'Sóng ngầm' từ loạt cuộc gặp Mỹ-Nhật-Philippines?

Giới quan sát cho rằng Trung Quốc sẽ là một yếu tố trung tâm trong các cuộc gặp sắp tới của Tổng thống Mỹ Joe Biden với Thủ tướng Nhật Fumio Kishida và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr.

Trong hai ngày 10 và 11-4 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tiếp đón Thủ tướng Nhật Fumio Kishida, kế đến là Tổng thống Philippines - ông Ferdinand Marcos Jr. tại Nhà Trắng và sau đó sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên giữa Mỹ-Nhật-Philippines, theo đài CNN.

Loạt động thái ngoại giao đáng chú ý này diễn ra trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang nỗ lực củng cố mạng lưới các thỏa thuận kinh tế và an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khi căng thẳng trong khu vực ngày càng gia tăng.

Hai ngày, ba cuộc gặp, một trọng tâm

Truyền thông Mỹ đưa tin rằng cuộc gặp ngày 10-4 (giờ địa phương) giữa ông Biden và ông Kishida dự kiến sẽ tập trung vào lĩnh vực an ninh-quân sự. Cụ thể, theo tờ The Washington Post, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về kế hoạch phối hợp chặt chẽ hơn giữa 50.000 binh sĩ Mỹ ở Nhật và Lực lượng Phòng vệ Nhật, cũng như hợp tác sản xuất thiết bị quân sự.

Bên cạnh đó, khả năng Nhật gia nhập Hiệp định đối tác tăng cường an ninh ba bên Mỹ-Anh-Úc (AUKUS) để cùng phát triển và chia sẻ các năng lực quân sự tiên tiến, bao gồm trí tuệ nhân tạo, tác chiến điện tử và vũ khí siêu thanh, cũng có thể được đề cập trong chương trình nghị sự.

Ngoài an ninh, hai nhà lãnh đạo có kế hoạch thảo luận về hợp tác trong không gian, trí tuệ nhân tạo, chuỗi cung ứng toàn cầu và một số lĩnh vực khác.

“Thế giới hiện đang phải đối mặt với cuộc chiến Nga-Ukraine, xung đột Israel-Hamas ở Trung Đông và môi trường an ninh biến động ở Đông Á. Điều quan trọng là phải chứng minh cho thế giới thấy tầm quan trọng của liên minh Nhật-Mỹ và sức mạnh của liên minh này trong bối cảnh quốc tế bất ổn ngày nay” - ông Kishida nói trước khi lên đường sang Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Đệ nhất phu nhân Jill Biden (phải) đón Thủ tướng Nhật Fumio Kishida và phu nhân Yuko Kishida tới Nhà Trắng, thủ đô Washington D.C. (Mỹ) ngày 9-4. Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, tại cuộc gặp với Tổng thống Marcos vào ngày 11-4, ông Biden sẽ “ôn lại động lực lịch sử trong quan hệ Mỹ-Philippines” và thảo luận các nỗ lực mở rộng hợp tác về an ninh kinh tế, năng lượng sạch,...

Ngoài ra, ông Biden cũng sẽ tái khẳng định liên minh vững chắc giữa Mỹ và Philippines, nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc duy trì luật pháp quốc tế và thúc đẩy một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, theo thông cáo của Nhà Trắng.

Về thượng đỉnh ba bên Mỹ-Nhật-Philippines, dự kiến diễn ra ngay sau cuộc gặp giữa ông Biden và ông Marcos, Nhà Trắng cho biết ba nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về hợp tác thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện và các công nghệ mới nổi, chuỗi cung ứng năng lượng sạch và khí hậu, và tăng cường hòa bình-an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.

“Với chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Kishida, Tổng thống Marcos và hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa ba nhà lãnh đạo, chúng tôi sẽ chứng tỏ rằng các liên minh chủ chốt của chúng tôi đã đạt đến tầm cao chưa từng có và là những liên minh có thể duy trì trong tương lai” - Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói.

“Sóng ngầm” đằng sau những cuộc gặp

Cuộc gặp giữa ba nhà lãnh đạo diễn ra không lâu sau khi Mỹ, Nhật, Philippines và Úc tập trận bốn bên trên Biển Đông hồi cuối tuần qua. Cùng thời điểm, Trung Quốc đã tiến hành tuần tra chiến lược hải quân và không quân chung tại vùng biển này.

Hôm 9-4, trước thềm các cuộc gặp, ông Sullivan cho biết dự kiến sẽ có thêm nhiều cuộc tập trận bốn bên như vậy giữa Mỹ, Nhật, Philippines và Úc trong tương lai, hãng Reuters đưa tin.

Các tàu tham gia cuộc tập trận bốn bên Mỹ, Nhật, Philippines và Úc trên Biển Đông hôm 8-4. Ảnh: AFP

Bên cạnh diễn ra sau các cuộc tập trận, việc thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Philippines chủ yếu tập trung vào an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khiến giới quan sát cho rằng thượng đỉnh lần này nhằm ứng phó với các căng thẳng liên quan Bắc Kinh trong khu vực.

“Đó là một thông điệp rõ ràng mà chúng tôi đưa ra đối với bất kỳ hành động gây hấn nào từ bất kỳ quốc gia nào rằng: tất cả các đồng minh đang hợp tác cùng nhau. Chúng tôi có cùng quan điểm về vấn đề quốc phòng và an ninh trong khu vực” - Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez nói trước thềm hội nghị thượng đỉnh.

Trung Quốc đã có phản ứng về thượng đỉnh giữa Mỹ với hai đồng minh hiệp ước của Washington. “Hợp tác quốc phòng giữa bất kỳ quốc gia nào đều có lợi cho hòa bình và ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, chúng tôi phản đối việc tập hợp các nhóm độc quyền và gây ra sự đối đầu khối trong khu vực” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói hôm 8-4.

Ông Chu Phong tại Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc ĐH Nam Kinh (Trung Quốc) cho rằng Bắc Kinh có thể coi hội nghị thượng đỉnh ngày 11-4 không chỉ là sự tiếp nối và kéo dài của thượng định Mỹ-Nhật-Hàn tại Trại David (Mỹ) hồi tháng 8-2023, mà còn là nỗ lực mới nhất của Mỹ nhằm củng cố quan hệ đối tác quốc phòng với mục tiêu nhắm vào Trung Quốc.

“Từ quan điểm của Trung Quốc, cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo vào tháng 4 là một động thái địa chính trị nữa của Washington nhằm mở rộng sự can thiệp chiến lược vào Biển Đông” - ông Chu nói với tờ South China Morning Post.

Giới phân tích cho rằng phản ứng cụ thể của Bắc Kinh sẽ phụ thuộc vào kết quả của hội nghị. Theo PGS Kei Koga - chuyên gia về chính sách công và các vấn đề toàn cầu tại ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore), Trung Quốc có thể sẽ có phản ứng ngoại giao tiêu cực nếu thượng đỉnh chỉ giới hạn ở đối thoại, nhưng có thể sẽ phản ứng mạnh mẽ nếu có những tín hiệu về hợp tác hàng hải lớn hơn ở Biển Đông.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/song-ngam-tu-loat-cuoc-gap-my-nhat-philippines-post784812.html