Sư đoàn tăng tinh nhuệ tấn công Avdiivka, quân Ukraine trụ được bao lâu?

Sư đoàn xe tăng tinh nhuệ số 90 của Nga mở cuộc tấn công dữ dội vào Avdiivka, liệu quân phòng thủ Ukraine tại đây trụ được bao lâu? Quan chức cấp cao Mỹ: Có 'bất ngờ' giành cho Nga?

Theo thông tin của Viện nghiên cứu chiến tranh Mỹ (ISW) ngày 23/1, quân Nga đã triển khai Sư đoàn xe tăng cận vệ 90 Donetsk thuộc Tập đoàn quân 41 tại thành phố Avdiivka, khu vực đang diễn ra các trận đánh ác liệt nhất trên chiến trường Ukraine hiện nay.

Sự xuất hiện của Sư đoàn tăng cận vệ 90 tại Avdiivka có thể tác động tới tương quan lực lượng giữa hai bên. Sau khi được tăng cường thêm quân tiếp viện, quân Nga tấn công quyết liệt hơn ở các hướng Tây Bắc, Tây Nam và Nam Avdiivka.

Truyền thống của Sư đoàn xe tăng cận vệ số 90 được bắt nguồn từ Sư đoàn xe tăng tình nguyện Ural trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Hiện Sư đoàn 90 có ba trung đoàn xe tăng, gồm Trung đoàn xe tăng cận vệ số 6, số 80 và số 239.

Ngoài ra, Sư đoàn còn có một trung đoàn bộ binh cơ giới (Trung đoàn 228), một trung đoàn pháo tự hành (Trung đoàn 400), một lữ đoàn pháo phản lực phóng loạt (Lữ đoàn 232) và một trung đoàn phòng không. Khả năng chiến đấu của Sư đoàn rất mạnh.

Sư đoàn tăng 80 được lãnh đạo Quân đội Nga trao tặng danh hiệu "Cận vệ" vì sự dũng cảm trong chiến đấu sau khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu vào năm 2022. Nhìn chung, Sư đoàn xe tăng cận vệ 90 là đơn vị tinh nhuệ và hùng mạnh hàng đầu của Quân đội Nga.

Sư đoàn xe tăng cận vệ số 90 tham gia tấn công vào phía bắc Kiev năm 2022, khi đó một số tiểu đoàn chiến thuật (BTG) của sư đoàn được sử dụng làm quân tiên phong nhưng bị tổn thất nặng nề. Sau khi quân Nga bị đánh bại khỏi mặt trận ở Kiev, sư đoàn này rút lui về tổ chức lại và sau đó được tái triển khai tới miền đông Ukraine.

Lực lượng phòng thủ của Quân đội Ukraine ở Avdiivka có phần bị choáng ngợp trước số lượng quân số và vũ khí ngày càng tăng của quân Nga tại mặt trận này. Điều này cũng đặt ra câu hỏi về việc Quân đội Ukraine có thể tồn tại ở đó được bao lâu?

Với số lượng lớn xe tăng Nga tham chiến, đương nhiên sẽ gây thêm áp lực cho Quân đội Ukraine. Nếu quân đội Ukraine muốn tiếp tục bảo vệ cứ điểm chiến lược này, thì tất yếu sẽ đầu tư thêm quân và vũ khí; nếu không phải sớm lên kế hoạch rút lui.

Trong khi đó, thông tấn xã RBC-Ukraine và các phương tiện truyền thông khác của Ukraine hôm 31/1 đưa tin, Lầu Năm Góc đã xác nhận rằng Mỹ có ý định cung cấp thêm cho Ukraine loại bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB)”, nhưng từ chối tiết lộ thời gian bàn giao loại bom có tầm bắn xa này cho Ukraine.

Vào tối ngày 30/1, người phát ngôn Lầu Năm Góc Patrick Ryder xác nhận, Ukraine sẽ nhận được bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất từ Mỹ. "Chúng tôi sẽ cung cấp GLSDB cho Ukraine như một phần của chương trình hỗ trợ an ninh do Sáng kiến hỗ trợ an ninh Mỹ (USAI) tài trợ".

Tuy nhiên, ông Patrick Ryder nói rõ rằng, do những cân nhắc về an ninh, Lầu Năm Góc sẽ không xác nhận thời gian cụ thể cho việc chuyển giao loại vũ khí này, mà "Chúng tôi sẽ để phía Ukraine thảo luận về mọi vấn đề giao hàng".

Trước đó vào ngày 30/1, trang Politico của Mỹ dẫn lời quan chức Mỹ quen thuộc với vấn đề này cho biết, Lầu Năm Góc đã thử nghiệm thành công GLSDB cho Ukraine và dự kiến sẽ được triển khai trên chiến trường Ukraine sớm nhất là vào ngày 31/1. Thông tin cũng cho biết, ngay cả Quân đội Mỹ cũng chưa được trang bị loại bom này.

Ngoài ra, trong chuyến thăm Kiev ngày 31/1, quyền Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, bà Victoria Nuland (áo màu xanh đứng giữa) khẳng định, Quân đội Nga dự kiến sẽ nhận được "một số bất ngờ" trên chiến trường Ukraine và động viên rằng, "Quân đội Ukraine sẽ đạt được một số thành công rất lớn trong năm nay".

Còn tờ Izvestia của Nga đưa tin, ông Denis Pushilin, lãnh đạo khu vực Donetsk được Nga ủng hộ, cho rằng việc Mỹ cung cấp GLSDB với tầm bắn khoảng 150 km cho Ukraine, chỉ có thể chứng minh mục tiêu “phi quân sự hóa” Ukraine của Nga “là cần thiết”.

Ông Denis Pushilin tin rằng, những nỗ lực của NATO nhằm biến lãnh thổ Ukraine thành nơi thử nghiệm vũ khí của mình, đang đạt đến một tầm cao mới; do vậy, để đảm bảo an ninh, nước Nga phải có những hành động quyết liệt.

Còn ông Anatoly Matvichuk, chuyên gia quân sự Nga và cựu sĩ quan lực lượng đặc biệt, cho biết GLSDB không phải là loại vũ khí quá đặc biệt, nó là loại bom hàng không thông thường, nhưng thêm động cơ tên lửa, để có thể phóng đi từ mặt đất và có tất cả các đặc tính vật lý của tên lửa.

Ông Matvichuk cho rằng: “Tất cả các hệ thống tên lửa phòng không của chúng tôi, từ Pantsir trở lên, đều có thể dễ dàng phát hiện loại bom này và tiêu diệt nó và thực tế, lực lượng phòng không của Nga đã bắn hạ loại bom này”.

Hãng thông tấn RBC-Ukrainian cho biết, GLSDB là loại bom dẫn đường chính xác, do Công ty Boeing của Mỹ và Saab của Thụy Điển hợp tác phát triển, sử dụng dẫn đường GPS và có thể vượt qua một số biện pháp đối phó điện tử nhất định, đồng thời có thể sử dụng trong nhiều điều kiện thời tiết khác nhau; tầm bắn tối đa khoảng 150 km.

Loại bom này kết hợp giữa động cơ tên lửa M26 và bom cỡ nhỏ GBU-39, được phóng đi từ bệ phóng của các loại pháo phản lực cơ động cao như HIMARS hoặc M270. Nguyên tắc dẫn đường như các loại tên lửa M31 của HIMARS hay M-270.

Vào tháng 11 năm ngoái, truyền thông phương Tây đưa tin Mỹ đã hoãn chuyển lô GLSDB cho Ukraine cho đến năm 2024. Tờ Polotico của Mỹ cho biết, Lầu Năm Góc đã công bố vào tháng 2 năm ngoái rằng, chính quyền Biden đã cung cấp GLSDB cho Ukraine, nhưng chỉ là loại tầm ngắn; còn loại tầm xa Mỹ phải thử nghiệm mất gần một năm. Ảnh: Topwar, Sputnik, CNN.

Tiến Minh (Theo Sohu, CNN)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/su-doan-tang-tinh-nhue-tan-cong-avdiivka-quan-ukraine-tru-duoc-bao-lau-1953596.html