Sự đổi thay kỳ diệu của mảnh đất Quảng Ninh

Quảng Ninh có một tiến trình phát triển rực rỡ cả trong quá khứ và hiện tại. Tiến trình đó được hun đúc từ tinh thần 'kỷ luật đồng tâm', để giờ đây, Quảng Ninh tiếp tục chuyển mình với vận hội mới.

Quảng Ninh tưng bừng cờ hoa trong những ngày kỷ niệm ý nghĩa Ảnh: Thanh Tân

Chặng đường 60 năm đi cùng đất nước

Vào ngày 30/10/1963, trong Phiên họp toàn thể, Quốc hội khóa II, Kỳ họp thứ bảy, tất cả đại biểu đều nhất trí thông qua tờ trình của Chính phủ để hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành một tỉnh mới, lấy tên là tỉnh Quảng Ninh. Ý tưởng ghép chữ cuối của 2 đơn vị hành chính cũ là của Bác Hồ. Đó cũng chính là sự gửi gắm bao điều kỳ vọng của Người về một Quảng Ninh rộng lớn và yên vui.

Nhưng trước khi tỉnh Quảng Ninh chính thức được thành lập, mảnh đất và con người nơi đây đã phải trải qua 72 năm đấu tranh bền bỉ và anh dũng, kể từ ngày thực dân Pháp xâm lược Khu mỏ (ngày 12/3/1883), và thêm 9 năm cùng cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong giai đoạn này, ngày 12/11/1936, cuộc tổng bãi công vang dội của hơn 3 vạn thợ mỏ đã đánh dấu bước ngoặt của phong trào đấu tranh của công nhân từ tự phát sang tự giác, có tập hợp, có kỷ luật, mang tính hệ thống. Cuộc đấu tranh này đã để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử giai cấp công nhân Việt Nam về tinh thần “kỷ luật đồng tâm”.

Sau khi tiếp quản lại được khu mỏ và thành lập tỉnh Quảng Ninh, nơi đây trở thành khu công nghiệp lớn và quan trọng nhất ở Việt Nam và Đông Dương, cung ứng nguồn lực quan trọng cho đất nước. Song, cũng vì thế mà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Quảng Ninh trở thành một trong những trọng điểm bị đánh phá ác liệt.

Sau một thời gian dài tăng trưởng dựa vào nguồn tài nguyên hữu hạn là than, Quảng Ninh muốn tạo ra những đột phá mới và không có cách nào khác là phải phát triển bền vững, phải lấy con người làm trung tâm của mọi quyết sách. Do đó, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Quảng Ninh trong nhiệm kỳ 2010-2015 đã đặt ra và các nhiệm kỳ kế tiếp đã kế thừa và phát huy mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, cải thiện cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính, cải thiện nguồn nhân lực, thu hút các nguồn lực đầu tư….

Ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh

Nhưng càng trong gian khó, tinh thần kỷ luật và sự đồng tâm lại càng lên cao. Quân và dân các dân tộc Quảng Ninh đã chiến đấu, bắn rơi hàng trăm máy bay hiện đại, bắn chìm nhiều tàu chiến… Kiên cường trong chiến đấu và quyết liệt trong sản xuất. Ngay trong những ngày tháng chiến tranh ác liệt này, mọi lĩnh vực hoat động trên đất mỏ không những giữ được ổn định, mà còn tiếp tục phát triển.

Theo số liệu thống kê, giá trị sản xuất công nghiệp năm 1975 của tỉnh Quảng Ninh đạt 2.169 tỷ đồng, tăng 594 tỷ đồng so với năm 1965 (giá cố định năm 1970). Giá trị tổng sản lượng nông nghiệp năm 1975 tăng 21% so với năm 1965. Và sau Đại thắng mùa Xuấn năm 1975, hòa cùng niềm vui thống nhất đất nước, không khí thi đua lao động dường như được đẩy cao hơn lúc nào hết. Hàng vạn thợ mỏ vẫn bám tầng, bám máy để sản xuất thật nhiều than cho nền kinh tế quốc dân.

Trong giai đoạn này, tỉnh Quảng Ninh cũng đã thành lập đoàn tàu viễn dương để buôn bán với nước ngoài; xuất khẩu hàng hóa để thu ngoại tệ. Từ 1981 đến 1985, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 26.713.881 rúp và đô-la. Ngoại tệ thu được đã đầu tư xứng đáng cho các ngành, địa phương trong tỉnh phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tích lũy, đóng góp chung vào công cuộc tái thiết đất nước.

Xứ sở “vàng đen” chuyển mình

Chiếm đến 95% trữ lượng than của cả nước, nên cũng dễ hiểu cơ cấu kinh tế, thu ngân sách của Quảng Ninh đến chủ yếu từ ngành công nghiệp khai thác than. Quảng Ninh cũng vì thế mà trở thành một trong những đầu tàu công nghiệp quan trọng của miền Bắc.

Từ sau Đại hội lần thứ VI của Đảng (12/1986), thực hiện công cuộc Đổi mới, tỉnh Quảng Ninh đã chú trọng phát triển các ngành khai thác than đá, sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu. Địa phương cũng đã có những tích lũy quan trọng về nguồn lực kinh tế, để chuẩn bị cho một sự chuyển mình quan trọng, thoát dần sự phụ thuộc vào ngành khai thác than.

Sau năm 1986, từ một tỉnh Trung ương phải hỗ trợ 90% nhu cầu lương thực, thực phẩm, 70 - 80% về ngân sách, đến năm 1995, Quảng Ninh đã cân đối được ngân sách, có đóng góp cho Trung ương, tự giải quyết được những khó khăn lớn về hàng hóa tiêu dùng, lương thực, thực phẩm…

Từ một địa phương chỉ dám mong có thể nhựa hóa toàn bộ tuyến quốc lộ ra đến Móng Cái, thì giờ đây, tuyến cao tốc Hải Phòng - Móng Cái, dài gần 200 km luôn tấp nập xe cộ. Từ chỗ mong kết nối nội tỉnh được thuận lợi, thì giờ đây, Quảng Ninh dễ dàng giao thương quốc tế qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng biển quốc tế Cái Lân. Những tuyến đường 10 làn rộng thênh thang, đường bao biển sạch đẹp thay lời chào thân thiện tới mọi du khách đến với Quảng Ninh.

Từ thực trạng thiếu thiếu điện cho sinh hoạt và sản xuất, Quảng Ninh đã vươn mình trở thành trung tâm sản xuất điện của miền Bắc. Ngày 2/9/2020, Quảng Ninh đã chính thức đóng điện lưới quốc gia, hoàn thành việc cấp điện lưới 100% đến các hộ dân trên đất liền và cả hải đảo.

Sự phát triển kinh tế của Quảng Ninh cũng đã có những bước chuyển biến lớn, giảm dần sự phụ thuộc vào ngành khai thác than, khi ngành dịch vụ chiếm 37% tỷ lệ đóng góp vào GRDP (từ sau năm 2011).

Quảng Ninh - vùng đất được biết đến là giàu vì than - đang dần “xanh hóa” nhờ những đại dự án, những công trình trọng điểm, những dòng vốn khổng lồ từ các tập đoàn kinh tế tư nhân trong và ngoài nước. Sự chuyển mình đó được đánh đầu từ giai đoạn 2010-2015, khi Quảng Ninh xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững.

Để làm được điều đó, cần phải có quy hoạch tốt với tầm nhìn chiến lược dài hạn. Từ năm 2012, Quảng Ninh trở thành tỉnh đầu tiên xin cho phép thuê tư vấn nước ngoài làm quy hoạch. Đến năm 2014, tỉnh hoàn thành 7 quy hoạch chiến lược, làm nền để triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và thu hút tối đa nguồn lực đầu tư. Đầu năm nay, Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã được phê duyệt, mở thêm dư địa tăng tưởng mới cho tỉnh.

Hiệu quả nhìn thấy ngay là thu nhập bình quân đầu người được cải thiện, tăng gần gấp đôi, từ 3.770 USD/người năm 2016 lên 6.500 USD/người năm 2020 và cao gấp hơn 2 lần mức bình quân chung cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 đạt hơn 220.000 tỷ đồng, tăng gần 30% so với giai đoạn 2011 - 2015. Trong đó, thu nội địa đạt trên 154.900 tỷ đồng, tăng 94,02%, chiếm 72,9% tổng thu ngân sách nhà nước. Đặc biệt, trong 3 năm (2020, 2021, 2022), dù chịu tác động tiêu cực, nghiêm trọng chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra, song tỉnh Quảng Ninh vẫn thực hiện thành công “mục tiêu kép”, giữ vững tốc độ tăng trưởng GRDP ở mức 2 con số. Cụ thể, năm 2020 đạt mức tăng trưởng 10,05%, năm 2021 đạt 10,28%, GRDP năm 2022 tăng 10,28%; thu ngân sách nhà nước đạt 56.500 tỷ đồng, thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước có số thu nội địa cao.

Còn trong 9 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của Quảng Ninh vẫn được duy trì tốt, đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu của cả năm.

Có thể thấy, những nỗ lực không ngừng nghỉ đã để lại dấu ấn rất sâu đậm trong đời sống xã hội, trong tiềm thức của người dân Quảng Ninh. Và đến nay, người dân nơi đây dù đi đâu cũng luôn tự hào về hai chữ “Quảng Ninh”, như là một biểu tuợng của sự cải cách, vươn lên, của sự giàu đẹp về một đất muốn đến và đáng sống.

Điểm đến cuối là hạnh phúc của người dân

Với quan điểm, mọi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả tăng trưởng, không để ai bị bỏ lại phía sau, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách riêng về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Trong đó, đặc biệt ưu tiên bố trí nguồn lực cho các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế để từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền.

Tỉnh Quảng Ninh đã mở rộng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Diện mạo thành thị và nông thôn của tỉnh được thay đổi rõ rệt, nhất là tại các khu vực đặc biệt khó khăn, nông thôn, miền núi, biên giới, biển, đảo.

Một bệnh viện lão khoa và phục hồi chức năng của tỉnh đã được đưa vào hoạt động trong năm 2022. Trong năm 2023, bệnh viện chuyên khoa về phổi được nâng cấp và mở rộng quy mô; 17 dự án về trường học đã được tỉnh bố trí hơn 1.700 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương xây dựng, trong đó, có nhiều trường học được xây mới xong. Nhiều dự án nhà ở xã hội với hạ tầng đồng bộ cũng đang được triển khai xây dựng.

Vậy là, mong mỏi về sự phát triển kinh tế theo hướng bền vững dựa vào 3 trụ cột: thiên nhiên, con người, văn hóa, kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập và cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Ninh luôn kỳ vọng đang dần hiện hữu từng ngày.

Thu Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/su-doi-thay-ky-dieu-cua-manh-dat-quang-ninh-d201719.html