Sử dụng hiệu quả vốn ủy thác từ ngân sách địa phương

Những năm qua, từ nguồn vốn ủy thác của ngân sách địa phương (NSĐP) chuyển sang, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã thực hiện cho vay đối với hàng nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ngay sau khi nhận được vốn ủy thác từ ngân sách địa phương, toàn chi nhánh NHCSXH tỉnh đã giải ngân vốn vay đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Ảnh chụp tại xã Hiền Lương (Đà Bắc).

Cũng như bao gia đình khác, trong thời điểm ảnh hưởng dịch Covid-19, đời sống của gia đình chị Nguyễn Thị Gấm ở xóm Sèo, xã Cao Sơn (Đà Bắc) gặp không ít khó khăn. Thu nhập chủ yếu của gia đình chị từ chăn nuôi, trồng keo, ngô và dong riềng. Tuy nhiên, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đáng kể đến đầu ra và giá nông sản. Từ đầu năm 2023 đến nay, kinh tế gia đình chị mới dần ổn định, nhất là từ khi được NHCSXH huyện Đà Bắc cho vay 70 triệu đồng để phát triển chăn nuôi. Chị Gấm chia sẻ: Thu nhập của gia đình chủ yếu từ trồng trọt và chăn nuôi nên khi ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh tế rất khó khăn. Rất may gia đình được NHCSXH cho vay vốn để tiếp tục đầu tư chăn nuôi. Đây là số vốn có ý nghĩa quan trọng trong thời điểm này, vì lãi suất phù hợp, thủ tục vay đơn giản.

Gia đình bà Xa Thị Đào, xóm Mè, xã Tú Lý cũng đã vượt lên khó khăn nhờ được vay vốn từ NHCSXH. Năm 2020, với số tiền vay 50 triệu đồng, gia đình bà Đào đã đầu tư nuôi trâu sinh sản. Đến nay, thu nhập của gia đình ngày càng ổn định, dự kiến đến năm 2024 sẽ thoát nghèo. Được biết, gia đình chị Gấm, bà Đào là hai trong số hàng trăm hộ được vay vốn từ vốn ủy thác NSĐP chuyển sang NHCSXH. Theo đồng chí Nguyễn Đình Hoàng, Phó Giám đốc NHCSXH huyện Đà Bắc, hiện nay, nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương hơn 8,5 tỷ đồng. Những năm qua, nguồn vốn này chủ yếu được đơn vị cho vay giải quyết việc làm. Đặc biệt, trong giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nguồn vốn đã giúp nhiều hộ trên địa bàn huyện có điều kiện khôi phục kinh tế, vượt qua khó khăn.

Đối với toàn tỉnh, sau gần 9 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 và hơn 2 năm thực hiện Kết luận số 06-KL/TW, ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư đã tác động tích cực đến hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hằng năm, UBND tỉnh và các huyện, thành phố quan tâm chuyển vốn từ NSĐP sang NHCSXH để thực hiện cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách. Đặc biệt, năm 2022 đánh dấu bước đột phá trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trên địa bàn tỉnh, khi vốn ủy thác địa phương đạt trên 102 tỷ đồng, tăng 40,9 tỷ đồng (66%) so với thời điểm 31/12/2021. Đây là mức tăng cao nhất kể từ khi Chỉ thị số 40-CT/TW đi vào cuộc sống.

Năm 2023, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh và các huyện, thành phố đã chuyển vốn ủy thác địa phương sang NHCSXH trên 39,5 tỷ đồng. Trong đó có 4/10 đơn vị vượt chỉ tiêu kế hoạch, gồm: Lương Sơn, Tân Lạc, TP Hòa Bình và Yên Thủy. Đến nay, tổng nguồn vốn ủy thác NSĐP đạt 141,6 tỷ đồng, tăng 135,6 tỷ đồng so với thời điểm trước khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Theo chi nhánh NHCSXH tỉnh, mặc dù tỷ trọng nguồn vốn ủy thác từ NSĐP chưa cao nhưng đã thể hiện sự quan tâm rất lớn của các cấp ủy, chính quyền đối với tín dụng chính sách. Hai năm trở lại đây, nguồn vốn này đã góp phần lớn trong việc bổ sung vốn cho vay để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho người lao động. Trong những năm tới, đây sẽ là một trong những nguồn vốn quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.

Viết Đào

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/180668/su-dung-hieu-qua-von-uy-thac-tu-ngan-sach-dia-phuong.htm