Sống thấp thỏm dưới miệng 'tử thần'

Mùa mưa đang đến, hàng chục hộ dân khu Nhàng, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) lại thấp thỏm sống trong sợ hãi vì nỗi lo sạt lở. Đã nhiều năm nay, mỗi khi có mưa lớn, họ lại phải rời nhà mình đến nhà người thân 'lánh nạn'.

Nhà ông Định đã bị đất đá vùi lấp sau trận lở núi

Nhà bị "xóa sổ" sau trận mưa giông

Gia đình ông Hà Văn Định từng được xem là khá giả bậc nhất khu Nhàng, xã Kim Thượng. Ngôi nhà xây kiên cố của ông Định nổi bật giữa những mái nhà sàn của đồng bào người Mường. Thế nhưng, một trận lở núi kinh hoàng đã khiến ông Định tay trắng chỉ sau một đêm.

Dẫn chúng tôi ra thăm ngôi nhà cũ, giờ chỉ là một bãi đất hoang cỏ mọc um tùm, ông Định bảo, hơn nửa đời người làm lụng vất vả, giờ chỉ còn lại đống đất đá thế này. May mắn, ông và vợ là bà Hà Thị Lo giữ được mạng sống để bắt đầu lại từ đầu ở tuổi ngoài 50.

Đã 5 năm trôi qua nhưng mỗi khi nghe tiếng gió rít trên đỉnh núi, những trận mưa giông trút xuống, ông Định vẫn giật mình thon thót. Tháng 6 nơi miền sơn cước Kim Thượng bắt đầu mùa mưa, những cơn mưa như trút nước cũng xuất hiện thường xuyên.

Tháng 6/2018 cũng vậy, hôm đó nhà em trai tổ chức cưới cho con, trời lại vần vũ nổi giông. Bữa cơm tối đã xong, định bụng ra về nhưng do trời mưa quá to. Từ nhà em trai về nhà phải đi qua một con suối. Lo sợ bất trắc nên vợ chồng ông Định quyết định ngủ lại.

Ông Định phải rời bỏ mảnh đất đã gắn bó hàng chục năm để đến nơi an toàn

Khoảng hơn 9 giờ tối, vừa mới lên giường chưa kịp chợp mắt, chuông điện thoại đổ liên hồi. Đó là người hàng xóm thân tình nhưng hôm nay giọng điệu lạ lắm: "Anh về đi, về ngay, nhà anh bị vùi lấp rồi". Chưa kịp hiểu chuyện gì, bên kia đã cúp máy. Vợ chồng ông Định ba chân bốn cẳng chạy về trong đêm.

Vừa đặt chân đến dưới con dốc, soi đèn pin lên phía nhà mình, ông Định như chết lặng khi ngôi của gia đình đã bi vùi sâu dưới lớp đất đá. Trước mặt là cảnh tượng tan hoang. "Chỉ duy nhất sót lại chiếc máy tuốt lúa vì hôm đó tôi để ở sân nên trôi xuống đường. Nếu gia đình tôi ở nhà chắc chắn chết chung một chỗ rồi", ông Định kể lại.

Không còn sót lại gì để cứu vãn, cũng không thể ở trên mảnh đất cũ. Sau thời gian phải ở nhờ nhà người thân, ông Định đã quyết định vay mượn anh em họ hàng để cất một ngôi nhà mới chỉ cách nhà cũ vài trăm mét, phía bên kia đường.

"Tích cóp được bao nhiêu đều đổ hết vào nhà. Ngoài nhà xây, ngày đó tôi cũng mới dựng thêm ngôi nhà gỗ 2 gian nhưng cũng bị đất đá nhấn chìm hết. Gia đình tôi được hỗ trợ 20 triệu đồng", ông Định chia sẻ.

Nhà bà Lan may mắn hơn khi chỉ bị vùi lấp nhà bếp

Cạnh nhà ông Định là nhà bà Phùng Thị Lan ngày đó cũng trải qua cơn ác mộng kinh hoàng. Bà Lan sinh ra và lớn lên ở khu Nhàng, bà đã quá quen với thiên nhiên dữ dằn nơi đây.

Thế nhưng, hôm xảy ra vụ lở núi, bà Lan bỗng có tiếng động mạnh phía sau nhà, kèm theo là tiếng nổ rất lớn khiến cả ngôi nhà rung chuyển. Nghe tiếng con gái la hét phía sau nhà bếp, rồi cả nhà kéo nhau chạy ra ngoài. Quá sợ hãi, bà Lan ngất xỉu.

Lúc mọi người quay về, nhìn sang nhà ông Định đã không thấy nhà đâu. Trong làn sáng mờ mờ, chỉ thấy đống đất đá ngổn ngang, choán hết cả không gian. Khu bếp của gia đình bà Lan cũng bị xô đổ.

Sau đêm sạt lở kinh hoàng đó, 2 người con gái của bà Lan đã phải chuyển nhà đi nơi khác ở. Hiện gia đình bà vẫn đang sống dưới chân núi. Các con bà tiếc ngôi nhà xây vững chãi, giờ mà chuyển đi nơi khác, lại không có tiền làm lại. "Biết là việc ở dưới chân núi sẽ nguy hiểm, nhưng gia đình tôi chẳng có sự lựa chọn nào khác", bà Lan chia sẻ.

Hơn 70 hộ sống trong lo sợ

Khu Nhàng với 186 hộ dân Mường được bao bọc bởi những dãy núi hình cánh cung, phía trước là cánh đồng lúa xanh mướt. Người dân ở đây cho biết, họ đã định cư ổn định tại mảnh đất này hơn nửa thế kỷ.

Bà Chành rất lo lắng khi vẫn phải sống dưới chân núi. Mỗi lần mưa lớn, bà phải đến nhà người thân lánh nạn

Năm 2018, dãy núi phía sau khu Nhàng bỗng nhiên bỗng nhiên sạt lở nghiêm trọng, xóa sổ nhà ông Định và một phận nhà bà Lan và đe dọa hơn 70 hộ dân gần đó.

Mấy năm gần đây, mỗi khi trời nổi cơn mưa giông, người dân sống dưới chân núi lại phải tìm đường di tản sang nhà người thân trú nhờ vì sợ núi lở. Gia đình bà Xa Thị Chành sống trong ngôi nhà sàn cạnh nhà ông Định là một trong số các hộ dân vẫn thường xuyên phải bỏ chạy như thế.

Nhà bà Chành khá nghèo khó. Chồng bà mất sớm, mình bà nuôi hai đứa con trai khôn lớn. Khi con cái đã lấy dựng vợ gả chồng xong, bà mới thở phào nhẹ nhõm. Tưởng như, những năm cuối đời bà có thể yên tâm hưởng thụ tuổi già nơi sơn cước. Tuy nhiên, mấy năm nay bà Chành lại sống trong bất an vì lo sợ núi lở.

"Chúng tôi cũng mong chuyển đi nơi khác để có cuộc sống ổn định, dự án đã có nhưng đến giờ vẫn chưa triển khai. Nhiều gia đình không thể chờ đợi đã tự chuyển đi nơi khác nhưng nhà tôi nghèo, không có sự hỗ trợ của Nhà nước lấy gì để đi", bà Chành tâm sự.

Một góc khu Nhàng.

Ông Hà Văn Thản, Trưởng xóm Nhàng cho biết, vụ sạt lở năm 2018 khiến nhà ông Định bị vùi lấp hoàn toàn, một gia đình khác đang ngủ cũng bị sạt lở cuốn cả nhà nhà sàn đi, may mắn người thoát chết. Qua kiểm tra cho thất, trên đỉnh núi có vết nứt dài, có chỗ rộng khoảng 1 mét.

"Cũng may là đến thời điểm đã không có thêm vụ sạt nào nào nữa. Thế nhưng, chắc chắn các hộ dân không thể ở lai nơi nguy hiểm này. Một số gia đình có điều kiện họ tự chuyển đến nơi an toàn. Các hộ còn lại, đời sống khó khăn nên chỉ biết chờ đợi dự án. Dự án di dân đã được triển khai ngay sau khi xảy ra vụ sạt lở nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được", ông Thản chia sẻ.

Vị trưởng khu Nhàng cũng cho biết thêm, khi các hộ dân vẫn chưa thể chuyển đi, vào đầu mùa mưa lũ, ông thường đến động viên các hộ chủ động di chuyển đi nơi khác lánh nạn. Theo ông Thản, với tình hình mưa lũ ngày càng phức tạp như những năm gần đây, người dân cần phải thận trọng hơn để tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra.

Trao đổi với PV, ông Phùng Văn Cửu, Bí Thư xã Kim Thượng cho biết: Xã có 1545 hộ, dân tộc Mường chiếm 87%. Kim Thượng vẫn là xã khó khăn với số hộ nghèo lên đến 370 hộ, chương trình xây dựng NTM mới đạt 13 tiêu chí. Hiện mới có 1/12 khu đạt chuẩn NTM.

Về việc hơn 70 hộ dân đang sống dưới miệng "tử thần", ông Cửu cho biết: "Dự án di dân sắp được triển khai. Chính quyền địa phương đã tiến hàng họp dân, các hộ dân đều đã đồng ý di dời. Khu tái định cư cũng đã được xác lập".

Tuy nhiên theo ông Cửu, để di dời được các hộ dân đến nơi ở mới chắc chắn phải mất thêm nhiều năm nữa vì việc hoàn thiện hạ tầng mất rất nhiều thời gian. "Trước mắt, chúng tôi vẫn phải tích cực vận động người dân cần di chuyển đến nơi an toàn mỗi khi mưa to gió lớn. Hi vọng trong thời gian sớm nhất, hơn 70 hộ dân sẽ được đến nơi ở mới để họ an cư lạc nghiệp", ông Cửu chia sẻ.

Anh Quân

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/song-thap-thom-duoi-mieng-tu-than-20230623004020324.htm