SSI Research: Thị trường Nhật Bản là động lực giúp Sao Ta (FMC) duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận

Trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản gặp nhiều thách thức do tín hiệu kém từ thị trường quốc tế, nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch kinh doanh đi ngang, thậm chí chững lại cho năm 2023. Thế nhưng CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã: FMC) vẫn tự tin với kế hoạch doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng nhờ xác định đúng thị trường mục tiêu cùng mở rộng quy mô sản xuất.

Lạc quan với kế hoạch tăng trưởng 'ngược dòng' ngành

Ngày 7/4 vừa qua, FMC đã tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên, thông qua mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trong bối cảnh đa số các công ty thủy sản khác đặt kế hoạch lợi nhuận "đi lùi". Cụ thể, FMC đặt mục tiêu doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế năm 2023 lần lượt 5.900 tỷ đồng và 400 tỷ đồng, tăng 3% và 22% so với mức thực hiện được năm 2022.

Nhận định về thị trường, FMC cho biết khó khăn trước mắt là lạm phát, suy thoái, sức tiêu thụ ở các thị trường lớn, sự cạnh tranh ở mặt hàng tômtrên thị trường quốc tế ngày càng gay gắt, dịch bệnh chưa được khắc phục. Bên cạnh đó, ngành tôm Việt Nam còn đứng trước khó khăn khi xuất hiện xu thế không chỉ chú trọng chất lượng, giá cả mà còn phải quan tâm những vấn đề rộng lớn bền vững hơn như sản phẩm thân thiện môi trường và được sản xuất bằng những phương pháp giảm thiểu khí thải. Ngoài ra là những vấn đề phúc lợi động vật, cụ thể trong nuôi tôm là nuôi tôm nhân đạo với những chuẩn mực có quy định khó rõ ràng.

Dù vậy, FMC vẫn đặt kế hoạch tươi sáng cho cả năm bởi "dự đoán kinh tế Mỹ sẽ khởi sắc vào quý III, kéo theo tình hình thế giới khởi sắc", thêm vào đó vùng nuôi đạt chuẩn ASC mới sẽ là nền tảng thâm nhập vào thị trường EU. Ban lãnh đạo tin tưởng rằng từ đầu quý III/2023, hoạt động FMC sẽ khởi sắc rõ nét.

SSI Research: Dự báo doanh thu quý I của Sao Ta khoảng 1.000 tỷ, động lực tăng trưởng đến từ thị trường Nhật Bản

Trong một dự báo mới đây, Chứng khoán SSI Research cho rằng Sao Ta sẽ duy trì đà tăng trưởng trong năm 2023 với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 5.825 tỷ và 328 tỷ đồng, tương đương tăng 2,2% và 6,1% so với cùng kỳ. Dự phóng này giảm nhẹ so với kế hoạch kinh doanh năm 2023 mà doanh nghiệp đặt ra.

Đơn vị chứng khoán này giả định rằng sản lượng tiêu thụ tôm sẽ tăng 5%, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng sản lượng của công ty đặt ra là 7%. Đồng thời dự báo giá bán tôm bình quân của FMC sẽ giảm 3% so với cùng kỳ do xuất khẩu tôm của Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, SSI Research kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ duy trì ở mức ổn định 11% do trang trại nuôi tôm dự kiến sẽ mở rộng trong năm 2023.

Với giá bán bình quân cao, cạnh tranh thấp và rào cản gia nhập Châu Âu, SSI Research dự báo thị trường Nhật Bản sẽ giúp FMC đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan trong năm 2023.

Dự phóng của công ty chứng khoán dựa trên cơ sở thị trường này đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu của FMC. SSI Research ước tính trong quý I, doanh thu thuần sơ bộ của FMC đạt 1.000 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ với mức tiêu thụ tôm và sản lượng tiêu thụ nông sản giảm lần lượt 30% và 37%. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế ước đạt 50 tỷ đồng, tăng 11% so với quý I/2022.

"Động lực tăng trưởng lợi nhuận trong quý I của FMC đến từ giá bán bình quân cao hơn (giá tôm tăng lên 12,8 USD/kg, tăng 4%) và chi phí vận chuyển thấp hơn do doanh nghiệp tập trung vào thị trường Nhật Bản, chiếm 40% thị phần xuất khẩu trong toàn quý." - SSI Research nhận định.

Dự báo của các chuyên gia cũng trùng khớp với chiến lược phát triển của FMC trong thời gian tới. Trước đó, tại ĐHĐCĐ 2023, FMC đã xác định Nhật Bản sẽ là thị trường chính trong năm nay, bởi tại Hoa Kỳ, tôm giá rẻ Ecuador đang chiếm lợi thế, tôm Việt rất khó cạnh tranh. Còn tại Nhật Bản, tỷ suất lợi nhuận tốt hơn do có tỷ lệ hàng tinh chế, phối chế nên "Sao Ta sẽ tập trung tổng lực để phát triển thị trường này" - đại diện doanh nghiệp khẳng định.

Trước đó, theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT, Sao Ta đã bắt đầu chuẩn bị đối diện với những thách thức năm 2023 từ quý IV/2022. Doanh nghiệp đã hoàn tất nhà máy Sao Ta để có nền tảng tăng nhanh sản lượng chế biến khi thời cơ đến, đó là tập trung mọi nguồn lực cho việc hoàn tất hệ thống ao nuôi khu nuôi mới có.

Trích số liệu từ SSI Research, tính đến tháng 4/2023, trang trại của FMC vận hành thương mại với diện tích 322 ha. Khu vực trang trại của Vinfarm – Vĩnh Thuận (203 ha) sẽ bắt đầu thả nuôi tôm và sẽ hoạt động hết công suất từ tháng 5. Như vậy, FMC sẽ sở hữu diện tích trang trại lên tới 525 ha, tăng 40% so với cùng kỳ vào cuối năm 2023, và sẽ cung cấp khoảng 40% (so với 30% trong năm 2022) nguyên liệu tôm đầu vào cho sản xuất trong năm 2023. Nguồn cung nguyên liệu tôm còn lại đến từ các trang trại quy mô nhỏ.

Theo FMC, trang trại nuôi tôm mà FMC vận hành có tỷ lệ nuôi thành công trung bình là 85%, so với mức 35% của các trang trại khác. Ngoài ra, tỷ lệ hiệu quả sử dụng thức ăn (FCR) của công ty là khoảng 1,5, thấp hơn so với tỷ lệ FCR của nông dân bên ngoài trong khoảng 2,5-3,0. Với việc công ty C.P. Việt Nam sở hữu 25% cổ phần của FMC, doanh nghiệp sẽ được hưởng mức chiết khấu nhất định khi mua thức ăn thủy sản và tôm nguyên liệu từ CP. Do đó, tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ duy trì ở mức cao, giúp sản lượng tiêu thụ tôm nguyên liệu tự sản xuất sẽ tăng lên trong năm 2023.

FMC cũng đã bắt đầu vận hành thương mại hai nhà máy chế biến mới với tổng công suất thiết kế 20.000 tấn/năm (nhà máy Tam An: tăng 5.000 tấn/năm và nhà máy Sao Ta: tăng 15.000 tấn/năm) trong năm 2023. Các nhà máy mới nâng tổng công suất chế biến của FMC lên 45.000 tấn/năm, tăng 80% so với cùng kỳ. Trong năm 2023, công ty kỳ vọng nhà máy Tam An sẽ đạt 20% công suất hoạt động và nhà máy Sao Ta sẽ chiếm 20% doanh thu của FMC.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/ssi-research-thi-truong-nhat-ban-la-dong-luc-giup-sao-ta-fmc-duy-tri-da-tang-truong-loi-nhuan.html