'Song xưa phố cũ': một tiểu lịch sử đô thị Hà Nội

Lịch sử, lại mang đến cho chúng ta câu chuyện thú vị đến từ những thứ nhỏ nhặt hơn ta tưởng. Quá mải mê đeo đuổi lịch sử hoành tráng, to tát mang tính chất đại tự sự, khiến cho những 'lịch sử nhỏ' bị bỏ quên. 'Song xưa phố cũ và những ghi chép bên lề' (Nxb Thế giới, 2013; tái bản 2019) của Trần Hậu Yên Thế cũng muốn ghi lại một tiểu lịch sử đô thị Hà Nội giai đoạn cận đại và hiện đại, thông qua trang trí kiến trúc sắt.

Ký ức về một “Hà Nội”

Nếu quy giản lịch sử về một khái niệm giản dị, gần gũi và riêng tư hơn, ký ức, thì Trần Hậu Yên Thế chẳng ngại ngùng bộc bạch trong lời nói đầu của Song xưa phố cũ: “Đây là cuốn sách của thế hệ 7X viết về Hà Nội. Dường như là thế hệ cuối cùng được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thành phố trước khi bị nhấn chìm trong làn sóng thương mại hóa toàn cầu với các biển quảng cáo khổ lớn lan tràn trên đường phố như một bệnh dịch” (tr. 20–21). Hẳn nhiên, nhiều song sắt, cánh cửa trong ký ức của cậu bé Trần Hậu Yên Thế thuở nào, giờ đây đã ra đi về chốn... “ai đồng nát sắt vụn bán đi!”

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế. Ảnh: Facebook nhân vật

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế. Ảnh: Facebook nhân vật

Vẻ đẹp của thành phố, được tác giả nhắc đến ở đây, là vẻ đẹp của một thực thể văn hóa mang tên gọi “Hà Nội” (nhấn mạnh Hà Nội chứ không phải những tên gọi truyền thống Thăng Long, Kẻ Chợ), bởi thực thể này thành hình khi những ảnh hưởng phương Tây, cụ thể là Pháp, bắt đầu xâm nhập vào Việt.

Sự chuyển dịch từ tổ hợp bản địa – truyền thống – nông nghiệp, Nho giáo phương Đông sang văn minh phương Tây công nghiệp cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX đã làm thay đổi mọi phương diện xã hội, văn hóa, tri thức. Trong đó tác động dễ thấy nhất là kiến trúc và diện mạo đô thị. Văn hóa đô thị mang dấu ấn phương Tây cũng khởi sinh và trình hiện mạnh mẽ nhất ở Hà Nội.

Một Hà Nội yên tĩnh, trữ tình và lắng đọng ví như một phiên bản Paris thu nhỏ, ngày nay vẫn còn được bảo lưu qua nhiều kiến trúc như cầu Long Biên, Nhà hát Lớn, Phủ Toàn quyền Đông Dương (nay là Phủ Chủ tịch), Bắc Bộ phủ (nay là Nhà khách Chính phủ), trụ sở Tài chính Đông Dương (nay là bộ Ngoại giao), khách sạn Metropole...

Một Hà Nội cổ điển, thanh tao và lịch lãm hiện diện trên những chấn song hoa sắt của tường rào, cổng sắt, cửa sổ, ô gió, ban công là đích đến của Trần Hậu Yên Thế, thông qua một nghiên cứu có tính khái lược và hệ thống trong Song xưa phố cũ.

Những dạng thức mỹ nghệ trang trí bằng sắt này, có thể chúng ta không nhận ra, nhưng lại là thứ thường trục xuất hiện và va đập với chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. Chỉ nhìn cánh cổng sắt thôi là ta có thể “bắt hình dong” được lối sống và văn hóa của gia chủ.

Bìa sách "Song xưa phố cũ" tái bản năm 2019.

Bìa sách "Song xưa phố cũ" tái bản năm 2019.

Sắt thép lên ngôi

Điểm mấu chốt của trang trí sắt Việt, như Trần Hậu Yên Thế, với tư cách là một nhà nghiên cứu mỹ thuật trung đại, chỉ ra, là nó không thể được làm ra sớm hơn thời điểm pont Doumer (cầu Long Biên) được công ty Daydé & Pillé xây dựng vào năm 1903. Bởi, theo tác giả, Việt Nam có truyền thống kiến trúc không sử dụng sắt thép. Giống như nhiều quốc gia Á Đông khác, đặc biệt là Trung Hoa, kiến trúc cổ Việt Nam chủ yếu sử dụng những vật liệu như tranh, tre, nứa, lá, gỗ, đá...; sau này còn có các vật liệu cải tiến khác như gạch, ngói, sành, sứ... Sự phát triển của trang trí sắt gắn liền với bước chuyển mình của nghệ thuật kiến trúc Việt Nam từ truyền thống sang hiện đại.

Ở phương Tây, sắt thép chỉ mới bắt đầu được ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII, song hành với cuộc cách mạng công nghiệp. Đến nỗi văn hào Pháp Émile Zola, trong tiểu thuyết Hiệu hạnh phúc của các bà (Au Bonheur des Dames, 1883) đã dành những áng văn diễm lệ nhất để tụng ca kiến trúc bằng thép: “...và cả khối sắt kết hợp ở đó, dưới ánh sáng trắng nhờ của những trần kính, một kiến trúc nhẹ nhàng, một kiểu ren phức tạp qua đó ánh sáng lọt vào, sự thể hiện một lâu đài mơ mộng của thời hiện đại, một tháp Babel chồng chất những tầng gác, khuếch trương các phòng, mở ra những khoảng nhìn lên các tầng khác và những phòng khác, đến vô cùng. Thực tế, sắt ngự trị khắp nơi, viên kiến trúc sư trẻ tuổi đã có lòng trung thực và can đảm để không ngụy trang nó dưới một lớp sơn giả đá hay gỗ.”

Bức tranh kính mô-đéc nhất Hà Nội ở số 10 phố Tràng Thi trước khi thành sắt vụn. Ảnh: Trần Hậu Yên Thế

Bức tranh kính mô-đéc nhất Hà Nội ở số 10 phố Tràng Thi trước khi thành sắt vụn. Ảnh: Trần Hậu Yên Thế

Và để trang trí sắt trở thành một khả thể ở Việt Nam, cũng cần có những điều kiện cơ bản. Thứ nhất, điều kiện tiên quyết, là phải có nền tảng, trình độ và quy trình sản xuất. Thứ hai không kém phần quan trong, là nguyên liệu. Thứ ba là nhu cầu và mục đích sử dụng.

Trong khoảnh khắc giao thời giữa cận đại và hiện đại, người Pháp đã mang đến Đông Dương phôi thép, đồng thời, với những dự án quy hoạch đô thị Hà Nội và đường sắt Hà Nội – Vân Nam, đã tạo cho nghề rèn một tên gọi chính danh (Rue des Forgerons – phố Lò Rèn) và cơ hội đổi đời, để từ làng nghề ngoại thị được chuyển vào nội đô sánh ngang với các phố phường thủ công khác.

Thế là, sắt trở thành một trong những thành tố quan trọng góp phần kiến tạo nên nét đẹp đặc thù của kiến trúc Hà Nội thời Pháp thuộc, đồng thời lần đầu giới thiệu yếu tố mới mẻ – đồ án hoa sắt trang trí trong các cấu kiện kiến trúc như cổng, hàng rào, cửa đi, cửa sổ, ô thoáng (ô sáng, ô gió), ban công, lan can cầu thang.

Từ trang trí đến nghệ thuật và văn hóa

Nghệ thuật và trang trí, theo cách hiểu của nhiều nhà lịch sử nghệ thuật phương Tây, là hai phạm trù phân lập. Trang trí có khuynh hướng gần hơn với mỹ nghệ và nghệ nhân thủ công. Nghệ thuật là hàn lâm và sáng tạo cá nhân của nghệ sĩ. Tuy nhiên, từ những họa tiết hay hoa văn trên chất liệu đơn thuần, đến với kiến trúc và tôn giáo, trang trí thể hiện một con đường đến nghệ thuật.

Một mặt, trang trí biểu kiến quan niệm thẩm mỹ, ý thức tín ngưỡng và trình độ kỹ thuật của thời đại. Mặt khác, trang trí trở nên hàm chứa biểu tượng tính. Trang trí, thực chất, tách rời và vượt khỏi bắt chước tự nhiên đơn thuần. Thay vì những đặc trưng diện mạo được vay mượn và mô phỏng từ hiện hữu xa lạ, với những motif cố định, trang trí khoác lên mình những biểu tượng. Và từ đó, trang trí trở thành nghệ thuật.

Căn nhà của Văn Cao tại 108 phố Yết Kiêu. Ảnh: Hà Nội Mới

Căn nhà của Văn Cao tại 108 phố Yết Kiêu. Ảnh: Hà Nội Mới

Từ xứ ôn đới đến xứ nhiệt đới, từ chịu đựng mưa Âu chuyển sang chạm trán gió Á, trang trí sắt cũng phải “nhập gia tùy tục.” Việt Nam với vị trí địa lý đặc thù, vốn dĩ là nơi giao thoa hội ngộ giữa các nền văn hóa, nên sắt thép sang ta cũng phải trải qua sự tiếp biến, hỗn hợp và dung chấp những đặc điểm từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Nhưng kết quả đặc sắc và độc đáo nhất, chính là việc các trào lưu, trường phái, phong cách kiến trúc của Âu châu và Pháp sang Việt Nam đã dung hội, thấm nhuần nghệ thuật bản xứ, hay nói khác, bị “Việt Nam hóa,” để chuyển hóa thành các phong cách Đông Dương và Art Deco, như “phản ánh nét ứng xử với các hệ thống giá trị ngoại lai đã được bản địa hóa, bị khúc xạ trong môi trường văn hóa Việt” (tr. 30).

Trang trí chấn song hoa sắt, trở thành điểm hội tụ giữa triết luận phương Đông và nguyên lý tạo hình phương Tây. Những hoa văn truyền thống như chữ Phúc, Vạn, Thọ, vân mây, sóng nước, đồng tiền, kết thừng… được tái diễn đạt hoặc kết hợp với những motif trang trí có nguồn gốc phương Tây thông qua ngôn ngữ biểu đạt của sắt thép.

Ở khuynh hướng thứ nhất, Trần Hậu Yên Thế cung cấp ví dụ mẫu cổng sắt nhà số 26 Phan Bội Châu (tr. 52) và cổng dinh thự số 14 Đường Thành (tr. 53) về cách thể hiện chữ Thọ. Còn ở khuynh hướng thứ hai, tác giả đưa ra ví dụ về sự mô phỏng thức cột Corinth tại cổng biệt thự số 8 phố Chân Cầm (tr. 115), hay sự kết hợp độc đáo giữa hoa văn dơi và motif cuốn thư với hoa văn trang trí lá Ô rô ở cửa đi nhà số 317 phố Thụy Khuê (tr. 143). Sự sắp xếp cân xứng đăng đối theo trục và khai thác khoảng trắng (negative space) của phương Tây ở các cổng, ẩn tàng các nguyên lý đậm chất Á Đông như âm – dương (bản thể vũ trụ), không – có, rỗng – đặc, ngũ hành (dụng)…

Góc nhìn nhân học: phố cũ ta về

Vượt lên trên những mô tả và phân tích hình thức thuần túy, Song xưa phố cũ là 15 năm lãng đãng bát phố của Trần Hậu Yên Thế, sưu tầm, chụp ảnh, đặc họa những công trình, biệt thự cổ của Hà Nội, và quan trọng hơn, là cả những câu chuyện đằng sau về số phận của chính công trình đó và con người cư trú bên trong.

Văn Cao và nhạc sỹ Trịnh Công Sơn tại nhà riêng gác 2 – số 108 Yết Kiêu ngày 24.4.1995. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Văn Cao và nhạc sỹ Trịnh Công Sơn tại nhà riêng gác 2 – số 108 Yết Kiêu ngày 24.4.1995. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Đã bao ngôi nhà gắn liền với kỷ niệm, với thân phận con người đặc biệt? Nhà số 24 ngõ Tức Mặc, được xây dựng năm 1923, đến năm 1926 được bác sĩ Trần Văn Lai, thị trưởng người Việt Nam đầu tiên của Hà Nội trong chính phủ của Trần Trọng Kim, mua lại và cư trú. Căn nhà 108 phố Yết Kiêu, nơi người nhạc sĩ tài hoa Văn Cao dành những năm tháng cuối cùng lặng lẽ, kín đáo của cuộc đời mình, gặp gỡ những bè bạn văn nghệ sĩ như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân, các họa sĩ Đinh Cường, Lê Bá Đảng, nhiếp ảnh gia Võ An Ninh. Còn ngôi nhà số 87 phố Thuốc Bắc là nơi cố họa sĩ Bùi Xuân Phái từng gắn bó cả cuộc đời với dòng tranh “phố Phái” sinh sống.

Vũ Dân Tân và Natasha Kraevskaia ở Salon Natasha 30 Hàng Bông. Ảnh: Asia Art Archive

Vũ Dân Tân và Natasha Kraevskaia ở Salon Natasha 30 Hàng Bông. Ảnh: Asia Art Archive

Có những ngôi nhà đã trở thành địa chỉ văn hóa quan trọng vang bóng một thời. Ngôi nhà số 30 Hàng Bông, vào năm 1990 được họa sĩ Vũ Dân Tân và vợ, Natalia Kraevskaia, tổ chứ thành Salon Natasha. Trong vòng mười năm hoạt động, Salon Natasha đã tổ chức rất nhiều sự kiện mỹ thuật, nhằm thúc đẩy nhóm các họa sĩ trẻ thể nghiệm với các phong cách và chất liệu khác nhau nằm ngoài dòng chủ lưu thịnh hành.

Hay địa chỉ 13 Đinh Tiên Hoàng trông ra hồ Hoàn Kiếm, gắn liền với quán cà phê nổi tiếng trên gác hai – cà phê Đinh, nơi lưu giữ rất nhiều ký ức xưa cũ của người Hà Nội.

Cà phê Đinh số 13 Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Internet

Cà phê Đinh số 13 Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Internet

Và Trần Hậu Yên Thế không thể không nhắc đến những con người liên quan đến Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Ecole des Beaux Arts de l’Indochine, tiền thân của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam ngày nay) như kiến trúc sư Charles Batteur, thành viên Viện Viễn Đông Bác vổ (EFEO) từng tham gia giảng dạy, các kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Cao Luyện, Tạ Mỹ Duật, Ngô Huy Quỳnh từng tốt nghiệp từ trường, mà theo tác giả đinh ninh rất nhiều hoa sắt chấn song đã qua đôi bàn tay tài hoa của họ.

Lần giở từng trang của Song xưa phố cũ, phải chăng Trần Hậu Yên Thế đang dẫn chúng ta tản bước đi về quá khứ, trở về phố cũ “dường như nhỏ lại, trời xanh xanh mãi, một màu ấu thơ” (mượn ca từ của nhạc sĩ Thanh Tùng). Chầm chậm lại để thấy, mỗi hoa sắt ngoài kia cũng là một chứng nhân ký ức và lịch sử.

Trần Hậu Yên Thế sinh năm 1970.

Nghệ sĩ thị giác, nhà nghiên cứu nghệ thuật, tiến sĩ chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật, bảo vệ năm 2016.

Các công trình nghiên cứu tiêu biểu: Dịch đồ - Cách tiếp cận từ thị giác (Nxb Giáo dục, 1999); Quản lý Mỹ thuật (đồng tác giả, Nxb Đại học Quốc gia, 2009); Đồ án trang trí đền vua Đinh vua Lê (Hoa Lư, Ninh Bình) (đồng tác giả, Nxb Thế giới, 2012); Song xưa phố cũ và những ghi chép bên lề (Nxb Thế giới, 2013); Phác họa Nghê – gã linh vật bên rìa (Nxb Thế giới, 2017); Nét Việt trên bia đề danh Tiến sĩ (đồng tác giả, Nxb Mỹ thuật, 2018); Mỹ thuật Thăng Long (đồng tác giả, Nxb Hà Nội, 2019); Nghê Việt tinh tuyển (chủ biên, Nxb Thế giới, 2020); Văn Miếu – Quốc Tử Giám Thăng Long (đồng tác giả, Nxb Hà Nội, 2020); Chuyện người Hà Nội (Nxb Hà Nội, 2021); Mỹ thuật Việt soi từ phía khác (Nxb Mỹ thuật, 2021), Đi tìm khuôn mặt La Hầu (Nxb Mỹ thuật, 2022).

Tham gia Dự án nghệ thuật Qua phố nhớ gì (2010), Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân (2020).

Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội năm 2014 cho tác phẩm Song xưa phố cũ.

Phạm Minh Quân

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/song-xua-pho-cu-mot-tieu-lich-su-do-thi-ha-noi-34354.html