Sống thọ sau ghép tạng

Con người vẫn có thể 'trường thọ' sau ghép tạng? Đây là những điều kỳ diệu của y học.

Quả thận có tuổi đời 100 năm

Một bệnh nhân có quả thận 100 năm tuổi do mẹ hiến tặng và đến nay vẫn sống khỏe mạnh. Bà Sue Westhead, năm nay 68 tuổi, lập kỷ lục có một quả thận 100 tuổi đời.

Vào năm 1973, các bác sĩ từng chẩn đoán rằng bà sẽ chết vì bệnh thận nếu không tìm được người hiến. Xét nghiệm cho thấy người mẹ Ann Metcalfe, khi đó 57 tuổi, có thận khớp với bà và đã hiến tặng. Khi đó, y học chẩn đoán quả thận này chỉ khỏe mạnh thêm 20 năm nữa nhưng kỳ diệu thay, 43 năm sau đó, quả thận này vẫn còn hoạt động tốt trong cơ thể bà Sue.

Bà Sue Westhead có quả thận trăm năm tuổi

Bà Sue sống tại thị trấn Houghton-le-Spring ở Đông Bắc nước Anh nói với lòng biết ơn: “Mẹ tôi đã trao tặng tôi cuộc sống theo nghĩa đen, nhớ lại khi đó tôi chỉ nghĩ rằng: giá mình có thể sống thêm 5 năm nữa, mình đã cảm thấy vui lắm rồi’. “Lúc đó đến đi lại đối với tôi còn khó. Tôi nghĩ rằng quả thận này khỏe mạnh như vậy là nhờ gene tốt của mẹ tôi.”

Khi mới 19 tuổi, bà làm thợ đánh máy rồi một hôm phát hiện mắc bệnh thận cầu thận và kể từ đó thận suy dần. 4 năm sau, bà bị chẩn đoán thận hư hoàn toàn và nằm trong danh sách lọc máu tại Bệnh viện Đa khoa Newcastle.

Hy vọng duy nhất của bà là ghép thận và cả gia đình đã đi làm xét nghiệm để xem thận của ai tương thích nhất trước khi tiến hành ghép vào năm bà 25 tuổi.

Bà Sue khi còn trẻ cùng mẹ

Mẹ của bà qua đời vào năm 1985, thọ 69 tuổi, nhưng cho tới nay, bà vẫn cảm thấy biết ơn người mẹ vì những gì đã làm cho con mình. Bà kể lại: “thời điểm ghép khá là đáng sợ, tôi ở trong buồng bệnh có nhiều bệnh nhân hấp hối. Da tôi vàng vọt. Chị gái Christine sống ở Australia đi làm xét nghiệm tương thích thận nên ba và mẹ tôi cũng làm theo”.

25 năm sau ngày ghép tim-phổi

Chỉ vài tháng trước khi Steve và Renee Rasmussen cưới nhau vào năm 1977, mẹ của anh đã gặp Renee và nói: “Steve có điều cần kể với con”. Steve khi đó mới 18 tuổi, đã bị chẩn đoán xơ nang phổi kể từ khi mới 3 tuổi. Bệnh này gây nhiễm trùng liên tục để lại sẹo ở phổi, lâu ngày làm giảm khả năng hấp thụ oxy của phổi và có thể khiến phổi hỏng hoàn toàn. Steve đã kể cho người vợ chưa cưới nghe tất cả, kể cả lời chẩn đoán của bác sĩ anh chỉ sống thêm vài năm nữa mà thôi, và vì không thể đi làm, nên đồng nghĩa với việc chỉ mình Renee lo toan gia đình sau khi hai người lấy nhau. Renee khi đó cũng mới 18 tuổi. “Tôi đã vô cùng yêu Steve. Do đó chẳng vấn đề gì. Chúng tôi cứ tiếp tục sống như vậy cũng ổn mà”.

Steve bên hai con trai vào năm 1988, sau ca ghép tim-phổi

Họ đã sống bên nhau 3 năm tại Santa Cruz nơi hai người đã lớn lên cùng nhau trước khi Steve nhập viện ở Standford do biến chứng phổi. Vào mùa xuân năm 1988, đôi vợ chồng đã có hai bé trai, nhưng Steve không thể đỡ đần vợ. Steve phải nhập viện trong thời gian dài, chỉ thở được với máy thở oxy, khi đó anh 28 tuổi. Các bác sĩ bắt đầu nói về việc phải ghép tạng, không chỉ ghép phổi, mà phải ghép tim nữa từ cùng một người hiến, bởi phải có sự tương thích mấu nối giữa tim và phổi. Nên Steve phải được ghép đồng thời tim và phổi từ cùng một người hiến để đạt sự tương thích, mặc dù trái tim của Steve hoàn toàn khỏe mạnh. “Lúc đó họ nói rằng tôi sẽ sống thêm 5 năm nữa sau ghép tạng. Dù thế nào thì điều đó cũng thật tuyệt vời”.

Steve 25 năm sau ngày ghép tim-phổi

Steve Rasmussen trở thành ca ghép tim-phổi thứ 50 của Standford và vào ngày 1/4/2013, anh kỷ niệm 25 năm sau ngày phẫu thuật. Đó là ngày kỷ niệm mà gia đình Rasmussen luôn coi là phép màu của sự sống. “Steve vẫn rất khỏe mạnh. Chúng tôi vẫn sống bình thường như bao gia đình khác. Chúng tôi thầm cảm ơn cuộc sống.” Steve nhớ lại, khi đó các bác sĩ còn tiến hành một ca ghép domino (ghép kép), đó là trái tim cũ còn khỏe mạnh của Steve không thể bị bỏ phí. Nó đã được ghép để cứu sống một người thanh niên bị suy tim. “Ghép tạng chính là món quà của sự sống”.

Vẫn sống sau 30 năm ghép tim

Trái tim được cấy ghép sống lâu nhất ở Anh hiện nay thuộc về Paul Hayman. Ông vẫn sống thêm là 30 năm dù khi đó được chẩn đoán chỉ sống thêm một thập kỷ nữa sau ghép tim.

Paul Hayman vào năm 2017: 30 năm sau ghép tim

Paul Hayman năm nay 49 tuổi, được ghép tim vào năm 1987. Ca phẫu thuật khi đó do Sir Terence English, vị bác sĩ từng thực hiện ca ghép tim đầu tiên thành công ở Anh thực hiện.

Paul Hayman sau ca ghép tim năm 1987

Anh trở thành bệnh nhân sống lâu nhất sau ghép tim ở thời điểm hiện nay sau khi John McCafferty, 73 tuổi, đã sống thêm 33 năm sau ghép tim qua đời vào năm ngoái. Melissa, con gái của Paul Hayman, đã rất ấn tượng trước việc y học đã thay đổi cuộc đời của cha ra sao nên đã quyết định theo học ngành bác sĩ.

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/song-tho-sau-ghep-tang-n137420.html