Sốt xuất huyết giảm, nhưng bệnh dại và tay chân miệng gia tăng

Dịch sốt xuất huyết có xu hướng đi xuống, hiện chỉ còn 10 tỉnh, thành có số mắc gia tăng nhưng không cao

Chiều ngày 14/9, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh với Sở Y tế Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tại đây, các chuyên gia nhận định, dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) trong cả nước giảm gần 24%. Tuy nhiên, vẫn có 10 tỉnh có số mắc tăng . Số bệnh nhân SXH hiện nay tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chiếm tới gần một nửa số ca mắc trong toàn quốc.

Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Hạnh-  Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tuần qua, thành phố ghi nhận 2.235 bệnh nhân SXH. Đây là tuần thứ 4 liên tiếp số mắc ở Thủ đô có xu hướng giảm và không ghi nhận trường hợp nào tử vong. Trong khi dịch bệnh này tại hầu hết các quận nội thành giảm thì tại một số quận, huyện ven đô như Hà Đông, Thanh Xuân, Thanh Trì số ca mắc lại tăng, hàng nghìn người dân gọi điện đến các cơ sở y tế có dịch vụ xét nghiệm lưu động để xét nghiệm máu khi bị sốt cao. Trong số 29 ca tử vong do SXH từ đầu năm đến nay tại 12 tỉnh, thành phố thì Hà Nội chiếm 7 trường hợp, cao nhất nhất cả nước; 11 địa phương khác, mỗi nơi chỉ có từ 1 đến 3 ca tử vong.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp

“Hà Nội vẫn đang quyết liệt phòng chống dịch SXH, chưa có phút nào lơ là so với lúc đỉnh dịch dù dịch đã chững lại và có xu hướng giảm xuống. Theo chu kỳ dịch hàng năm, tháng 11 vẫn còn là đỉnh dịch, vì thế thành phố sẽ duy trì các biện pháp chống dịch”, ông Hạnh nói.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, dịch bệnh SXH đang chững lại. Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận hơn 14.000 ca mắc, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong những năm gần đây, số ca bệnh ghi nhận tại TP Hồ Chí Minh thường chiếm khoảng 40% số ca mắc của toàn khu vực miền Nam.

Về vấn đề thả muỗi chứa vi khuẩn Wolbachia tại đất liền nhằm ức chế sự nhân lên của vi rút gây bệnh sốt xuất huyết trên muỗi vằn, thông tin tại cuộc họp, GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết. muỗi mang vi khuẩn sẽ giúp làm ức chế khả năng lây truyền vi rút gây bệnh SXH cũng như vi rút Zika trong cộng đồng. Sau khi tổng kết nghiên cứu thả muỗi chứa vi khuẩn Wolbachia trên đảo Trí Nguyên (Nha Trang), hiện đang triển khai kế hoạch triển khai trên đất liền -chọn một phường ở TP Nha Trang và sau đó nếu thành công sẽ triển khai ra nhiều phường khác…

GS. TS Đặng Đức Anh phát biểu về dự án thả muỗi chứa vi khuẩn Wolbachia tại cuộc họp

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dịch SXH có xu hướng đi xuống, hiện chỉ còn 10 tỉnh, thành có số mắc gia tăng nhưng không cao. Tại Hà Nội số mắc giảm tương đối sâu, số ca vào viện giảm 40-50%. Tuy nhiên, nếu chủ quan, lơ là dịch sẽ quay lại. Vì thế thứ trưởng đề nghị tất cả các địa phương coi công tác phòng chống dịch SXH là việc ưu tiên từ nay đến tháng 11. Bên cạnh đó, việc diệt loăng quăng, bọ gậy vẫn hết sức quan trọng, cần phải làm tỉ mỉ, cẩn thận.

“Cần huy động mọi người dân, tổ chức xã hội tham gia diệt muỗi và bọ gậy; đồng thời nâng cao hơn nữa trách nhiệm chống dịch của chính quyền địa phương. Qua kiểm tra cho thấy, nhiều người dân còn chưa biết cách phát hiện những nơi muỗi có thể đẻ trứng nên bỏ lọt ổ bọ gậy trong thùng xốp chứa nước tưới cây cảnh hoặc dụng cụ chứa nước trong chuồng nuôi động vật”- Thứ trưởng nói.

Ông Hoàng Đức Hạnh- Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết Hà Nội vẫn đang quyết liệt phòng chống dịch SXH

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nhấn mạnh, bên cạnh việc chống dịch SXH, ngành y tế các địa phương cần quan tâm phòng chống bệnh dại đang có xu hướng gia tăng. Từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 56 trường hợp tử vong do bệnh dại, tương đương với số tử vong của năm 2016. Mỗi năm theo thống kê chung, cả nước có từ 240 đến 300 trường hợp tử vong do các bệnh truyền nhiễm, trong đó có khoảng 1/3 số ca tử vong do bệnh dại, rất thương tâm

Ngoài ra, dịch bệnh tay chân miệng cũng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát mạnh trong mùa tựu trường hiện nay. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 62.000 trường hợp mắc tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có hơn 28.000 trường hợp phải nhập viện, chủ yếu tại khu vực phía Nam. Chưa ghi nhận bệnh nhân tay chân miệng tử vong

Tại cuộc họp- PGS.TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, từ đầu năm đến ngày 13/9, cả nước ghi nhận 124.986 trường hợp mắc SXH, 29 trường hợp tử vong; trong đó, số trường hợp nhập viện là hơn 105.300 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp nhập viện tăng 43,9%, số tử vong tăng 10 trường hợp. Trong tuần từ 4-10/9, cả nước ghi nhận hơn 5.600 trường hợp mắc, không có tử vong; so với tuần trước 28/8 –3/9, số mắc giảm 23,9%.

Qua kết quả kiểm tra tại địa phương cho thấy mặc dù đã triển khai công tác phòng chống sốt xuất huyết nhưng các hoạt động còn chưa triệt để; tỷ lệ hộ gia đình còn phát hiện ổ bọ gậy, loăng quăng còn cao; độ bao phủ trong phun hóa chất chưa cao (80%) do người dân đi vắng hoặc đóng cửa. Người dân chưa chủ động thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng...

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, thời gian tới đề nghị các bộ ngành tiếp tục phối hợp triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng SXH. Ngoài tập trung cho các điểm nóng như Hà Nội, ngành y tế tiếp tục theo dõi và chỉ đạo đáp ứng phòng chống dịch tại TP Hồ Chí Minh, một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, ven biển miền Trung và Tây Nguyên. Các địa phương tiếp tục duy trì hoạt động của tổ xung kích diệt muỗi, bọ gậy; triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch tại các xã, phường, thực hiện các biện pháp tổng thể phun hóa chất, phun công suất lớn, phun thể tích nhỏ và áp dụng phun mù nhiệt tại các hộ gia đình, thực hiện tốt việc đóng cửa sau phun hóa chất. Các cơ sở điều trị thực hiện tốt công tác thu dung, phân tuyến điều trị, cấp cứu bệnh nhân sốt xuất huyết; điều trị ngoại trú, giảm quá tải tuyến trên và không để tử vong do SXH...

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/sot-xuat-huyet-giam-nhung-benh-dai-va-tay-chan-mieng-gia-tang-n136282.html