Sốt mò là gì, làm sao phòng tránh?

Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh) vừa cứu sống một bé gái nguy kịch vì bệnh sốt mò. Để giúp cho người dân hiểu đúng về sốt mò, chúng tôi xin được chia sẻ như sau:

1. Mò là con gì? Mò là một loại ve, nên còn được gọi là con ve mò, họ nhện, ngành chân đốt. Để dễ hình dung, người dân đã từng nhìn thấy con mạt gà trong ổ gà mình nuôi, thì con mò gần giống như con mạt gà vậy, nó nhỏ chỉ khoảng một ly (1 mm) nên có thể nhìn thấy được bằng mắt thường.

Nó có màu từ vàng đến đỏ da cam. Sở dĩ gọi là “mò”, có lẽ vì nó thường ở nơi bụi rậm, gốc cây, khe đá, ven sông suối có bụi rậm nên rất khó tìm, khó nhìn thấy, khó phát hiện ra ấu trùng mò.

Vòng đời mò có bốn giai đoạn: Trứng, ấu trùng, nhộng và mò trưởng thành. Chỉ có giai đoạn ấu trùng là giai đoạn duy nhất con mò cắn người và gây bệnh. Thời gian cắn kéo dài trung bình 48 - 72 giờ và chỉ cắn một lần duy nhất trong cuộc đời của mò.

Ấu trùng mò cắn nhiều loại sinh vật, bao gồm chuột, thỏ, cóc , chim…. Nếu con người vô tình đi đến vùng sinh sống của ấu trùng mò thì nó sẽ bám vào da con người và da chúng ta trở thành thức ăn của chúng. Sau khi bò lên da, chúng tiêm enzym tiêu hóa vào da để phá vỡ tế bào da.

Chúng không thực sự "cắn", nó không chui vào da vật chủ, chúng sử dụng các cấu trúc giống hàm để bám vào các vùng không có lông trên vật chủ, tiết ra các enzym tiêu hóa làm lỏng các tế bào da (biểu bì) của vật chủ và ăn các mô da bị phân hủy, tạo thành một lỗ trên da. Nó chỉ ăn da để có năng lượng chuyển sang giai đoạn trưởng thành và đẻ trứng, nó hoàn toàn không hút máu người.

Phản ứng của vật chủ chủ yếu là do sự nhạy cảm với nước bọt được tiêm vào. Cường độ đau của da có thể thay đổi từ ban đỏ hơi khó chịu đến mụn sẩn hoặc mụn nước gây ngứa dữ dội.

Sau khi ăn da vật chủ, ấu trùng tự rơi xuống đất và trở thành nhộng, rồi thành con trưởng thành, giai đoạn này hoàn toàn vô hại với con người.

2. Tại sao bị mò cắn? Con người có thể bị mò cắn trong các điều kiện sau: Lao động trong khu đất có mò. Làm cỏ, phát quang, đi du lịch sinh thái, trải nghiệm vùng rừng núi, nghỉ ngơi trên bãi cỏ, mò sẽ bám vào vật dụng rồi tiếp xúc với da hoặc tiếp xúc trực tiếp với da người.

3. Mò truyền bệnh gì? Ấu trùng mò bình thường không mang mầm bệnh, nhưng nếu nó tình cờ hút máu thú vật đã mang mầm bệnh sốt mò, đó là vi khuẩn sốt mò (Rickettsia tsutsugamushi) thì khi trưởng thành nó sẽ sinh sản một thế hệ ấu trùng mò có mang sẵn mầm bệnh và sẽ truyền bệnh cho người. Bệnh sốt mò còn gọi là sốt ban rừng, sốt bụi rậm.

4. Vi khuẩn sốt mò gây bệnh ra sao? Thời gian ủ bệnh từ 6 đến 21 ngày (trung bình là 10 đến 12 ngày), các triệu chứng của sốt mò bắt đầu sốt cao đột ngột, ớn lạnh, nhức đầu và nổi hạch toàn thân. Vi khuẩn sốt mò phát triển và tiết ra độc tố, nó tập trung chủ yếu vào các tế bào biểu mô của mạch máu và gây tổn thương mạch máu. Nơi bị mò đốt, da tạo thành vết loét, hạch lân cận sưng to, ban xuất hiện ở ngực, bụng rồi lan ra toàn thân, rất hiếm thấy ở mặt, gan bàn tay, bàn chân.

Tổn thương điển hình của sốt mò bắt đầu là một tổn thương màu đỏ trên da, đường kính khoảng một phân, nổi mụn nước, vỡ ra và đóng vảy màu đen.

Ngoài triệu chứng ở da, người bệnh còn có biến chứng viêm cơ tim, viêm não, viêm phổi, thiếu máu lách to, nếu không điều trị kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.

5. Phòng ngừa sốt mò như thế nào?

Vệ sinh môi trường sạch sẽ, phát quang thảm thực vật quanh nhà, phun thuốc diệt sâu rầy, diệt chuột, vệ sinh nhà cửa, bảo vệ cá nhân tránh bị mò cắn như mặc quần áo dài tay, không đến vùng rừng núi, sông suối có nhiều bụi rậm, nơi có thông báo về dịch bệnh.

Bệnh không lây trực tiếp từ người sang người nên không cần phải cách ly người bệnh với người lành.

Khi người dân tự nhiên thấy trên da xuất hiện ban đỏ hoặc bóng nước, kèm ngứa ngáy, khó chịu thì phải đi khám bệnh càng sớm càng tốt để được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

BS. NGUYỄN THÀNH ÚC

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202311/sot-mo-la-gi-lam-sao-phong-tranh-996582/