Sự cố hay té nước theo mưa?

(VOV) - Việc dầu thải tràn ra môi trường được JVD Việt Nam lý giải là do lũ. Tuy nhiên, dư luận lại cho rằng, lũ là dịp để công ty “tống khứ” nước thải tồn ứ

Bình Phước tạm đình chỉ doanh nghiệp gây ô nhiễm

JRD Việt Nam xả thải gây hại môi trường

Sau đợt lũ ngày 20/10/2011, một số người dân ở thôn Phú Long (xã An Mỹ, huyện Tuy An, Phú Yên) trồng lúa và hoa màu tại cánh đồng Đá Vàng nằm phía Đông Nam nhà máy sản xuất ô tô JRD Việt Nam phát hiện hoa màu có hiện tượng khô cháy, rũ lá chết và tại nhiều chân ruộng, cây trồng vẫn còn đọng nhớt thải. Kết quả kiểm tra của ngành chức năng phát hiện có nhiều sai phạm về môi trường.

Bà Lê buồn rầu khi chứng kiến những thân lúa bị héo úa

Cây héo, lúa chết vì dầu thải

Bà Trần Thị Lê ở thôn Phú Long, xã An Mỹ, huyện Tuy An cho biết: Nhà bà làm 5 sào lúa vụ mùa ở cánh đồng Đá Vàng, nằm cạnh con suối Thô và sát vách Nhà máy sản xuất ô tô. Đợt mưa lũ vừa rồi, 5 sào ruộng nhà bị đất đá tràn lên lấp gần 70%, 30% diện tích lúa còn lại thì khô cháy vì bị nước nhiễm dầu thải ra tràn vào. Cả gia đình bà có đến 7 miệng ăn, trông cả vào 5 sào lúa mùa này, giờ đành mất trắng.

Hộ bà Lê Thị Thư làm 3.000m 2 lúa gần đó cũng bị đổi màu, khô héo khi cây lúa đang độ làm đòng.

Cùng với bà Lê, bà Thư, hộ ông Nguyễn Văn Tin, thôn Phú Long, xã An Mỹ cũng bị thiệt hại về hoa màu. Ông Nguyễn Văn Tin cho biết: Mấy ngày nước lớn, chính mắt ông chứng kiến cảnh dòng nước đen kịt, nhớp nháp dầu mỡ chảy từ phía các cống xả của Nhà máy hòa vào nước mưa của con suối Thô. Do suối Thô bị vỡ nên dòng nước mang theo dầu mỡ tràn vào các chân ruộng. Ông Tin trồng 3 sào đậu cô ve, khi bơm nước có chất thải này tưới cho đậu, vài hôm sau vườn đậu cô ve vàng và rụng lá hết, mất trắng. Ngay cả giếng nước nhà ông và 3 hộ dân gần Nhà máy cũng bị nhiễm dầu, váng dầu nổi lên trên nước, nấu lên để uống tạm mà vẫn bốc mùi nồng nặc.

Chiều 29/10, chúng tôi có mặt tại cánh đồng Đá Vàng, cách Nhà máy sản xuất ô tô JRD Việt Nam hơn 300 m về hướng Đông Nam vẫn còn ngửi thấy sặc mùi nhớt thải. Nhiều ruộng lúa, hoa màu vẫn còn dầu nhớt đen bám dày trên thân lúa, hoa màu, rau xanh.

Ông Biện Hồng Kông, Phó Chủ tịch UBND xã An Mỹ, huyện Tuy An cho biết: Qua thông tin của người dân báo, UBND xã đã cử cán bộ đến hiện trưòng kiểm tra, đồng thời báo cáo các ngành chức năng huyện, tỉnh có biện pháp giải quyết vấn đề này.

Sự cố hay “té nước theo mưa”?

Sáng 31/10, đoàn kiểm tra do bà Lê Đào An Xuân, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên làm trưởng đoàn cùng đại diện các bên có liên quan là phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Công an huyện Tuy An), phòng Tài nguyên Môi trường huyện Tuy An, UBND xã An Mỹ đã có buổi làm việc với Công ty TNHH sản xuất ô tô JRD Việt Nam.

Tại buổi làm việc, ông Tan Swee Leong, Tổng giám đốc Công ty cho rằng, nguyên nhân xảy ra sự cố là thời điểm ngày 20/10/2011, do điều kiện thời tiết, mưa lũ đã gây ngập hệ thống xử lý nước thải và tất cả các phân xưởng của Nhà máy, trong đó có các khu vực sản xuất có dầu nhớt, sau khi nước rút cuốn theo dầu nhớt ra môi trường. Lượng nước trong hồ xử lý (trong đó có cả nước lũ và nước thải) đã được công ty bơm xả ra môi trường.

Kết quả kiểm tra thực tế của đoàn kiểm tra ghi nhận: Tại hệ thống xử lý nước thải, ngoại trừ bể thu gom có chứa lượng nước thải khoảng 1/2 bể do quá trình vệ sinh nhà xưởng vào sáng 28/10, các bể còn lại đều không còn nước, dưới đáy bể vẫn còn đọng lại nước đục. Công ty thừa nhận đã bơm xả lượng nước thải từ tất cả các bể ra môi trường. Tuy nhiên công ty JRD Việt Nam có giải trình thêm là việc bơm xả nước thải ra môi trường công ty chỉ bơm nước lụt từ hồ xử lý ra môi trường từ bể cuối cùng (nơi đặt máy bơm). Hiện trạng môi trường bị ảnh hưởng là do sự cố rò rỉ chất thải của Công ty do nước lũ tràn vào Nhà máy.

Hiện trạng môi trường khu vực bị ảnh hưởng do sự cố rò rỉ chất thải của công ty, theo nhận định bằng cảm quan của các thành viên đoàn kiểm tra: Ruộng lúa của hộ bà Lê Thị Thư đổi sang màu vàng ở một vài vị trí nhưng chưa xác định tổng diện tích thiệt hại. Các thành viên đoàn đã lấy một mẫu đất tại ruộng lúa của hộ bà Thư (cách nhà máy 300m về hướng Đông Nam) gửi đơn vị chức năng phân tích để xác định mức độ ô nhiễm tại khu vực này; lấy một mẫu nước thải tại họng ra cuối cùng của cống thoát nước thải, một mẫu nước mặt tại suối Thô cách họng cống 5m để kiểm tra phân tích.

Về quản lý chất thải nguy hại theo đánh giá của đoàn kiểm tra, việc thu gom, phân loại và bố trí kho chứa tạm thời chất thải nguy hại (CTNH) không đúng quy định. Trong khuôn viên Nhà máy có tồn một lượng lớn bùn thải để ở nhiều vị trí; các thùng sơn để ngoài trời tại bãi container, các chất thải để lẫn với nhau, kho chứa không đáp ứng các quy định tại điểm 3, phụ lục 7 của Thông tư 12/2011/TT-BTNMT; không dán nhãn, không ký hợp đồng với đơn vị chức năng để xử lý chất thải nguy hại theo quy định; chưa báo cáo UBND huyện Tuy An về nội dung phê duyệt của quyết định báo cáo Đánh giá tác động môi trường.

Về giám sát môi trường định kỳ, Nhà máy chỉ thực hiện đo đạc các chỉ số ô nhiễm về nước thải một lần vào tháng 8/2009, không thực hiện các năm 2010 và 2011; không có văn bản báo cáo gửi Sở Tài nguyên Môi trường về tình hình phát sinh và quản lý chất thải nguy hại theo quy định; không có phương án phòng chống rò rỉ dầu theo quy định, dẫn đến việc rò rỉ, thất thoát dầu nhớt ra môi trường.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Lưu, Phó Trưởng Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Phú Yên) cho rằng: Không thể đổ lỗi sự cố xảy ra là do lũ lụt. Ở đây, công ty đã không có phương án ứng phó với sự cố về môi trường trong trường hợp có thiên tai theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Khi sự cố xảy ra, công ty đã không báo cáo kịp thời các ngành chức năng có liên quan để phối hợp xử lý, để xảy ra hậu quả thì công ty phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về những sai phạm của mình.

Dư luận đặt câu hỏi liệu đây có thực là sự cố? Tại sao trong 2 năm 2010 và 2011, công ty sản xuất ô tô JRD Việt Nam không thực hiện đo đạc các chỉ số ô nhiễm về nước thải? Phải chăng lượng nước thải để tồn ứ, chờ cơ hội nước lũ vào là “té nước theo mưa”?

Hiện các mẫu nước, đất đang được các cơ quan chức năng phân tích để làm rõ, nhưng rõ ràng từ kết quả kiểm tra trên một lần nữa cho thấy, công ty đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ môi trường. Nếu ngành chức năng không có biện pháp kiên quyết đối với những vi phạm thì sẽ tạo ra tiền lệ xấu và người dân chính là người phải gánh chịu thiệt hại./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/home/su-co-hay-te-nuoc-theo-mua/201111/190378.vov