Sự can đảm của Selena Gomez khi nói về việc khó mang thai

186 triệu người được coi là hiếm muộn trên toàn thế giới, nhưng không phải ai cũng đủ can đảm để chia sẻ về nỗi đau của mình như Selena Gomez.

 Thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực khiến Selena Gomez khó mang thai. Ảnh: Reuters.

Thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực khiến Selena Gomez khó mang thai. Ảnh: Reuters.

Trong bài phỏng vấn hôm 3/11 với Rolling Stone, Selena Gomez nói rằng cô rất mong muốn có con nhưng điều đó trở nên khó khăn khi cô đang phải dùng các loại thuốc điều trị chứng rối loạn lưỡng cực.

Sau chuyến thăm một người bạn đang lên kế hoạch mang thai, Selena kể cô đã khóc khi ngồi trên xe trở về nhà. "Có con là niềm mơ ước lớn, rất lớn trong cuộc đời tôi. Tôi muốn có con, tôi sẽ làm mọi cách để có con", nữ ca sĩ 30 tuổi chia sẻ.

Theo thống kế của WHO, có khoảng 48 triệu cặp vợ chồng và 186 triệu người được coi là hiếm muộn trên toàn cầu. Riêng tại Mỹ, hơn 6 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ gặp khó khăn trong việc mang thai.

Trong nhiều năm qua, vô sinh hiếm muộn đưa đến nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần nhưng đồng thời là một chủ đề cấm kỵ mà mọi người không muốn hay thậm chí né tránh tìm hiểu, thảo luận và chia sẻ.

Vô sinh hiếm muộn được định nghĩa là không có khả năng mang thai sau một năm quan hệ tình dục thường xuyên mà không sử dụng các biện pháp tránh thai. Thời hạn rút ngắn xuống còn 6 tháng đối với phụ nữ từ 35 tuổi trở lên.

Suy sụp thể chất, tình cảm, tinh thần

L'Oreal Thompson Payton (33 tuổi), sống ở Chicago, Illinois, chưa bao giờ nghe bất kỳ cuộc thảo luận nào về các phương pháp điều trị vô sinh hiếm muộn khi lớn lên.

"Vì sự xấu hổ và kỳ thị xung quanh vấn đề vô sinh, bạn không nghe nhiều về nó. Do đó, những người gặp phải vấn đề này cảm thấy rất áp lực và khó khăn", Payton cho hay.

Ngay cả khi Payton, một nhà văn, nhận thấy mình đã ngoài 30 tuổi, kết hôn, không thể thụ thai và chuyển sang thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), cô nói rằng rất ít người muốn thẳng thắn chia sẻ về vấn đề này.

"IVF là quá trình mất nhiều thời gian và có thể khiến bạn suy sụp thể chất, tình cảm, tinh thần", Payton nói với Good Morning America.

 Không phải ai cũng đủ can đảm để chia sẻ về chuyện khó mang thai như Selena Gomez. Ảnh: Elle.

Không phải ai cũng đủ can đảm để chia sẻ về chuyện khó mang thai như Selena Gomez. Ảnh: Elle.

"Bạn đặt cơ thể của mình dưới rất nhiều căng thẳng về thể chất và tinh thần, bởi vì bạn đang làm điều này với hy vọng rằng mình sẽ đạt được kết quả mong muốn. Nhưng như chúng ta đều biết, không phải lúc nào kết quả cũng đến".

Là một phụ nữ da đen, Payton đôi lúc cảm thấy bị kỳ thị khi phải nhờ cậy đến sự giúp đỡ của y học. Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, phụ nữ da đen chưa từng sinh con gần gấp đôi so với phụ nữ da trắng, nhưng số người tìm đến sự trợ giúp y tế để chữa trị chỉ bằng một nửa.

Không chỉ phụ nữ da đen, nữ giới châu Á, gốc Á cũng cảm thấy khó khăn khi đối mặt với các vấn đề về sức khỏe sinh sản.

Theo Victor Fujimoto, Giám đốc chương trình IVF tại Đại học California, San Francisco, các cặp vợ chồng và phụ nữ gốc Đông Á thường mất thời gian đáng kể trước khi tham khảo ý kiến bác sĩ về khả năng sinh sản và ít có khả năng tìm kiếm can thiệp sớm hơn khi đang gặp vấn đề trong việc thụ thai.

"Khi chúng tôi xem xét các bệnh nhân châu Á, 40% hoặc hơn im lặng trong ít nhất hai năm sau khi xuất hiện các vấn đề", ông Fujimoto trích dẫn một nghiên cứu năm 2007 do ông đồng tác giả.

Ông Fujimoto lưu ý rằng có những yếu tố xã hội và văn hóa có thể đóng vai trò trong việc hạn chế khả năng tiếp cận chăm sóc sinh sản ở người dân châu Á và phụ nữ Mỹ gốc Á. Điều này khiến tỷ lệ mang thai sau khi điều trị IVF ở nhóm này thấp hơn phụ nữ da trắng.

Hành trình đau đớn nhưng đơn độc

Trong IVF, phương pháp điều trị vô sinh nổi tiếng nhất, trứng của phụ nữ và tinh trùng của đàn ông được kết hợp trong phòng thí nghiệm để tạo ra phôi thai. Tinh trùng có thể đến từ bạn tình của người phụ nữ hoặc từ một người hiến tặng.

Từ 5 đến 10 ngày sau khi phôi được tạo ra, nó sẽ được một nhà phôi học kiểm tra để xác định khả năng tồn tại. Nếu phôi có thể sống được, nó sẽ được chuyển vào tử cung của người phụ nữ.

Nhưng trước những quy trình đó, phụ nữ phải siêu âm, xét nghiệm máu và dùng thuốc tiêm, thuốc uống để kích thích buồng trứng.

Đó là "mớ hỗn độn" mà Payton nói rằng cô đã không kịp lường trước, đặc biệt là các tác dụng phụ ảnh hưởng xấu đến cơ thể.

"Thực hiện IVF về cơ bản là phó mặc cơ thể của bạn cho thuốc, cho bác sĩ, cho các cuộc hẹn và phác đồ. Bạn không còn kiểm soát được cơ thể mình nữa", cô mô tả.

Payton cho biết cô bị bầm tím, có nhiều vết sẹo trong khi tiêm hormone hàng ngày, mô tả tất cả là một "quá trình xấu xí". "Khi trải qua lần lấy quả trứng đầu tiên, tôi cảm thấy cực kỳ nặng nề. Các triệu chứng rất giống với thai kỳ và cũng tương tự như tiền mãn kinh. Mọi thứ đều rối loạn và nhạy cảm".

 L'Oreal Thompson Payton sử dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) để cố gắng mang thai. Ảnh: L'Oreal Thompson Payton.

L'Oreal Thompson Payton sử dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) để cố gắng mang thai. Ảnh: L'Oreal Thompson Payton.

Theo bác sĩ Meggie Smith, chuyên gia sinh sản ở Nashville, Tennessee, khi trải qua quá trình thụ tinh ống nghiệm, buồng trứng của phụ nữ phát triển từ kích thước xấp xỉ quả óc chó đến kích thước bằng quả cam.

"Chúng tôi đang cố gắng thu được tất cả trứng để phát triển. Vì vậy, buồng trứng của bạn trở nên lớn hơn nhiều và estrogen, một loại hormone, tăng cao so với bình thường".

Estrogen giữ nước nên nhiều bệnh nhân cảm thấy bị đầy hơi, khó chịu. Buồng trứng lớn hơn cũng tạo áp lực lên vùng xương chậu. Nhiều phụ nữ còn nói về cảm giác đau ở nơi tiêm thuốc, có thể bị bầm tím, tùy thuộc vào cơ địa từng người.

Bà Smith lưu ý rằng nỗi đau thể xác mà phụ nữ cảm thấy trong quá trình điều trị vô sinh có thể còn khó khăn hơn bởi thực tế là cơn đau không thể nhìn thấy được, không giống như việc bị gãy tay, chân.

"Vô sinh là chủ đề cấm kỵ. Hầu hết mọi người không xem vô sinh là một căn bệnh. Vẫn còn sự xấu hổ, kỳ thị, chỉ vì nhiều người nghĩ rằng kết hôn và sinh con là điều mà phụ nữ phải làm".

Ngay chính một số phụ nữ hiếm muộn cũng có cảm giác cơ thể của mình trở nên "vô dụng" chỉ vì không thể mang thai. Điều này khiến quá trình điều trị trở thành một hành trình đấu tranh đơn độc.

"Trong phần lớn cuộc đời, đặc biệt là ở độ tuổi 20 và thậm chí 30, chúng ta cố gắng để không mang thai. Nhưng sau đó kế hoạch thay đổi, việc mang thai lại khó hơn rất nhiều so với suy tính ban đầu. Tôi nghĩ rằng khi nhiều phụ nữ không nhận ra vô sinh hiếm muộn là một căn bệnh, họ có xu hướng đổ lỗi cho bản thân và không muốn nói về nó nữa", bà Smith giải thích.

Theo WHO, vô sinh có liên quan đến tỷ lệ cao của "các triệu chứng trầm cảm và lo âu".

Bà Smith luôn khuyến khích bệnh nhân của mình nói chuyện với các nhà trị liệu và bác sĩ tâm lý khi trải qua các đợt điều trị vô sinh. Bà cũng lưu ý rằng những cuộc trò chuyện cởi mở và trung thực - giữa bác sĩ và bệnh nhân, vợ chồng, bạn bè, cha mẹ và con cái - sẽ dần dần xóa bỏ sự kỳ thị.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/su-can-dam-cua-selena-gomez-khi-noi-ve-viec-kho-mang-thai-post1372019.html