Sóng mới của thị trường tranh Việt

Tác phẩm Chân dung (sắt hàn) của Nguyễn Ngọc Lâm vừa được bán cho một nhà sưu tập trong nước.

GALLERY VÀ NGƯỜI BUÔN TRANH MUỐN QUAY LẠI... BỜ

Sau rất nhiều năm hầu như chỉ hướng đến khách hàng nước ngoài, trang web cũng không có bản tiếng Việt, Mai Gallery (Hà Nội) bắt đầu có tích cực đổi hướng. Thoạt tiên, họ mở thêm một art talk cafe (quán cà-phê trò chuyện về nghệ thuật), hướng đến khách hàng nội địa tiềm năng theo cách “mưa dầm thấm lâu”. Bên cạnh đó, họ còn tích cực mở các triển lãm cho họa sĩ trẻ với những cách thức PR hướng đến công chúng trong nước. Có thể nói, tiêu điểm của hoạt động này là triển lãm điêu khắc nhóm Hình thể mới (tháng 10 - 2012) giới thiệu sáng tác mới của chín nghệ sĩ điêu khắc trẻ, có nhiệt huyết và mong muốn “kích cầu” mỹ thuật trong nước. Thông cáo báo chí của hoạt động này có đoạn: “...Với hơn 30 tác phẩm điêu khắc nhỏ và vừa, đầy sinh khí, có thể bày biện, đặt để thích hợp trong bất cứ không gian kiến trúc dân dụng hay công sở nào, triển lãm là một cuộc kiếm tìm và nỗ lực của các nghệ sĩ điêu khắc trẻ đưa tác phẩm của mình đến với công chúng đông đảo, rộng rãi, với nỗi khát khao đưa nghệ thuật điêu khắc Việt vào không gian ở của người Việt hiện đại...”.

Một số gallery khác, là đối tác môi giới mua tranh của họa sĩ trong nước cho đầu mối nước ngoài cũng đang tìm cách thức phù hợp để trở lại với thị trường tiềm năng trong nước. Những phương thức ban đầu mà họ tính đến là tổ chức lại mạng lưới bán hàng, thực hiện những sự kiện giới thiệu nghệ thuật (ngay tại nhà riêng của họa sĩ, trong khuôn viên của một số đại sứ quán có thiện ý hay khách sạn mới mở), tìm hiểu kỹ hơn tâm lý khách hàng Việt về hội họa, điêu khắc. Một đại diện trong nhóm này từng chia sẻ nhận xét thú vị: Người Việt mê phong thủy và điều này rất phù hợp với một số phong cách tranh sơn mài hiện nay - những dòng tranh có sắc màu ấm áp, đem đến cảm giác “vượng” cho gia chủ.

Chưa nói đến việc sưu tập đỉnh cao, làm thế nào để góp phần thay đổi hướng mua sắm vật dụng trang trí trong nhà của người Việt trung lưu dường như là lối đi thích hợp hiện nay để nhằm một lần nữa, ấn nút khởi động thị trường mỹ thuật nội địa. Một số người từng bán tranh cho người Việt đều có chung nhận xét, không ít người mua tranh Việt Nam rất hào sảng, họ nhìn tranh thấy ưng ý là hỏi giá, đặt tiền luôn, chứ không “cò kè” như khách nước ngoài.

THÊM NHIỀU NGƯỜI VIỆT NAM SƯU TẬP MỸ THUẬT

Trước đây, Hà Nội từng có nhà sưu tập danh tiếng Đức Minh Bùi Đình Thản, một doanh nhân đã sưu tập được hàng nghìn bức tranh quý của mỹ thuật Việt Nam cận và hiện đại. Điều trân quý nhất trong khoảng 30 năm sưu tập tranh của Đức Minh là ông không chỉ tôn trọng họa sĩ và mỹ thuật mà ông còn tin vào nhãn quan mỹ thuật cá nhân, để yên tâm với mọi lựa chọn của mình. Trong bộ sưu tập ấy, có những tác phẩm từng bị chê xấu, song càng về sau càng được chính những người từng chê bai khẳng định lại giá trị.

Nước ta hiện cũng có một vài nhà sưu tập nổi danh. Song để có được một nhân vật tầm cỡ như ông Đức Minh, mỹ thuật Việt Nam còn phải chờ đợi ở những thế hệ sưu tập kế tiếp. Thế hệ này có vẻ ngày càng đông đảo hơn, nhưng do nhiều bất cập về thiết chế nền tảng của việc sưu tập mỹ thuật trong hoàn cảnh xã hội mới, đặc biệt là do thiếu tự tin về thẩm mỹ lựa chọn của mình, đội ngũ sưu tập này khá “đóng cửa” với nhau và với cả xã hội. Vẫn còn đâu đó nỗi e sợ, như không biết tác phẩm mà họ lựa mua có “được” không, họa sĩ mà họ chọn đầu tư mua nhiều hơn “liệu có thành danh không?”... Họ đã, đang và sẽ tạo nên những làn sóng ngầm sưu tập, yếu tố nền tảng tiềm tàng cho sự phát triển của thị trường mỹ thuật nội địa. Sưu tập luôn đi cùng với sự trao đổi tác phẩm để bộ sưu tập ngày càng được tinh lọc và phát triển. Chính vì thế, yếu tố gắn liền với hệ thống sưu tập là các nhà đấu giá. Tiếc là cho đến nay, Việt Nam chưa có một địa chỉ đấu giá mỹ thuật nào chính thức hoạt động thường xuyên, ngoại trừ một số sự kiện đấu giá mang tính chất từ thiện hoặc gây quỹ.

Mặc dù vậy, gần đây đã xuất hiện những tín hiệu vui, như đã có nhiều người sưu tập mỹ thuật nội địa dành sự quan tâm cho điêu khắc, đồ họa – những lĩnh vực mà sự thử thách đối với người sưu tập còn lớn gấp bộn lần so với hội họa. Nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Ngọc Lâm mới bán được một bức điêu khắc chân dung với chất liệu sắt hàn cho một khách hàng như vậy. Mặc dù số tiền anh Lâm thu về chưa bằng một nửa so với kênh bán qua gallery nhưng anh cảm thấy thoải mái, vì sự mua bán không đơn thuần mang tính thương mại mà còn là một kênh trao đổi, chia sẻ cảm xúc nghệ thuật của nghệ sĩ với người có thành ý.

Những say mê và nỗ lực tự thân của các thế hệ sưu tập mỹ thuật nội địa là rất đáng khích lệ. Chỉ mong họ tự tin hơn bằng cách trau dồi vốn hiểu biết nghệ thuật, văn hóa của mình để tiến tới công khai mở rộng hoạt động của mình qua nhiều hình thức như triển lãm, lập hiệp hội... Được vậy, họ sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn và cùng góp phần hình thành thị trường mỹ thuật đúng nghĩa ở Việt Nam.

MỘT THÁI ĐỘ TÍCH CỰC CỦA NGHỆ SĨ DÀNH CHO KHÁCH HÀNG NỘI ĐỊA

Người viết bài được vợ chồng một người bạn thuộc thế hệ 8X chia sẻ câu chuyện: Do thích tranh giấy dó của một họa sĩ có tên tuổi, người chồng muốn hỏi cụ thể giá tiền qua email. Vị họa sĩ này trả lời khá ý vị, ngầm muốn khách hàng hiểu rằng “tôi mà đưa giá ra là anh không mua được đâu, chi bằng tôi sẽ tặng anh một bức mà anh thích”. Có thể, với người họa sĩ, đây là cách làm mà anh ta cho rằng thiện ý. Nhưng với người mua, nhất là với những bạn trẻ có tư duy sống hiện đại hơn, họ sẽ cho rằng đây là sự thiếu tôn trọng. Một bức tranh quà tặng, hoặc để ngoại giao, hoặc để bày tỏ sự thân quý khác hẳn với “cách tặng” của vị họa sĩ này. Đơn giản bởi giữa họ đơn thuần chỉ là quan hệ thông thường giữa người mua - kẻ bán, không hề có sự thân gần hay cần thiết phải “ngoại giao”. Quả là “của cho không bằng cách cho”. Vị khách trẻ đã không trả lời email của vị họa sĩ mà anh vốn yêu mến, như một cách bày tỏ thái độ phản ứng...

Câu chuyện trên có thể là cá biệt nhưng nó cho thấy vẫn còn tồn tại đâu đó trong tâm lý nhiều họa sĩ một lối nghĩ quen về khách hàng nội “nhỏ lẻ”, rằng họ hỏi về tranh để thỏa mãn trí tò mò chứ có tiền đâu mà mua. Cũng như thói quen hay hỏi về nghề nghiệp và nơi công tác của người thích tìm hiểu tác phẩm của mình, như thể đó là cách hữu hiệu để “phân loại khách hàng tiềm năng”. Cái tâm lý nhuốm màu phân biệt đối xử và “vọng ngoại” ấy của nghệ sĩ cũng nên được cải thiện theo chiều hướng tôn trọng những cá nhân thích mua tranh, hỏi mua tranh, cho dù đó là người nội hay kẻ ngoại, người “chắc gì có tiền” hay kẻ “ra dáng có tiền”.

THAY LỜI KẾT

Các cụ nhà ta thường nói “quay đầu lại là bờ”. Nhìn sang đời sống kinh tế xã hội hiện nay mới thấy điều này là thật thấm thía. Bao nhiêu năm mải mê với việc xuất khẩu hay làm gia công hàng cho nước ngoài, thị trường nội tràn lan hàng Trung Quốc giá rẻ. Nay kinh tế toàn cầu suy thoái, doanh nghiệp nội mới chịu quay trở về tìm cách chiếm lĩnh thị trường trong nước “đầy tiềm năng”. Mỹ thuật Việt Nam, cho dù đặc thù đến mấy thì có lẽ cũng không tránh khỏi quy luật thị trường bất biến ấy: phải thật sự phát triển ở trong nước thì mới có đà để phát triển lâu dài và bền vững ra bên ngoài lãnh thổ quốc gia.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandanhangthang/nhan-dan-h-ng-thang/v-n-hoa/song-m-i-c-a-th-tr-ng-tranh-vi-t-1.386570