Sống trong nỗi lo sạt lở

Việc khai thác cát diễn ra rầm rộ nhiều năm qua khiến hàng chục hecta đất hoa màu, đất ở của người dân dọc ven sông Thu Bồn (đoạn qua xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên) bị sạt lở trầm trọng

“Đất hoa màu đã bị trôi sông, nay nguy cơ diện tích đất ở giáp bờ sông Thu Bồn của gia đình tôi cũng sắp bị sạt lở. Chúng tôi đã nhiều lần viết đơn lên các cấp để cầu cứu nhưng các đơn vị khai thác cát, hút cát sạn vẫn ngang nhiên hoạt động cả ngày lẫn đêm” - bà Đỗ Thị Lan (ngụ tổ 1, thôn Mỹ Lược, xã Duy Hòa) phản ánh.

Nhà dân và công trình bị sạt lở

Tình trạng sạt lở ven sông đã diễn ra hơn 10 năm nay nhưng 2 năm trở lại đây, tình hình trở nên nghiêm trọng. Dẫn chúng tôi ra khu vực bị sạt lở nặng nề nhất của xã Duy Hòa là thôn Mỹ Lược, ông Lê Mười, trưởng thôn Mỹ Lược, ngao ngán: “Mấy năm trước, nơi đây từng là bãi bồi rộng hơn 100 m và kéo dài gần 1 km, nay đã bị cuốn trôi ra giữa sông kéo theo nhiều lũy tre của làng”.

Ba thôn Phú Lạc, Gia Hòa, Mỹ Lược của xã Duy Hòa với hơn 200 hộ dân sinh sống dọc bờ sông Thu Bồn lo sợ khi tình trạng sạt lở đã ăn sâu và chỉ cách mép đường ĐT 610 chưa đầy 1 m.

Đặc biệt, các công trình quan trọng trên địa bàn xã như Bia Tưởng niệm liệt sĩ, chợ Mỹ Lạc, đặc biệt là công trình trạm bơm Mỹ Lược mới được hoàn thành với kinh phí gần 3 tỉ đồng vừa đưa vào sử dụng vào tháng 5-2016 đã xảy ra tình trạng sụt lún và sạt lở.

Theo người dân phản ánh, trên địa bàn xã có tới 2 doanh nghiệp (DN) có bãi tập kết và khai thác cát không có giấy phép hàng chục năm nay do sự “tiếp tay” của chính quyền địa phương. Cũng theo người dân, bãi cát sạn của ông Đồ Phương (thôn Mỹ Lạc) là nơi tập kết cát lậu nhưng được chính quyền xã “cho phép” hoạt động.

Vì bức xúc, đã có lần hàng chục người dân của 3 thôn Phú Lạc, Gia Hòa, Mỹ Lược đã làm barie ngăn cản không cho các xe tải vận chuyển cát từ bãi khai thác cát của Công ty TNHH MTV Phạm Thăng Long (đóng tại thôn Phú Lạc) vận chuyển cát đi tiêu thụ.

Khúc sông Thu Bồn (đoạn qua xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên) bị khoét sâu do khai thác cát quá mức

Sẽ thanh tra toàn diện

Ông Phạm Văn Long, người quản lý Công ty TNHH MTV Phạm Thăng Long, phân trần đơn vị ông được UBND tỉnh cấp giấy phép hoạt động từ tháng 12-2015 đến năm 2020 tại khu vực thôn Phú Lạc với diện tích là 4,45 ha. “Việc người dân chặn xe vừa qua đã khiến chúng tôi phải đóng cửa mỏ cát theo chỉ đạo của lãnh đạo huyện Duy Xuyên. Công ty chúng tôi mới hoạt động hơn 4 tháng, khai thác được gần 6.000 m3 đất nhưng đến nay chưa thể hoạt động trở lại vì sợ người dân phản đối. Trong khi đó, nhiều “cát tặc” ngang nhiên hút cát không phép thì chính quyền không xử lý triệt để khiến DN chúng tôi bị trách oan” - ông Long nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Duy Hòa, cho rằng tình trạng sạt lở diễn ra trên địa bàn xã phần lớn là do “cát tặc” từ nhiều nơi đến, chính quyền xã đã nhiều lần tiến hành truy quét nhưng không có kết quả. Về vấn đề người dân “tố” các đơn vị khai thác, tập kết cát sạn trên địa bàn xã làm tình trạng sạt lở đất ngày càng trầm trọng, ông Hùng cho rằng chưa có căn cứ vì đây là những đơn vị đã được huyện và tỉnh cho phép khai thác. Quá trình sạt lở đã diễn ra nhiều năm trước, phần lớn do “cát tặc” và nhiều mỏ cát trái phép hoạt động trước kia, nay đã bị cấm. Đề cập về việc người dân vùng sạt lở mong muốn được chính quyền làm kè bê-tông để chống sạt lở, ông Hùng giải thích rằng nguồn ngân sách của xã hiện đã thâm hụt do xây dựng nông thôn mới và thi công các công trình cơ bản trên địa bàn nên chưa thể thực hiện được.

Một lãnh đạo thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Duy Xuyên cho biết sẽ tiến hành thanh - kiểm tra toàn diện thực trạng khai thác cát sạn và sạt lở tại xã Duy Hòa trong thời gian sớm nhất để giải quyết dứt điểm thực trạng trên, giúp người dân an tâm sinh sống.

Khổ vì bãi tập kết cát

Tỉnh lộ 11C và Tỉnh lộ 9 đi qua thôn An Lỗ, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnhThừa Thiên - Huế là nơi tập trung nhiều bãi cát nằm ven sông Bồ. Dọc các bãi cát này, xen kẽ giữa các khu dân cư, chưa đầy 200 m là 3 bãi tập kết cát làm vật liệu xây dựng của các DNTN như Sự Nguyễn, Công Mẫn, Công Dũng. Hằng ngày, có cả trăm lượt xe ra vào xúc cát, che bạt sơ sài, chạy với tốc độ nhanh, bụi tung mịt mù.

Cũng hơn 20 năm qua, 300 hộ dân sống ven tuyến đường WB2 đi qua thôn Tây Thượng, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang hứng chịu tình trạng ô nhiễm khói bụi từ việc vận chuyển cát và sạt lở bờ sông do các chủ bãi lấn chiếm diện tích ven sông để tập kết cát. Trên chiều dài chưa đến 1 km từ thôn Tây Thượng về La Ỷ có 6 điểm tập kết cát.

Theo ông La Phúc Thành, Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, các bãi tập kết cát ở xã Phú Thượng đều tự ý lấn chiếm, không được cấp phép. Hiện UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đồng ý chủ trương di dời các bãi này về khu quy hoạch ở xã Phú Mậu, Phú Thanh (huyện Phú Vang). Huyện đang ráo riết triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng ở đây. “Tại xã Phú Thanh đang chuẩn bị đầu tư 2 tuyến đường vào bãi. Còn tại xã Phú Hậu dù UBND tỉnh và Sở Xây dựng đã đồng ý địa điểm nhưng người dân phản ứng vì sợ ô nhiễm nên chúng tôi đang xem xét lại” - ông Thành cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Võ Hoài Nam, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định lực lượng thanh tra giao thông thường xuyên tuần tra, xử phạt các lỗi vi phạm như quá tải, cơi nới thùng hàng… Tuy nhiên, ông Nam thừa nhận việc kiểm tra gặp khó khăn vì lái xe có nhiều cách đối phó.

Q.Nhật

Bài và ảnh: Vĩnh Quyên

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/song-trong-noi-lo-sat-lo-20161009210428176.htm