiến thức quốc phòng và an ninh; kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm.

b) Căn cứ đối tượng, điều kiện cử CBCC đi đào tạo trình độ đại học (ĐH), đào tạo sau ĐH tại Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức Tòa án nhân dân (ban hành kèm theo Quyết định số 636/QĐ-TANDTC ngày 15/4/2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao); căn cứ nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được phân bổ và các nguồn kinh phí khác, các đơn vị quyết định việc hỗ trợ một phần chi phí (học phí, mua giáo trình) cho đối tượng CBCC được cấp có thẩm quyền có quyết định cử đi đào tạo.

c) Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được sử dụng để chi các hoạt động trực tiếp phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng và công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng CBCC tại đơn vị. Không sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng để chi: Hoạt động bộ máy của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; chi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.

d) Trường hợp các đơn vị thực hiện đấu thầu, đặt hàng dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức sử dụng NSNN thì thực hiện theo quy định của Chính phủ về đấu thầu, đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Nội dung chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong nước được quy định tại Điều 4:

4.1. Chi đào tạo CBCC, viên chức

a) Chi phí dịch vụ đào tạo, chi phí triển khai nhiệm vụ nghiên cứu và các chi phí (bắt buộc) khác (nếu có) liên quan đến khóa đào tạo phải trả cho các cơ sở đào tạo ở trong nước.

b) Hỗ trợ kinh phí mua tài liệu học tập bắt buộc.

c) Hỗ trợ một phần tiền ăn trong thời gian đi học tập trung.

d) Hỗ trợ chi phí đi lại từ cơ quan đến nơi học tập (một lượt đi và về; nghỉ lễ; nghỉ tết); chi thanh toán tiền thuê chỗ nghỉ cho cán bộ, công chức, viên chức trong những ngày đi tập trung học tại cơ sở đào tạo (trong trường hợp cơ sở đào tạo và đơn vị tổ chức đào tạo xác nhận không bố trí được chỗ nghỉ).

đ) Cán bộ, công chức, viên chức là nữ, là người dân tộc thiểu số được cử đi đào tạo được hưởng các chính sách, chế độ theo quy định của pháp luật về bình đẳng giới và công tác dân tộc.

4.2. Chi tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ sử dụng nguồn đào tạo, bồi dưỡng CBCC, viên chức thực hiện theo nội dung chi, mức chi quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.

4.3. Chi tổ chức các lớp bồi dưỡng CBCC, viên chức

a) Các nội dung chi do cơ sở bồi dưỡng hoặc các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ mở lớp bồi dưỡng CBCC, viên chức, giao nhiệm vụ biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng thực hiện:

- Chi biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu bồi dưỡng mới hoặc chi chỉnh sửa, bổ sung cập nhật chương trình, giáo trình, tài liệu bồi dưỡng: Do cơ quan, đơn vị được giao chủ trì biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ chi từ nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được giao hàng năm;

- Chi thù lao giảng viên, trợ giảng; phụ cấp tiền ăn giảng viên, trợ giảng; chi phí đưa, đón, bố trí nơi ở cho giảng viên, trợ giảng;

- Chi tài liệu học tập bắt buộc theo nội dung chương trình khóa học cho học viên (không kể tài liệu tham khảo);

- Chi thuê hội trường, phòng học, thiết bị phục vụ học tập (nếu có);

- Chi thuê phiên, biên dịch;

- Chi ra đề thi, coi thi, chấm thi; hội đồng xét kết quả; chi lễ khai giảng, bế giảng;

- Chi nước uống phục vụ lớp học;

- Chi tổ chức cho học viên đi khảo sát, thực tế (nếu có);

- Chi khen thưởng cho học viên đạt loại giỏi, loại xuất sắc;

- Chi tiền thuốc y tế thông thường cho học viên (nếu học viên ốm);

- Chi in và cấp chứng chỉ;

- Chi khác phục vụ trực tiếp lớp học (điện, nước, thông tin liên lạc, văn phòng phẩm, vệ sinh, trông giữ xe và các khoản chi trực tiếp khác);

- Chi hoạt động quản lý trực tiếp các lớp bồi dưỡng CBCC, viên chức: Chi công tác phí cho cán bộ quản lý lớp của cơ sở đào tạo (nếu có); chi làm thêm giờ của cán bộ quản lý lớp (nếu có) và các khoản chi khác để phục vụ quản lý, điều hành lớp học (nếu có).

Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng CBCC, viên chức đã được ngân sách đầu tư xây dựng phòng nghỉ phải có trách nhiệm bố trí chỗ nghỉ cho học viên ở xa đối với những lớp được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ và phân bổ kinh phí thực hiện; không được thu thêm khoản tiền phòng nghỉ của học viên.

- Các chi phí phát sinh trong trường hợp đào tạo, bồi dưỡng thông qua hình thức trực tuyến từ xa…

B.A

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/su-dung-kinh-phi-dao-tao-boi-duong-trong-he-thong-toa-an-nhan-dan-352366.html