Sự biến động của quyền thế

(DĐDN) Một trong những nét đặc thù của thế giới năm 2012 sẽ tiếp tục trong năm 2013 là sự chuyển dịch ưu thế quyền lực vốn tập trung vào khu vực nhất định hay gần như thuộc về đối tác nào đó sang khu vực và đối tác khác, cả về chính trị cũng như kinh tế.

Sự biến động trong tương quan lực lượng trên thế giới về chính trị và kinh tế bắt đầu từ cách đây một vài năm. Càng về sau, tốc độ biến động càng nhanh, mức độ biến động càng sâu sắc và tác động của chúng càng mạnh mẽ.

Từ tuyệt đối sang tương đối

Ưu thế và vị thế khác nhau, khả năng và tiềm năng khác nhau về mọi phương diện nên các quốc gia và đối tác trên thế giới chi phối và tác động khác nhau tới diễn biến tình hình thế giới nói chung, các khu vực và quốc gia nói riêng. Về phương diện này có thể thấy nổi rõ hai chiều hướng diễn biến. Thứ nhất, chẳng có ưu thế quyền lực nào tồn tại vĩnh viễn. Tính khả biến của ưu thế quyền lực không chỉ thách thức mà thậm chí còn có thể đe dọa sự tồn tại của ưu thế quyền lực đó. Thứ hai, ưu thế quyền lực dịch chuyển từ tuyệt đối sang tương đối, từ số ít sang số đông, từ cá thể sang tập thể, từ ưu thế chung sang ưu thế lẻ.

Không chỉ có thế, ngày nay, các quốc gia thậm chí còn cần sự hợp tác và hậu thũan từ bên ngoài để giải quyết những thách thức đối với riêng mình.

Mỹ tuy vẫn có nhiều ưu thế hơn cả về nhiều phương diện nhưng cũng đã thấm thía bài học thất bại của phương châm hành động "đơn phương như có thể, đa phương khi cần thiết" để chuyển sang "đa phương như có thể, đơn phương khi cần thiết". Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và Ấn Độ cũng như sự phục hồi ngày càng rõ rệt của Nga về chính trị, kinh tế và quân sự, sự phát triển của các tổ chức quốc tế và khu vực và sự hình thành những trung tâm quyền lực mới ở nhiều khu vực đã làm thay đổi cơ bản tương quan lực lượng và cục diện quan hệ trên thế giới. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, khuôn khổ diễn đàn G20 đã nổi bật và ngày càng lấn át vai trò cũng như ảnh hưởng và tác động của diễn đàn G8. Những hình thức tập hợp lực lượng lỏng lẻo và nhất thời phát huy tác dụng nhiều hơn những hình thức và cấp độ liên minh, liên kết tồn tại từ nhiều năm nay. Các cường quốc quân sự phải cần đến đồng minh tham gia tiến hành chiến tranh. Nhiều cường quốc kinh tế bị các nước mới nổi và đang phát triển đuổi kịp, vượt mặt hoặc bám sát. Quyền thế mà ai đó có được không phải cứ có được là sẽ tồn tại mãi mãi. Ưu thế không phải bất di bất dịch. Tất cả đều có thể thay đổi.

2013 - Quyền thế thuộc về ai ?

Về kinh tế, ưu thế từ nhịp độ tăng trưởng, mức độ ổn định và bền vững thuộc về phía các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển nhiều hơn là về phía các nền công nghiệp phát triển. Các nước công nghiệp phát triển đang phải đối phó với những vấn đề khó khăn lớn và nan giải như thâm hụt ngân sách và vay nợ công, thất nghiệp và kinh tế trì trệ, cải cách xã hội nửa vời và bất cập trong chính sách tiền tệ. Các nước mới nổi và đang phát triển không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng, nhưng không bị khủng hoảng và cơ bản vẫn duy trì được tăng trưởng kinh tế.

Về chính trị và an ninh, ưu thế nổi bật vẫn thuộc về các nước lớn. Những thể chế quốc tế và khu vực hiện hành vẫn chịu sự tác động đến chi phối của các nước lớn và bị sử dụng làm diễn đàn cho những dàn xếp lợi ích giữa họ với nhau, dù đó là LHQ hay Quỹ Tiền tệ quốc tế hoặc Ngân hàng Thế giới, dù đó là những tổ chức hợp tác và liên kết khu vực, châu lục hay liên châu lục, theo cách tinh vi và khôn khéo hơn, dễ che đậy và lấp liếm hơn. Một trong những nhân tố quyết định ở phương diện này là tiềm lực quân sự. Không có chiến tranh thế giới hay chiến tranh giữa các quốc gia với nhau trên quy mô lớn, nhưng những cuộc chiến tranh đã xảy ra ở một quốc gia như Iraq hay Afghanistan, Lybia hay hiện tại ở Mali lại đều có tác động tới triển vọng tình hình chính trị an ninh của cả thế giới. Nếu không ỷ vào tiềm lực quân sự thì Mỹ đã không dám tiến hành chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, Nato không dám tham chiến ở Lybia và Pháp chắc chắn cũng không dám phát động chiến tranh ở Mali. Trong chừng mực rất đáng kể, quyền thế trên thế giới vẫn còn thuộc về các cường quốc quân sự.

Thách thức quyền lực đối với các nước lớn sẽ là cơ hội cho các nước nhỏ hơn.

Ở thời buổi hiện nay, tất cả các tổ chức hợp tác và liên kết khu vực, dù lâu đời hay mới thành lập, dù có đông hay ít thành viên, đều gặp khó khăn cả về định hướng phát triển lẫn nội bộ, đều bị suy giảm vai trò và yếu kém thực chất. EU và ASEAN là hai bằng chứng điển hình. EU và đồng tiền chung Euro bị khủng hoảng tài chính, khủng hoảng nợ công và suy thoái kinh tế đe dọa nghiêm trọng. Còn ASEAN bị phân hóa nội bộ sâu sắc.

Cũng trong bối cảnh tình hình ấy, sự quan tâm và ưu tiên ngày càng tăng của các quốc gia và khu vực được tập trung dành cho các thỏa thuận mậu dịch tự do song phương nhiều hơn là cho đa phương. Triển vọng sớm kết thúc thành công Vòng đàm phán Doha của WTO càng ngày càng thêm mờ mịt trong khi nỗ lực đàm phán và ký kết thỏa thuận thành lập các khu vực mậu dịch tự do song phương lại gia tăng đáng kể.

Câu hỏi chung về quyền lực chính trị và kinh tế thuộc về ai thật khó trả lời vì xem ra hiện tại và cả trong tương lai không có ai giành được tất cả quyền lực ấy. Có nước được nhiều, có quốc gia được ít nhưng cũng chỉ theo từng lĩnh vực nhất định và trong những thời điểm nhất định. Thách thức quyền lực đối với các nước lớn sẽ là cơ hội cho các nước nhỏ hơn. Bối cảnh và viễn cảnh tình hình ấy buộc tất cả các nước trên thế giới dù muốn hay không, dù muộn hay sớm rồi cũng phải hợp tác với nhau và dựa cậy vào nhau.

Thụy Vân

Nguồn DĐDN: http://dddn.com.vn/20130131100431727cat120/su-bien-dong-cua-quyen-the.htm